Tạp chí Sông Hương -
Nobel Văn chương 2012: Cơ hội cho người phụ nữ thứ 13?
08:02 | 10/10/2012

Với các nhà phê bình văn học thì tỷ lệ đặt cược Nobel ở các nhà cái (nhà văn Nhật Haruki Murakami đang dẫn đầu) không có ý nghĩa gì cả.

Nobel Văn chương 2012: Cơ hội cho người phụ nữ thứ 13?
Nhà văn Alice Munro được biết đến ở Việt Nam với tập truyện ngắn “Trốn chạy” Ảnh: PR

Trong số 108 người đoạt giải Nobel Văn chương trong lịch sử (từ năm 1901 đến nay), chỉ 12 người là phụ nữ. 13 là một con số đặc biệt, liệu có phải là năm nay?

Bỏ qua châu Á, giới phê bình hướng về Bắc Mỹ

Theo AFP, những cái tên nữ sáng giá của năm nay là Alice Munro - cây bút nữ được mệnh danh là “bậc thầy truyện ngắn Canada” (có tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt), nhà thơ Anne Carson - đồng hương của Munro và Nawal el Saadawi - tiểu thuyết gia kiêm nhà hoạt động nữ quyền người Ai Cập. Và không thể không kể đến Margaret Atwood, một người Canada khác vẫn được coi là nhà văn vĩ đại của nước này, mãi chưa thấy Nobel vinh danh.

Cũng có những dự đoán hướng về phía các tác giả nam giới của Mỹ như Don DeLillo, Philip Roth và N.Scott Momaday, một người Mỹ bản xứ.

“Quá dễ để dự đoán một tên tuổi Bắc Mỹ sẽ đoạt giải”, Elisabeth Grate, chủ nhà xuất bản cùng tên ở Thụy Điển, nơi đã ấn hành các tác phẩm của Jean-Marie Gustave Le Clezio - chủ nhân Nobel Văn chương 2008, in Sweden, nói với AFP. “Có thể là đàn ông như Don DeLillo hay Philip Roth, nhưng sẽ hay nếu đó là một phụ nữ”.

"Nỗ lực giảm mất cân bằng giới"

Theo nhận định của các chuyên gia, Viện Hàn lâm Thụy Điển đang muốn giảm thiểu sự mất cân bằng về giới tính, thể hiện rõ rệt ở con số 12/108. Chỉ trong 10 năm qua, đã có 3 phụ nữ được giải Nobel Văn chương xướng tên, Herta Mueller (Đức), Doris Lessing (Anh) và Elfriede Jelinek (Áo). Mặc dù, Viện Hàn lâm luôn khẳng định các yếu tố giới tính, quốc tịch và ngôn ngữ không ảnh hưởng đến lựa chọn của họ, nhưng các lựa chọn trên vẫn gây tranh luận, đồn đoán, dù ít dù nhiều.

“Luôn có cơ hội dành cho phái nữ”, Bengt Soederhaell - Chủ tịch của tổ chức văn học có uy tín Stig Dagerman Society, nhận định. “Vì có quá ít phụ nữ đoạt giải, sự thống trị của nam giới có thể bị coi như một sự thiên vị có tính chất chính trị. Tương tự cách người ta nghĩ khi không nhiều người chiến thắng đến từ các nền văn học và ngôn ngữ ngoài châu Âu”.

Từ năm 1996, Stig Dagerman Society bắt đầu trao giải thưởng hằng năm có tên Stig Dagerman (một nhà văn nổi tiếng của Thụy Điển). Một sự trùng hợp, từng có hai người chiến thắng tại giải này sau đó giành Nobel Văn chương: Jelinek năm 2004 và Le Clezio năm 2008. Năm nay, người được giải Stig Dagerman là Nawal el Saadawi. Cùng với sự phát triển của thế giới Ả Rập, cơ hội dành cho Saadawi không phải là không có.

Giải Nobel Văn chương được trao cho cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Trong lịch sử giải, hai tên tuổi được vinh danh ở độ tuổi trẻ nhất là Rudyard Kipling (Anh) khi 41 tuổi và Albert Camus (Pháp) khi 44 tuổi. Điều các nhà nghiên cứu văn học đang mong đợi là một ai đó dưới tuổi 40, dù điều đó là rất khó.

Nước Mỹ đợi Philip Roth

Trang Bloomberg (Mỹ) thể hiện sự ủng hộ đối với tác giả nổi tiếng người Mỹ bằng nhận định trong một bài viết: “Một giải thưởng có uy tín hay không phụ thuộc những cái tên được trao giải. Trong một thập kỷ qua, giải Nobel Văn chương đã thêm những cái tên như Elfriede Jelinek, Jean- Marie Gustave Le Clezio và Herta Muller vào đại lộ danh vọng của nó (Bloomberg không đánh giá cao lắm - TT&VH). Dù đã thêm vào Coetzee, Doris Lessing và Mario Vargas Llosa (được Bloomberg đánh giá cao hơn - TT&VH), thật khó để không lấn cấn về những cái tên bị bỏ qua như Murakami, Trevor, Atwood”.

“Và Roth, tất nhiên”, trang Bloomberg nhấn mạnh. “Có vẻ như nếu Nobel tiếp tục không tôn vinh ông thì tự giải thưởng này đang làm mất đi ý nghĩa của chính nó”.

Philip Roth là nhà văn hàng đầu của nền văn học Mỹ thời hậu chiến. Ông từng chiến thắng tại nhiều giải thưởng văn học uy tín trên thế giới như Man Booker, Pulitzer, PEN/Faulkner hay Gold Medal in Fiction của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Mỹ. Ở Việt Nam, ông được biết đến với tác phẩm Người phàm (Everyman) đã được dịch và ấn hành.

                                                                                           Theo Mi Ly - TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng