SHO - Chiều ngày 15/9, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm Khúc ru nơi lưng núi của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, buổi giới thiệu diễn ra tại Tòa soạn Tạp chí, số 9 Phạm Hồng Thái, Huế. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình Phát triển không gian văn hóa của Tạp chí Sông Hương.
Phát biểu tại buổi giới thiệu tập thơ Khúc ru nơi lưng núi, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đã nhận định: “Trong tập thơ này cũng rất nhiều lần chị viết về trăng, ánh trăng. Trăng không chỉ là biếu tượng của nhịp điệu vũ trụ, là thời gian trôi đi, ngọn nguồn truyền thuyết hay huyền thoại, vô thức và mộng mơ; mà trăng còn có hơi thở dài của nỗi buồn. Ngay từ bài thơ mở đầu tập thơ, đã nói về trăng… Trăng của chị gắn liền với thân phận, như trong bài thơ “Đồi trăng” chị viết: “Đồi trăng kiếp người/ soi từng thế phận”... Những số phận chị quan tâm, là những người bình dị, là “Em gái gánh hoa đào”, là người chồng người vợ trong ca dao “nắng quái chiều hôm”, là bạn thơ... Nhưng “Người đàn bà bên núi” là một tiếng vọng khác về ngươi phụ nữ chờ chồng qua chiến tranh, đặc biệt ánh trăng của chị ở đây đã làm bật máu nỗi cô đơn: “Mẹ bồng con/ tê tái héo hon/ Vách đá nứt đau khoảng trời rạn vỡ/ Chị lặng thầm cúi nhặt trăng rơi...”. Nếu đọc kỹ, sẽ nhận ra trong tập thơ này những câu thơ bật khóc những khoảnh khắc thảng thốt như vậy…”.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và tập thơ Khúc ru nơi lưng núi của chị |
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo hiện là Viện Phó Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), Ủy viên Thường trực Quỹ hỗ trợ Văn chương và cuộc sống... Khúc ru nơi lưng núi là tập thơ thứ tư được chị giới thiệu đến với bạn đọc và những người yêu thơ, trước đó chị đã xuất bản tập thơ: Dòng sông khát vọng, Hoa nắng, Trao em mùa hạ.
Thơ của Phạm Thị Phương Thảo giàu cảm xúc và được hun đúc từ một lớp ngôn ngữ trong sáng, một hồn thơ đắm đuối với thiên nhiên. Đọc thơ chị ta được gặp một thế giới của những niềm vui, sự gắn kết giữa hồn người và thiên nhiên hoang dại. Đây là tập thơ của một người thơ đã đi qua bao nỗi nhân tình thế thái, biết chọn cho mình chốn chơi vơi nơi lưng núi để hòa mình vào cây cỏ thiên nhiên, vào không gian núi và trăng, từ đó khơi mở mạch thơ ẩn ức trong tiềm thức. Chị luôn bình thản mỉm cười khi nhìn thời gian đi qua đời mình, thời gian quá khứ đủ cho mình chiêm nghiệm và “Tự hát tuổi 53”, chị viết: “Tuổi 53 những ngọt ngào cay đắng/ Không ồn ào nông nổi, vẫn vui tươi/ Niềm đam mê, giờ đã thành sâu lắng/ Trước bão dông tôi bình thản mỉm cười”.
Cùng đó là những bài “Chiếc lá và đêm dông”, “Chồi xuân”, “Nắng quái chiều hôm”, “Bí mật của đêm”... “Bí mật của đêm”… Có lẽ đó là lý do mà Phạm Thị Phương Thảo đã dành rất nhiều tình cảm và chiêm nghiệm của mình gửi gắm vào cỏ cây và hoa. Có đến 1/4 trong số 54 bài thơ trong tập này nhờ cỏ cây hoa lá nói hộ lòng mình, như chính chị đã viết: “Xin cho phút tĩnh lòng/ Với hương hoa cỏ dại/ Xin đong đầy nỗi nhớ/ Mưa ướt lạnh bờ vai...”, hay có lúc: “Ta chợt nhận ra/ Trong muôn giản dị/ Có một loài hoa/ Níu ta lối ngõ” (Hoa hồng dây); hay “Cánh hồng em cũng đủ sắc ân cần/ Có cần chi đâu mà vội vã?” (Đào mộc)... Hoa của chị không chỉ là hoa của nhật ký cá nhân, thuộc về hoài niệm riêng, mà còn là hoa để nhắc nhở về cái vô thường, về nỗi đau thân phận, là biểu tượng của an ủi và hy vọng...
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh trình bày ca khúc "Hà Nội trong ta" , phổ thơ Phạm Thị Phương Thảo |
Buổi giới thiệu sách đã diễn ra trong không khí ấm cúng của khán phòng, tại đây, độc giả yêu thơ đã được nghe nhiều ý kiến, phát biểu qua nhiều góc nhìn khác nhau về tác phẩm Khúc ru nơi lưng núi; các nhà văn, nhà thơ xứ Huế và nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo cũng đã chia sẽ với nhau những vui buồn, những trăn trở của người nghệ sỹ trước cuộc sống hôm nay. Cùng đó, công chúng yêu thơ đã được nghe tiếng hát của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngàn Thương, tiếng thơ của Mai Văn Hoan, Vĩnh Nguyên… trong chiều mưa Huế.
Các nhà văn, nhà thơ Cố đô Huế chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo (thứ 4 từ trái qua) |
PV