Tạp chí Sông Hương -
Sartre, Camus và người phụ nữ tên là Wanda
14:10 | 29/08/2012

Sartre là một kẻ xấu xí dị hợm, Camus là ngôi sao màn bạc trong giới triết gia. Tác giả Andy Martin kể lại mối tình tay ba đã phá hủy tình bạn giữa hai người trên tờ Telegraph.

Sartre, Camus và người phụ nữ tên là Wanda

Jean-Paul Sartre, nhà triết học hiện sinh vĩ đại, có một vấn đề lớn: ông trông giống một kẻ lang thang bên ngoài nhà thờ Notre Dame. Điều này không là vấn đề nếu ông không tự nhận mình là một gã Don Juan. Triết lý của ông giải thích cách thức thành công thậm chí xấu xí. Nó giống như cuốn sổ tay bí quyết cho những kẻ độc ác và thất bại. Nhưng ông không gặp may khi gặp Albert Camus: một triết gia khác, kẻ tự nhận là người quyến rũ phụ nữ hàng loạt, nhưng điều quan trọng nhất là Camus ưa nhìn hơn rất, rất nhiều.

Camus là một ngôi sao màn bạc trong giới triết gia Pháp. Ông có vẻ lịch lãm thời phong trào phản kháng ở Pháp, khoác áo choàng dựng cổ như Humphrey Bogart (nam diễn viên Mỹ, 1899-1957). Ông là người tạp chí Vogue muốn chụp ảnh, trong khi ông không bao giờ phải cố gắng quá sức. Trong khi Sartre lại phải cực kỳ nỗ lực. “Tại sao ông gặp nhiều rắc rối vậy?” Camus, hoàn toàn thư thái ung dung, nói với ông trong một tối hai người đang nhậu tại quán bar Left Bank và Sartre liên tục áp dụng thói quen ăn nói suồng sã của mình. “Ông đã nhìn kỹ cái cốc này chưa?” Sartre trả lời. Khi họ cãi vã, luôn nhiều hơn là về phụ nữ. Nhưng chắc chắn cũng là về một người phụ nữ. Cô ấy là Wanda.

Giữa Thế chiến II, Sartre and Camus cũng có một cuộc chiến riêng tư nho nhỏ. Nhưng mối quan hệ của Sartre với Wanda có từ trước chiến tranh, trước cả Camus. Suốt bao năm, Sartre bị ám ảnh bởi chị gái của Wanda, Olga Kosakiewicz, một trong những môn đồ của Simone de Beauvoir. Ban đầu De Beauvoir quyến rũ Olga, rồi cố đẩy cô cho Sartre. Nhưng Olga không mấy hứng thú. De Beauvoir ưa nhìn hơn rất nhiều so với Sartre, và cũng cao hơn. Rồi sự mê muội của Sartre với cô lớn của cặp chị em lai Nga nhà Kosakiewicz bắt đầu. Olga đi vào những vở kịch, tiểu thuyết của ông. Nhưng một điều ông không bao giờ thực hiện được là kéo cô lên giường. Cô kháng cự mà không cần phải đẩy ông ra quá xa. Cô là đối tượng khát khao không thể đạt được của Sartre, một “dấu hiệu tiên nghiệm”, như người bạn Jacques Lacan của họ, nhà phân tâm học, đã từng nói. Sartre đã cố gắng diễn giải những trắc trở tình ái giúp cho tâm hồn hiện sinh của ông.

Không gì có thể ngăn cản ông thay đổi khi cô em gái Wanda đến Paris năm 1937, ông theo đuổi cô thay cho Olga. Và lần này là thật, không chỉ mang tính văn vẻ. Nó thực sự là một bài kiểm tra sự tự do hiện sinh: bạn phải vượt qua những nhược điểm rõ ràng như vóc người nhỏ bé hơn cả Napoleon, một con mắt “lờ đờ”, nước da nhợt nhạt, tóc thưa, vệ sinh không sạch sẽ, hút tẩu v.v… Nếu ông có thể lên giường với Wanda, đó có thể là bằng chứng rằng cuối cùng chủ nghĩa hiện sinh cũng tồn tại. Nếu ông có thể lên giường với Wanda, bất cứ ai cũng có thể làm mọi thứ trên đời - thời kỳ của sự tự do tuyệt đối cho tất cả cuối cùng cũng được báo hiệu. Đó là trên lý thuyết. 

Thực tế, mối tình với Wanda không diễn ra trôi chảy. Ông nghĩ rằng cô có “năng lực thần kinh của một con chuồn chuồn” và nói với cô như vậy. Cô không để tâm. Cô là một nghệ sỹ, không phải triết gia. Cô thú nhận với ông rằng không biết khoái lạc là gì. Sartre đề cập dạy dỗ. Lần đầu tiên ông hôn cô và cố giữ cô trên giường, cô trốn thoát và chạy thẳng vào nhà tắm nôn ọe.

Mặt khác, cô lại không chỉ biết có chạy trốn. Có điều gì đó ở Sartre níu kéo cô. Cô lờ mờ cảm thấy ông ta có thể dạy cô về cuộc đời, như một tấm bằng đại học siêu tốc chẳng hạn. Tại một khách sạn ở Aigues-Mortes miền Nam nước Pháp, sau hai năm bị kiên trì tán tỉnh, cuối cùng cô cũng trải qua quá trình “phá bỏ trinh tiết” (lời Sartre), sau đó cô nói, một cách thật lòng, rằng cô “ghét” Sartre. Chúng ta biết điều này vì Sartre đã viết đầy đủ tất cả và gửi ngay tới “Beaver thân mến” (De Beauvoir). Và ông đã rất lo nếu chẳng may Wanda đọc được.

Ông nói với Wanda rằng ông yêu cô. Cùng lúc đó, ông lại bảo đảm với De Beauvoir rằng ông chỉ giả vờ. Nhưng ông phát rồ khi có vẻ ông sẽ mất Wanda, và gửi thư tới tấp tới những tình địch để làm vui lòng cô. Ông hứa sẽ không dính dáng tới Beaver. “Tôi sẽ chà đạp cả thế giới vì em”. Khi cô lâm bệnh, ông thậm chí còn cầu hôn. Ông dành bộ ba Những con đường tới tự do (1945) cho Wanda.

Trở lại Paris bận rộn, Sartre dành cho cô một phần nhỏ trong vở kịch Những con ruồi (1943). Cô diễn tốt tới mức được đề nghị một vai trong Không lối thoát (1944). Đây là nơi mọi việc bắt đầu chệch hướng. Vì Camus, thần tượng trong những vở nhạc kịch. Ngay trước mũi Sartre. Và Sartre đã bất cẩn ghép họ chung một phòng. Đó là tiền đề của vở kịch. Tất cả các nhân vật, một nam và hai nữ, đều ở dưới địa ngục và “địa ngục là những người khác”.

Camus luôn luôn là “kẻ ngoài cuộc”, thậm chí cả trước khi ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Sinh ra tại Algeria, ông là một cậu bé hoang dã ở thuộc địa, người sau này xuất hiện ở đại lộ Saint-Germain với vòng nguyệt quế văn học. Sartre thậm chí đã viết một bài phê bình 20 trang về Kẻ xa lạ (1942) để sắp đặt ngược cuốn sách nhằm giúp ông tìm hiểu xem nó đã được xây dựng như thế nào. Năm 1943, khi ngồi với nhau ở Café de Flore, họ nói chuyện về sân khấu, Camus đề cập các vở kịch ông đạo diễn ở Alger (thủ đô Algeria) và Sartre mời ông chỉ đạo Không lối thoát. Đó là bắt đầu của một tình bạn đẹp. Họ tới phòng của Beauvoir tại khách sạn Louisiane gần đó để nghiên cứu. Rồi Wanda được đưa tới cho buổi diễn tập. Mối quan hệ khăng khít của hai người đàn ông kết thúc.

Với Camus ở đó, không cần thiết cho một màn dạo đầu trí tuệ phức tạp. Đó là một cú sét đánh kinh điển, ít nhất từ phía Wanda. Về phía Camus, thật khó để không nghi ngờ việc ông thích giày vò Sartre. Liệu ông có biết cô là người tình của Sartre khi cô trở thành bạn gái của ông? Chắc chắn ông đã phải biết điều đó khá sớm. Camus là tay mới, đối diện với nhóm phê bình, xuất bản và triết gia hàng đầu xung quanh Sartre - vậy mà ông vẫn có thể ghi điểm trước mặt người thầy với đôi mắt xanh lạnh và sức cuốn hút không thể cưỡng lại. Khi họ nhảy với nhau trước mặt Sartre, đó như thể là một chiến thắng trước cuốn sách 700 trang Tồn tại và hư vô, “bài luận về bản thể học mang tính hiện tượng” của Sartre năm 1943.

Wanda bây giờ có mối quan hệ hai ông một bà của riêng cô. Hai triết gia một lúc (mặc dù một trong đó đem lại cảm giác buồn nôn). Một kiểu quan hệ mà De Beauvoir gọi là “tình tay ba” - nhưng không có De Beauvoir. Và rồi, một con thuyền nữa trong đêm, một nữ diễn viên khác, Maria Casares lọt vào mắt Camus, rồi ông không còn ở đó. Nguyên trạng lại được phục hồi. Chung một người tình là thứ Sartre và Camus gặp nhau gần nhất.

Đó là một Sartre kém thông thái và khôn ngoan nhất. Ông không bao giờ thực sự tha thứ cho Camus. Sự chia lìa dứt khoát của họ vào thập niên 1950 là chính trị, triết học và cá tính tất cả trộn vào làm một. Cuối năm 1944, Sartre viết cho Beaver: “Wanda nghĩ cô ta đã làm gì vậy, chạy theo Camus à? Cô ta muốn gì từ hắn? Tôi không phải là tốt hơn hẳn ư? Và tốt với cô ta nữa. Cô ta nên xem lại”. Sartre đã cố gắng tỏ ra châm biếm nhưng thực sự ông đang hoàn toàn nghiêm túc. Ông hài lòng kéo Wanda lại một lần nữa. Nhưng có thể Camus đã có một cuộc chạm trán với ông trong tâm trí khi viết: “Yêu là cần thiết, tốt hơn là dựng lên một cái cớ cho mọi thất vọng mà chúng ta sắp trải qua”.

                                        Theo Nguyễn Thiện Hoàng Dương - NĐBND

Các bài mới
Các bài đã đăng