Tạp chí Sông Hương -
Đêm thơ Tìm lại Gái quê kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử
10:48 | 22/09/2012

SHO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử (22/9/1912 - 22/9/2012), tối ngày 21/9, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức đêm thơ Tìm lại Gái quê, diễn ra tại Nhà sách Phương Nam Phú Xuân, Huế.

Đêm thơ Tìm lại Gái quê kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc đêm thơ

Phát biểu khai mạc đêm thơ, nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã nhấn mạnh: “Năm 2012, đúng vào dịp 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử, may mắn thay từ Orléan, Pháp, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Đặng Tiến đã được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, ở Maryland Mỹ trao lại từ một bản sao trong tư liệu người cô là Hoàng Thị Kim Cúc (Huế ), do Trần Như Uyên đánh máy lại năm 1969, từ một bản đánh máy khác của nhà thơ Phan Văn Dật cùng ở Huế. So với bản Gái Quê của Chế Lan Viên năm 1987, hay của Hội Nhà Văn 1992, 1998, tập thơ tìm được này có 34 bài. Chúng tôi cho rằng, để có được tập Gái Quê trọn vẹn hôm nay, tâm huyết và công sức của nhà nghiên cứu -  phê bình Đặng Tiến là rất lớn…”.


Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí  sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mặc Tử học tiểu học ở Quảng Ngãi, khi gia đình dời vào Quy Nhơn, học hai lớp cuối cùng bậc tiểu học, sau đó học ở trường dòng Pellerin (Bình Linh ) ở Huế.


Năm 1936, ông xuất bản tập thơ GÁI QUÊ, ký tên Hàn Mặc Tử, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, xong ngày 23/10/1936. Sách gồm 48 trang khổ 12,5x19,4 với 34 bài thơ, tác giả tự phát hành. Năm 1937, bệnh phong bắt đầu phát lộ, ông sinh hoạt văn nghệ tại quê nhà, chủ trương đặc san Nắng Xuân, thành lập Trường Thơ Loạn. Năm 1938, tập họp tác phẩm thành tập thơ ĐIÊN, sau đổi là ĐAU THƯƠNG, nhưng không tìm ra được nhà xuất bản, và cũng không còn khả năng tự xuất bản như  tập GÁI QUÊ trước đó. Năm 1940, bệnh tình nguy kịch, gia đình đưa vào bệnh viện Quy Nhơn, ngày 8 tháng 9, rồi chuyển vào trại cùi Quy Hòa ngày 20 tháng 9. Ông qua đời lúc 5 giờ 45 phút sáng ngày 11 tháng 11 năm 1940, được mai táng tại nghĩa trang bệnh viện. Năm 1959, mộ phần Hàn Mạc Tử được cải táng, dời về Rành Ráng, Quy Nhơn.


Tại đêm thơ Tìm lại Gái quê, công chúng yêu thơ Cố đô Huế đã được nghe các bài thơ trong tập thơ Gái quê của thi sĩ hàn Mặc Tử với các bài thơ: Gái quê, Bẽn lẽn, Tôi thích làm con gái, Duyên muộn, Nhớ Nhung, Trái mùa, Âm thầm, Tình quê, Tình thu, Cô bán trầu… qua giọng ngâm của nghệ sĩ Bạch Hạc, Thu Hằng và Phong thủy, và ca khúc Đây thôn Vỹ Dạ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ cùng tên của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Cùng đó, những người yêu thơ giao lưu với nhà thơ Mai Văn Hoan, người đã nhiều năm nghiên cứu và đã xuất bản tập sách Cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử.


Dịp này, Công ty Văn hóa Phương Nam (PNB) đã giới thiệu đến với bạn đọc Cố đô Huế tập thơ GÁI QUÊ, được Công ty liên kết với Nxb Hội Nhà Văn, xuất bản năm 2012. Tập thơ gồm 34 bài thơ và nhiều bài viết mang tính khảo cứu, ghi chép lại những câu chuyện, những kỷ niệm có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ Hàn Mặc Tử của các tác giả trong nước và nước ngoài.

Dưới đây là một số hình ảnh tại đêm thơ



PV

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng