Tạp chí Sông Hương -
Tác giả “Cánh đồng bất tận” chuyển đề tài sang người đồng tính
10:29 | 20/09/2012

Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Là những gì độc giả được biết khi vừa nhìn thấy cuốn sách “Sông”, tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư.

Tác giả “Cánh đồng bất tận” chuyển đề tài sang người đồng tính

Nhân ngày tiểu thuyết ra mắt tại Hà Nội (18/9), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có buổi giao lưu với bạn đọc mang tên “Nguyễn Ngọc Tư – Từ cánh đồng đến dòng sông”. Được đánh giá, “Độc đáo. Đầy tính thời sự và nhiều chất thơ. Một sự thay đổi ngoạn mục của Nguyễn Ngọc Tư”, như cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, không thể gọi “Sông” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn được. Bởi ngay từ “Cánh đồng bất tận” người đọc đã thấy chất tiểu thuyết rồi, đây chỉ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà thôi.

Ăn mặc giản dị, không trang điểm, hay cười và chỉ thích những câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Nguyễn Ngọc Tư có vẻ bề ngoài khá khác với những trang viết đa nghĩa, u buồn của chị.

Tiểu thuyết “mặc áo” du khảo

Nếu độc giả mong muốn tìm thấy đặc sản đời sống sông nước Nam Bộ trong “Sông” thì hẳn sẽ rất thất vọng, bởi sông ở đây chỉ là bối cảnh. Một dòng sông như bao dòng chảy khác để tác giả cho nhân vật thực hiện cuộc phiêu lưu, chiêm nghiệm đời sống của mình. Bỗng một hôm, Ân, nhân viên của nhà xuất bản cảm thấy cuộc sống quá tù túng, ngột ngạt và nhạt nhẽo anh quyết định ra đi cùng hai người bạn của mình. Họ xuôi thuyền trên con sông Di, dòng sông hư cấu mang tính tượng trưng để họ tìm lại con người của mình trong quá khứ cũng như bản năng thật trong hiện tại. Cũng từ hành trình này, tác giả kể về những mảnh đời, số phận ở hai bên bờ. Gọi là tiểu thuyết mặc áo du khảo cũng bởi lẽ đó.

Đằng sau hành trình xuôi dòng này là hành trình ngược dòng trong tâm tưởng của nhân vật về quá khứ. Dòng chảy cứ mở ra phía trước còn tâm tưởng con người cứ ngược lại phía sau. Với lối viết nhẩn nha không vội vàng, giọng văn cảm thương, hóm hỉnh nhưng sắc lạnh, “Sông” ẩn chứa trong nó nhiều đổ vỡ, mất mát. Nhiểu câu văn đột ngột tách dòng như con sông Di đột ngột một ngày lấy đi những mảnh đất, con người sống hai bên bờ. Nói về đứa con tinh thần của mình, nhà văn chia sẻ: “Sông giống câu chuyện về một thằng bé đánh mất trái bóng mình đang chơi. Nó quyết tâm tìm kiếm dù cực khổ nhưng đến khi thấy rồi nó mới nhận ra đây không phải thứ mình mong muốn”. Có lẽ nỗi buồn, chủ nghĩa bi quan, yếm thế là bản sắc riêng không thay đổi của Nguyễn Ngọc Tư.

“Không muốn là quả nhựa”

Nhắc tới cái tên Nguyễn Ngọc Tư, người đọc thường bị “đóng đinh” trong hai thể loại truyện ngắn và tản văn, tiểu thuyết là “cái áo” quá xa lạ liệu có được chấp nhận? Khi được hỏi về sự thay đổi này chị cho biết: “Tôi đã định viết ngắn đến khi nào không còn viết được nữa. Song lại nghĩ người viết văn xuôi không thử sức với tiểu thuyết sẽ rất uổng phí. Cuốn sách này là quá trình đi tìm những khả năng còn ẩn dấu trong con người mình mà truyện ngắn chưa khai thác hết”. Như vậy quá trình viết là con đường tìm kiếm cái mới và khẳng định bản thân của nhà văn.

Trong hành trình ấy, Nguyễn Ngọc Tư chấp nhận bỏ lại “Cánh đồng”, ánh hào quang đằng sau lưng để đi tiếp. Với nhà văn, trên trang giấy chị đã đi quá xa khỏi “Cánh đồng” Nam Bộ mà bạn đọc vẫn cứ mong chờ ở đó. Cây đến mùa thay lá, quả đến mùa tiêu tan, nếu cứ chín mãi chỉ có thể là quả nhựa, nếu là quả nhựa sẽ rất khổ tâm. Có lẽ vì thế mà “Sông” phần nhiều phản ánh đời sống đô thị, tâm lý đô thị, một thay đổi khác biệt.

Đồng tính không phải chạy theo xu hướng

Trong cuốn tiểu thuyết này, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư viết về người đồng tính. Lại càng phức tạp hơn khi nhân vật vẫn thích phụ nữ cùng lúc yêu đàn ông. Chị miêu tả người đồng tính hoàn toàn bằng xung đột tâm lý không hề có cảnh nóng hay ham muốn nhục dục. Lý do đưa người đồng tính vào trang viết bởi họ đang ngày đêm đấu tranh giữa tình cảm với lý trí, với cả những định kiến gay gắt của xã hội. Hơn thế, họ cũng có những mối quan tâm về xã hội, con người như bao người khác. Nhà văn muốn đi tìm những tâm tư, uẩn ức và khao khát sống đúng với bản chất trong rất con người. Không phê phán những trang văn có yếu tố sex của đồng nghiệp, bởi Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: “Mỗi người có góc độ riêng, ý tưởng riêng tôi không thể đứng trên phương diện đồng nghiệp mà đánh giá, phán xét”.

Không đi đến tận cùng để giải quyết thấu đáo vấn đề bởi quan niệm trên đời thiếu những cái tận cùng. Mọi thứ phải bỏ dở, không kết luận mà cũng không thể kết luận được. Không ngại thay đổi, không sợ độc giả chê, Nguyễn Ngọc Tư khẳng định: “Khi viết chỉ nghĩ sao cho mình sung sướng mà thôi”.

Theo Đinh Nha Trang- Dantri

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng