Tạp chí Sông Hương -
Nhạc lễ mai này về đâu…
10:38 | 10/10/2012

Với truyền thống hơn 400 năm tồn tại và phát triển, nhạc lễ cổ truyền Bích Khê xứng danh là cái nôi hình thành nên nhạc cổ truyền dân tộc của tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, nhạc lễ cổ truyền Bích Khê cũng đã bị mai một dần.

Nhạc lễ mai này về đâu…
Đội nhạc lễ cổ truyền

Nỗi băn khoăn lo lắng về thế hệ kế nghiệp và việc lưu truyền vốn quý nhạc lễ cổ của những nghệ nhân già ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, Triệu Phong là có cơ sở khi lớp cháu con ngày càng thờ ơ với lễ nhạc truyền thống của quê mình.

Vốn xưa còn giữ chốn này

Cùng với những đồng môn lão làng như ông Đỗ Thiên Thiện, Lê Dũng, Đỗ Thiên Khả, Đỗ Thiên An..., ông Lê Trì được coi là thế hệ thứ 7 chơi nhạc cổ của làng Bích Khê. 79 tuổi với thâm niên 68 năm làm nghề, thời gian và tuổi tác chỉ khiến ông hơi nặng tai nhưng trí nhớ thì vẫn còn khá minh mẫn, nhất là khi được hỏi chuyện nghề. "Mười một tuổi tui đã theo cha học nhạc lễ, ngồi nghe các cụ đánh thổi rồi học dần. Món nhạc cụ sở trường của tui là trống. Chơi nhạc lễ không đơn giản đâu, cái tài của nhạc công là phải có kỹ thuật điêu luyện, nắm thần thái của bản nhạc để làm sao các thanh âm của trống, kèn, đàn nhị, sáo, phách...hòa quyện vào nhau, giao hòa giữa đất trời. Ngày xưa thế hệ cha ông truyền dạy nhiều bản nhạc cổ  đặc sắc lắm, lớp trẻ bây giờ ngại khó nên ít người chịu học để biết được những bản nhạc như thế”. Nét trầm tư chợt phảng phất trên gương mặt của người nghệ nhân già đã dành một đời tâm huyết với nhạc cổ khi mân mê chiếc trống quân được ông trang trọng đặt giữa bàn tiếp khách. Vốn liếng của ông sau 68 năm gắn bó với nghề là khả năng sử dụng nhuần nhuyễn hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc lễ, có thể chơi hầu hết các bài nhạc và còn giải thích rõ nguồn gốc ra đời cũng như nghi thức tương thích với nhạc. Làng Bích Khê hiện vẫn còn lưu giữ những điệu nhạc truyền thống qua các đời như: Long Ngâm, Kim Tiền, Lưu Thủy, Tây Mai, Cổ Bản, Xuân Nữ, Xuân Phong, Long Hổ..., đặc biệt là điệu  "Trống Quân”, một điệu nhạc có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong kho tàng nhạc cổ dân tộc. Đây là bản nhạc thường được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng có quy mô lớn nhằm mục đích "cầu cho quốc thái dân an”.

Lần theo gia phả của dòng họ Đỗ Thiên, hiện được thờ tại nhà ông Đỗ Thiên Thiện có truyền lại rằng: "Vào đời thứ 11, có ông Đỗ Thiên Huệ là tính nhạc trưởng tỉnh Quảng Trị”. Tương truyền ông đã cùng các vị tiền nhân nhạc cổ khác nhiều lần được Vua mời vào phục vụ nhạc lễ cho "Lễ tế trời” tại Đàn Nam Giao, Huế và đã được nhà Vua phong hàm "Bát phẩm”. Ngoài ra, làng còn có hai ông Hoàng Hữu Dụng và Lê Quang Tâm cũng vinh dự được Vua ban cho chức hiệu cao quý này. Tại làng Bích Khê trước kia có 3 họ biểu diễn nhạc cổ truyền thống là Lê, Hoàng và Đỗ, nhưng hiện nay chỉ còn lại nhà họ Hoàng và Đỗ là còn người kế nghiệp. Với 2 dòng họ này, có những gia đình hiện nay có đến 3- 4 thế hệ kế nghiệp như gia đình ông Đỗ Văn Thiện, Lê Trì). Đa số họ đều có tay nghề rất giỏi, được giới nhạc lễ cổ truyền khắp nơi tôn trọng và kính nể. Chính vì được truyền thụ một cách kỹ lưỡng từ đời này sang đời khác - "cha truyền con nối” nên đến nay hầu như toàn bộ các bản nhạc cổ đều được các nghệ nhân trong làng giữ gìn và biểu diễn một cách rất điêu luyện và rất hay. Anh Lê Quang Xử, cháu nội của ông Lê Trì, được coi là thế hệ trẻ nhất, đời thứ 9 kế nghiệp cha ông và có vốn liếng hiểu biết về nhạc lễ khá sâu sắc. Tâm sự về việc chọn nghiệp tổ, anh cho biết: "Lứa chúng tôi ít người giỏi và am hiểu sâu sắc nhạc cổ như đời cha ông. Hiện có những bản nhạc cổ như Lý con roi, Lộng điệp, Phẩm tiết...rất ít người trẻ có thể chơi được vì nó rất khó học, ai thiếu đam mê và kiên trì thì rất dễ nản”.  

Gìn giữ nét văn hóa tâm linh 

Trong câu chuyện với những mảnh ký ức chắp vá được kể lại với  nhiều cảm xúc, ông  Lê Trì chợt gợi ý: "Có muốn nghe một điệu nhạc lễ không?”  Rồi chưa đợi chúng tôi hết ngỡ ngàng, ông với tay lấy cây đàn nhị treo tường, so dây và kéo. Cây đàn cũ dường như lâu ngày không dùng đến, réo rắt những thanh âm của điệu Lý con roi. "Người làng bây giờ sử dụng nhạc lễ nhiều nhất cho đám ma, lễ hội thì thỉnh thoảng mới tham gia thôi. Nhiều bản nhạc vì thế mà ít sử dụng. Tôi già rồi, giờ dạy lại cho con cháu chứ mình cũng ít đụng đến đàn sáo như ngày xưa”, ông Trì phân bua.

Người làng Bích Khê đã nêu cao ý thức truyền nghề từ lâu đời, và không chỉ truyền cho dòng tộc mình mà đã truyền dạy cho người tứ phương muốn học nhạc lễ cổ truyền. Cách đây hơn 200 năm, các vị tiền nhân cổ nhạc của làng Bích Khê đã truyền thụ nhạc cổ truyền cho một đội nhạc ở làng Trung Chỉ (Đông Lương - Đông Hà), ngày nay các thế hệ hậu duệ của họ vẫn luôn có tình cảm hướng về cội nguồn. Một số địa phương khác như: Lam Thủy (Hải Vĩnh), Đồng Bào (Triệu Sơn), Nại Cửu (Triệu Đông), thị xã Quảng Trị, phường 3 Đông Hà, Tân Liên (Hướng Hóa).... và xa hơn nữa là ở Đắc Lắc, Lâm Đồng đã có nhiều người tìm đến học nhạc cổ truyền ở làng Bích Khê. Hiện nay họ đã trở thành những đội nhạc cổ chuyên phục vụ nhạc lễ cổ truyền rất nổi tiếng.

Năm 2008, Câu lạc bộ Nhạc lễ cổ truyền thôn Bích Khê ra đời với gần 30 thành viên do ông Đỗ Văn Thiện và Lê Trì đứng đầu. Tiếc thay, từ sau khi ra mắt, CLB đã không duy trì được hoạt động vì nhiều nguyên nhân khách quan. Hiện làng có khoảng 30 người chủ yếu từ trên 30 tuổi, biểu diễn riêng rẽ, đơn lẻ theo từng nhóm không tập hợp lại được nên việc phát triển và kế thừa ngày càng khó khăn. 

Nhạc lễ cổ truyền đang dần mai một theo nhịp sống hiện đại của xã hội. Để duy trì và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo vừa mang nét văn hóa, vừa mang tính tâm linh này, cần một lớp người kế cận có tâm huyết, tài năng để có thể kế tục những tinh hoa văn hóa mà cha ông đã gìn giữ và phát huy. Đặc biệt là cần sự quan tâm của các ban ngành chức năng để vốn văn hóa đặc trưng của một ngôi làng đã có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong và ngoài tỉnh như nhạc lễ cổ truyền Bích Khê được bảo tồn bền vững và phát triển cao hơn nữa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng nhạc cổ truyền dân tộc.

Theo Thanh Trúc - ĐĐK

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng