Tạp chí Sông Hương -
Nhiếp ảnh gia đắt giá nhất thế giới
09:13 | 05/10/2012

Tác giả của những bức ảnh đắt giá nhất thế giới Andreas Gursky đang thu hút sự chú ý của giới chuyên môn cũng như công chúng. Bí quyết của Gursky là: kết hợp độ chính xác đến từng chi tiết trong một bức ảnh khổ lớn. Những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của Gursky đang được trưng bày tại Dusseldorf, Đức.

Nhiếp ảnh gia đắt giá nhất thế giới
Rhein II (1999)

 

 

Andreas Gurksy là nhiếp ảnh gia đắt giá nhất thế giới hiện nay và các bức ảnh của ông được trưng bày tại những bảo tàng uy tín nhất. Gurskymania trở thành một hiện tượng trong nhiều năm qua. Các bức ảnh của ông không chỉ nổi tiếng trong giới mà còn thu hút các gia đình đến xem triển lãm - một điều khác thường trong nhiếp ảnh.

Sinh năm 1955 tại Leipzig, Đức, Gurksy học truyền thông thị giác tại Essen từ năm 1978 - 1981, sau đó trở thành sinh viên của nghệ sỹ nổi tiếng Bernd Becher tại Kunstakademie, Dusseldorf. Lúc đó Bernd Becher đã xây dựng được cách tiếp cận nghệ thuật mới trong nhiếp ảnh, cùng với vợ mình là Hilla. Những năm 1990, một số học sinh của Becher đã vươn ra quốc tế, trong đó có Gursky.

 Một thời gian ngắn sau khi kết thúc việc học tập, sự nghiệp nhiếp ảnh của Gursky cất cánh. Ông bắt đầu với những bức chân dung, sau đó chuyển sang các công trình kiến trúc, nhà cao tầng, nhà máy, khu nghỉ dưỡng và phong cảnh ở vùng Rhineland. Ban đầu, Gursky tập trung vào những bức ảnh khổ lớn, chụp xa, đơn giản, những hình ảnh chính xác và xử lý kỹ thuật số. Ông làm mọi thứ khác với thầy của mình, Becher. Ngay từ đầu, ảnh của ông luôn ở giữa hiện thực và sân khấu. Gursky dựa hình ảnh vào thực tế, chụp những bức ảnh analog với máy ảnh khổ lớn, sau đó sắp xếp lại trên máy tính. “Tôi bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ vì lý do bố cục, nhưng đồng thời tôi cũng tạo ra những bức ảnh hoàn toàn mới. Nhiều chi tiết nhỏ đặt cạnh trong sẽ tạo thành một tổng thể phức tạp”. Từ đó trở đi, Gursky dựa vào máy tính để biên tập và làm sắc nét các bức ảnh của mình, tạo ra nghệ thuật không gian lớn hơn chủ đề ông chụp. “Cái tôi làm không đơn thuần là nhiếp ảnh. Tất cả các bức ảnh của tôi đều được vẽ ra từ trải nghiệm thị giác trực tiếp, sau đó tôi phát triển ý tưởng bức tranh, thử nghiệm trong studio để tìm ra cách phù hợp nhất, cuối cùng dựng lại chính xác trên máy tính”.

Nhà phê bình Peter Schjeldahl từng nhận xét, những bức ảnh của Gursky “mênh mông”, “hấp dẫn”, “mang tính giải trí” và “không thể tin được”. Còn nhà phê bình Calvin Tomkins trong một bài viết trên tạp chí The New Yorker đã tả lại cảm giác khi đứng trước bức ảnh của Gursky: “Lần đầu tiên xem các bức ảnh của Andreas Gursky, tôi cảm thấy như mất phương hướng, không biết điều gì đang xảy ra, với mình. Các bức ảnh của Gursky toàn cảnh đồ sộ, màu sắc, có bức ảnh cao tới 2m, dài 30m, có bức mang hơi hướng của tranh phong cảnh thế kỷ XIX, mà vẫn không mất đi chi tiết nào như trong ảnh chụp”.

 

 


Bahrain I

 

Gursky thường chụp ảnh những nơi công cộng tập trung đông người, từ các trận đấu quyền anh, cuộc biểu tình đến thị trường chứng khoán, sân vận động bóng đá hay buổi biểu diễn nhạc pop. Ông hạn chế tập trung vào một chi tiết cụ thể. Bố cục ông sử dụng thường hai chiều, cân bằng nhau. Con người thường biến mất trong các tác phẩm của Gursky - giống như trong bức ảnh nói về cái nhìn không thực của một biên đạo múa biểu diễn cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong iI.

Gursky được gọi là bậc thầy của các công trình vỹ đại. Ông chụp những khu căn hộ lớn, nhiều màu sắc, đường chân trời của thành phố vào ban đêm, nhà máy sản xuất mây tre tại Việt Nam, cửa hàng giảm giá tại Mỹ... nhưng lớn hơn và đầy sức mạnh hơn bất cứ ai từng nhìn thấy chúng trước đó. Thomas Weski, giám tuyển tại Haus der Kunst tại Munich nói ngắn gọn: “Gursky tạo ra một cách nhìn sự vật mới”. Những bức ảnh của Gursky cực kỳ sắc nét, chụp từ xa, với phối cảnh xa gần mà mọi người thường không có. “Ảnh của tôi thường gồm 2 mặt. Kể cả các chi tiết nhỏ nhất cũng nhìn rõ ràng. Nhưng từ xa, chúng trở thành một biểu tượng khổng lồ” - Gursky nói.

Trong sự nghiệp, Gursky nhận được những lời khen ngợi không dứt cho các tác phẩm của mình. Kiệt tác của ông, Madonna I, là một trong 60 tác phẩm đang trưng bày tại Bảo tàng Kunstpalast ở Dusseldorf, đến ngày 13.1.2013. Trong số này, có những bức ảnh lần đầu được giới thiệu tới công chúng.

Theo Khang Duy - NĐBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển Việt (01/10/2012)