Tạp chí Sông Hương -
Nhớ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
15:06 | 24/09/2012

Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ xuất sắc trong thế hệ họa sĩ tạo hình đầu tiên của nước ta. Theo GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Đỗ Cung là một họa sĩ thành danh rất sớm để lại nhiều sáng tác nổi tiếng, một nhà nghiên cứu mỹ thuật tài ba, uyên bác, một trí thức rất nhân hậu, khiêm tốn.

 

Nhớ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
Bức tranh "Du kích tập bắn” của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung

Sáng 21-9, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung – ông là họa sĩ, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu sưu tầm về lịch sử Mỹ thuật cổ đại Việt Nam.

Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ xuất sắc trong thế hệ họa sĩ tạo hình đầu tiên của nước ta. Ông là người con của làng Xuân Tảo, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sớm thành danh trong sự nghiệp mỹ thuật bằng việc có nhiều minh hoạ độc đáo trên các báo Phong Hóa, Ngày nay… Năm 1940, ông sang Nhật Bản tìm hiểu về nghệ thuật sơn mài. Ông là người yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Đỗ Cung là đại biểu Quốc hội khoá I, hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc, vẽ tranh cổ động, mẫu tiền giấy. Năm 1947, ông là Chủ tịch Liên đoàn Văn hoá Kháng chiến của Liên khu V.

Theo GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Đỗ Cung là một họa sĩ thành danh rất sớm để lại nhiều sáng tác nổi tiếng, một nhà nghiên cứu mỹ thuật tài ba, uyên bác, một trí thức rất nhân hậu, khiêm tốn. Nguyễn Đỗ Cung đi nhiều, vẽ nhiều, từ "Cổng thành Huế”, "Từ Hải” (truyện Kiều), "Mai Hạc”, "Chân dung Bác Hồ” (đầu cách mạng, sau kháng chiến), "Du kích La Hai”, "Người về quốc quân Nam tiến”, "Người hàng binh Châu Phi”, "Cảnh tiêu thổ kháng chiến”… ở chiến trường Liên khu V, những công nhân cơ khí "Tan ca mời chị em đi dự họp để thi thợ giỏi”, "Công nhân cơ khí”… Đó cũng là những bức tranh tuyệt đẹp về vẻ đẹp núi rừng đồng quê, thiếu nữ dân tộc miền núi… Đặc biệt, ít ai biết ông chính là tác giả của tác phẩm trang trí diềm bao quanh quan tài thi hài trong lăng Bác Hồ (sơn mài- vàng son). Bằng cách vẽ vững vàng, dứt khoát, mảng màu và đường nét, những tác phẩm của Nguyễn Đỗ Cung đã thể hiện được nét đẹp của tư duy nghệ thuật bằng cá tính, tài năng và đỉnh cao của nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, đã viết nhiều chuyên khảo về mỹ thuật cổ đại Việt Nam. Ông nghiên cứu di sản văn hoá dân tộc qua kiến trúc cổ, tìm kiếm các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỉ 20, thể nghiệm khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hội họa. Năm 1962, được giao trọng trách thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật và chỉ đạo xây dựng nhà Bảo tàng Mỹ thuật, đã bồi dưỡng nhiều cán bộ nghiên cứu mỹ thuật qua phương pháp khảo sát các di tích mỹ thuật Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung diễn ra trong không khí xúc động, hàng trăm đồng nghiệp, bạn bè và người thân của cố họa sĩ đã đến tham dự. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Họa sĩ – nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Ông là một họa sĩ tài danh, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam uyên thâm, đặt nền móng cho việc nghiên cứu Mỹ thuật cổ đại Việt Nam.


Theo Hà Thanh - ĐĐK

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng