Trong cùng tháng 9, hai Liên hoan phim ngắn sẽ cùng lúc mở màn là Làm phim 48H (diễn ra vào 2 ngày 14 và 15-9 tại TP.HCM) và Tiệc phim YxineFF 2012 (bắt đầu từ ngày 15-9).
Những liên hoan phim ngắn đang mở ra nhiều cơ hội cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật điện ảnh, đặc biệt những đạo diễn trẻ đã và đang thử sức với thể loại phim ngắn.
Phim ngắn: “Lộ trình” chưa rõ ràng!
Bộ phim 16g30 của Trần Dũng Thanh Huy (sinh năm 1990) được chọn là phim ngắn chiếu mở màn Tiệc phim YxineFF năm nay. Đây là một tác phẩm tốt đã được kiểm chứng bằng danh hiệu thủ khoa khi Huy dùng nó làm phim tốt nghiệp tại ĐH Sân khấu điện ảnh năm 2011.
Trong buổi chiếu ra mắt, nhiều đạo diễn tên tuổi, nhà sản xuất đã dành không ít lời khen cho một tác phẩm điện ảnh chưa đầy 17 phút, của một đạo diễn vừa tròn 22 tuổi. Thế nhưng, đó chỉ là niềm vui ngắn ngủi…bởi ít ai biết trước đó, chàng trai trẻ cùng bạn bè đồng trang lứa phải tất tả xin từng suất chiếu phim (dĩ nhiên là chiếu miễn phí) tại một số quán cà phê quen và ĐH Hoa Sen.
Để mới thấy: vất vả tìm tài trợ để làm được một phim ngắn tử tế là một chuyện, nhưng làm xong kiếm được nơi chiếu phim, phát hành phim lại là một chuyện khác.
Phim ngắn tại Việt Nam ngoài để trình chiếu trong các Liên hoan phim thì hầu như không có đời sống độc lập riêng, không được quảng bá, giới thiệu một cách phổ biến và chuẩn mực. Nói cách khác: phim ngắn tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được “đối xử” thật công bằng theo đúng nghĩa “phim ngắn” vẫn tồn tại trên thế giới.
Một cách không chính thức phim ngắn được xem là cuộc chơi vui vẻ, phi lợi nhuận dán nhãn “SV” (sinh viên), là cơ hội để những tay máy nghiệp dư được thỏa sức luyện tập kỹ năng, thử nghiệm những hiệu ứng mới. Điều này đúng nhưng chưa đủ!
Một quan niệm vẫn được nhiều đạo diễn trẻ “nuôi nấng” bấy lâu: làm phim ngắn là “lộ trình” cần có để tiến lên phim dài đã ít nhiều bộc lộ những ngộ nhận... khi cách đây chưa lâu, Dành cho tháng 6 xuất hiện, và Nguyễn Hữu Tuấn - đạo diễn, nhà sản xuất kiêm…hàng chục “chức danh” khác trong phim này lại chưa từng “thử tay” qua một thước phim ngắn nào.
Trong khoảng ba năm trở lại, phim ngắn nở rộ như một trào lưu thời thượng theo đúng khẩu hiệu “nhà nhà làm phim ngắn, người người làm phim”. Chưa bao giờ lại dễ dàng để có một phim ngắn như bây giờ.
Điều này là dễ hiểu bởi trước đây, SV học về điện ảnh “đến khi tốt nghiệp, mỗi đứa được chạy lại bấm vào máy quay một cái đã thấy may mắn lắm rồi” như chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn thì giờ đây, những chiếc máy ảnh công nghệ cao, cho phép quay phim với chất lượng khá như Canon 5D Mark II, III đã thỏa mãn phần nào thiếu hụt về kĩ thuật.
Nhưng đâu phải cứ cầm máy quay lên bấm nút là trở thành đạo diễn? “Chúng tôi vẫn thường hay nói đùa, khi bạn quay bằng máy ảnh, đấy là máy quay cho bạn chứ đâu phải bạn quay, bởi máy đã tự động chỉnh màu, ánh sáng… Vậy nên nhiều đạo diễn trẻ còn không biết đặt đèn ra sao khi dùng những máy quay chuyên nghiệp. Cẩn thận với công nghệ vì nó là con dao hai lưỡi” - đạo diễn trẻ Trần Lý Trí Tân tâm sự.
Thêm một điều cần nhắc đến là ê kip làm phim cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt khi khởi đầu bằng phim ngắn. Tâm lý hiện nay của nhiều nhà làm phim ngắn là “có gì dùng nấy”: diễn viên (đã có người quen, hàng xóm, bạn bè… kiểu gì cũng xong!), âm nhạc (vay mượn lung tung, không rõ ràng xuất xứ).
Một câu hỏi lớn khiến không ít người băn khoăn: tại sao số lượng phim ngắn tại Việt Nam ngày một nhiều nhưng vẫn chưa có một tên tuổi nào bật lên hẳn trong vòng hai năm qua?
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn thẳng thắn chia sẻ: “Rất nhiều nhà làm phim trẻ ngộ nhận về sự sáng tạo trong những tác phẩm đầu tay. Sáng tạo không có nghĩa là bạn phải làm một cái gì đó thật khác người, khác thường, mà sáng tạo bằng nghĩa với việc bạn phải gửi gắm được tiếng nói riêng của mình trong đó. Một trong những sai lầm mà nhiều nhà làm phim trẻ tuổi hay bị sa đà là hay đưa quá nhiều triết lý vào phim, thích tạo cho nhân vật của mình một sự dằn vặt, cô độc thái quá, vô tình khiến cho bộ phim bị…sến! Tôi cho rằng đó là những trang sức, là râu ria của một bộ phim, nhất là phim ngắn. Hãy mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề, bộc lộ cái nhìn của bạn ngay từ những giây đầu tiên”.
Tại những liên hoan phim danh giá của thế giới, phim ngắn luôn được trân trọng dành một khoảng không gian riêng, và đặc biệt đó không phải là hạng mục “độc quyền” của những đạo diễn trẻ. Vương Gia Vệ sau khoảng thời gian “làm mưa làm gió” với những bộ phim dài đã có cú “lội ngược dòng” về với phim ngắn bằng một trong chùm ba phim Eros (Thần ái tình) vào năm 2004 được giới phê bình nể nang.
Nói thế để hiểu phim ngắn không phải là “bước đệm” lên phim dài 90 phút, mà là một dòng phim độc lập, cần ở đạo diễn sự chắc tay và tư duy phong phú. Hóm hỉnh nhưng thực tế, Nguyễn Hữu Tuấn nói thêm “Tôi vẫn nghĩ làm một phim cho chín còn hơn làm chín phim mà chỉ sàng sàng như nhau” khi được hỏi về lý do không làm phim ngắn trước đây của anh.
thế hệ sẵn sàng!
Thực tế khi nhìn vào thị trường điện ảnh hiện nay, dễ dàng nhận ra “đất lành” chưa dành cho phim ngắn, hay cho những đạo diễn độc lập đang cố gắng đi lên. Không có nhiều trường hợp may mắn (và cả khổ công) đưa được phim ra rạp như Nguyễn Hữu Tuấn (Dành cho tháng Sáu), Cường Ngô (Ngọc Viễn Đông), Nguyễn Đức Minh (Touch) bởi hầu hết các nhà sản xuất vẫn ưu ái cho những tên tuổi bảo đảm về doanh thu hơn một sự bứt phá mạo hiểm “50-50”.
Không ít những nhà làm phim trẻ từng gây được tiếng tăm với những phim ngắn đầu tay như Trần Lý Trí Tân (với hàng loạt phim ngắn Cắt, Điều kì diệu…), Nguyễn Khắc Huy (Chuyện tào lao), Tạ Nguyên Hiệp (Phía sau cái chết, Nụ cười của nắng…) vẫn đang “lặng lẽ” nuôi giấc mơ và chờ cơ hội.
Trần Lý Trí Tân, đạo diễn trẻ được đánh giá cao về góc nhìn (từng được đạo diễn Phillip Noyce và Sài Gòn Media trao học bổng cho phim ngắn xuất sắc nhất vào năm 2011) đã lâu rồi không còn làm phim ngắn, dù ý thức nghề và những say mê của anh vẫn còn vẹn nguyên.
Tân kể “Mình chuyển sang làm phim tài liệu nhiều hơn như một cách thu nhặt vốn sống. Thấy những cuộc thi phim ngắn ngày càng nhiều nhưng chất lượng hình như không cao hơn. Phim ngắn là một thể loại đặc thù, rất sợ một ngày nào đó người ta làm phim ngắn cũng như sản xuất…phim truyền hình”. Trước mắt dự án Đò ôm (dự án điện ảnh dài 90 phút) của Tân vẫn chưa thể “cất chèo” như lời hứa bởi nhà đồng sản xuất người Đức vẫn còn chưa có quyết định sau cùng cho chuyện tài trợ.
Theo chính những người trong nghề, đã đến lúc phải nhìn lại và nhìn thẳng vào sự thật: phim ngắn cần được định hướng rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Nếu những SV điện ảnh chỉ dừng lại ở mức làm phim ngắn như một bài tập phải nộp cuối kỳ, làm theo ba-rem để lấy điểm số, những đạo diễn độc lập xem phim ngắn là chặng “quá cảnh” để làm phim dài, thì mãi mãi phim ngắn chỉ là một trào lưu thời thượng.
Theo MINH TRANG - TTO