Mới đây, Tân Hoa Xã đưa tin, sáng 1-10 quốc kỳ Trung Quốc lần đầu tiên đã được kéo lên nhân kỷ niệm lần thứ 63 năm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa được thành lập trái phép hồi giữa năm nay.
Đây là hành động mới nhất của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo vụ nước này xây mạng thông tin trái phép trên đảo của Việt Nam.
Hành vi của phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam tại Hoàng Sa; cũng như một loạt động thái của Đài Loan gần đây, vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa khiến giới quan sát buộc phải xem xét, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Trước những động thái ấy, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển. Nói tóm lại, chúng ta luôn phản đối những hành động không tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Trở lại với diễn biến ở Biển Đông, một trong những cách xem xét vấn đề chính là giải đáp các câu hỏi: Họ có ý đồ gì? Và, họ đang diễn trò gì? Đặt câu hỏi thế là vì, ASEAN đang nỗ lực tìm một tiếng nói chung cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc; thậm chí, ngay tại cuộc họp IAMM (Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN) bên lề khoá họp Đại hội đồng LHQ khoá 67 diễn ra hồi cuối tháng trước ở New York (Mỹ) câu chuyện Biển Đông cũng được ASEAN đề cập với một tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông lại được nhắc tới như kim chỉ nam cho quá trình giải quyết các tranh chấp. Quan điểm của ASEAN trong đó có quan điểm của chúng ta là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Chính ở đây, hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực Biển Đông trở nên quen mà lạ. Quen là bởi, nó được một số bên thiếu thiện chí lặp đi lặp lại, tuy tần suất có khác nhau, cách thức có khác nhau. Lạ là bởi, trong khi xu thế chung của các nước trong khu vực (kể cả những nước liên quan, hay không liên quan trực tiếp) muốn hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển cùng có lợi thì vẫn còn những tiếng nói lạc điệu. Nhưng, lần này trong chuỗi hành động, được chú ý nhất là cái bắt tay giữa hai bờ eo biển Đài Loan hay nói cách khác là sự "chuyển lửa” giữa hai bên. Bởi vốn xưa nay Bắc Kinh và Đài Bắc được xem là rất khó thu hẹp khoảng cách vì những vấn đề lịch sử; nay lại hoà giọng ở Biển Đông. Nhiều phân tích, lý giải đã được đưa ra kể cả sự được –mất của hai phía. Nhưng tựu trung lại thì sự "nương nhau” ấy để đôi bên cùng có lợi có thể đẩy khu vực này vào một cuộc đối đầu mới, một căng thẳng mới. Những tuần gần đây câu chuyện "căng như dây đàn” ở Senkaku/Điếu Ngư; rồi trước đó là những tháng tranh cãi kéo dài ở Scaborough/Hoàng Nham đã lấy đi khá nhiều tâm sức của Bắc Kinh. Nay, có sự cộng tác của Đài Bắc, liệu có phải người ta hy vọng sẽ "dễ thở” hơn trước sự phản ứng của các bên liên quan khác nếu có căng thẳng trong vấn đề Biển Đông? Và, kiểu "chuyển lửa” này rõ là "đổ thêm dầu vào lửa”, làm phức tạp hơn nữa tình hình Biển Đông. Nhưng, liệu cái bắt tay ấy sẽ được bao lâu - trong khi với vị trí quan trọng của đảo Ba Bình giới phân tích đánh giá nó sẽ là 1 trong những điểm nóng được dòm ngó nhiều tại Biển Đông.
Trong bối cảnh ấy, sự vững vàng, đoàn kết của ASEAN là tối cần thiết. Cùng với đó, ASEAN cần đồng nhất quan điểm: Thúc đẩy đối thoại và các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, nhất là vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như phát huy các cơ chế pháp lý quốc tế. Riêng với Việt Nam, ngay tại Phiên họp chung của Đại hôi đồng LHQ khoá 67 mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh - Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm của chúng ta: "Luật pháp quốc tế là thành quả trí tuệ của thế giới văn minh, mà tất cả các nước trên thế giới đều phải tôn trọng và tuân thủ một cách có trách nhiệm. Khi luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc, nguy cơ xung đột sẽ giảm, nền hòa bình vững chắc sẽ được bảo đảm hơn.” Trên cơ sở ấy, Việt Nam nhấn mạnh pháp quyền là khuôn khổ cơ bản cho đối thoại chính trị và hợp tác của các quốc gia, là nền tảng không thể thiếu của một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Việc tuân thủ luật pháp quốc tế là cơ sở bền vững cho các chính sách và hành động của mỗi quốc gia cũng như hành động chung của cộng đồng quốc tế. Nhất là khi cuối năm nay, cả thế giới kỷ niệm 30 năm "Hiến pháp về biển và đại dương” (UNCLOS 1982).
Vấn đề là, cộng đồng quốc tế cần lên tiếng; thậm chí tẩy chay hành động coi thường luật pháp quốc tế của một số quốc gia và vùng lãnh thổ để không còn sự "nhờn” luật quốc tế diễn ra trên thế giới. Như thế mong ước về hoà bình, thịnh vượng cho thế giới mới có thể phát triển.
Theo Hoàng Mai - ĐĐK