Tạp chí Sông Hương -
Những cổ vật tìm đường về cố hương
07:52 | 17/10/2012

Câu chuyện kiện tụng mới đây giữa nguyên đơn là Chính phủ Hoàng gia Campuchia và bị đơn là Bảo tàng Norton Simon (California, Mỹ) về bức tượng Duryodhana bằng sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ 10, một lần nữa kéo dài bi kịch “hồi hương” của những cổ vật vô giá.

Những cổ vật tìm đường về cố hương
Một trong hai bức tượng Duryodhana hiện được trưng bày tại Bảo tàng Norton Simon (Mỹ

Bức tượng bị đánh cắp?

Cuối cùng thì Chính phủ Mỹ cũng gật đầu đồng ý với phía Campuchia để ra lệnh xem xét nguồn gốc của bức tượng đang trưng bày tại Bảo tàng Norton Simon là như thế nào sau khi phía Campuchia kiên quyết rằng “chủ sở hữu mà bảo tàng đang gọi là hợp pháp thực chất đang sở hữu một cổ vật ăn cắp”.

Đây là bức tượng thứ hai, cùng loại, phải đối mặt với vấn đề lý lịch. Lần trước, vào tháng 4 năm nay, Chính phủ Mỹ đã ra phán quyết vào giờ chót không cho Hãng Sotheby’s bán đấu giá bức tượng Duryodhana hàng ngàn năm tuổi mà giá thị trường rơi vào khoảng 3 triệu USD. Bộ An ninh nội địa Mỹ ở New York đã thu hồi bức tượng sau khi nhận được đơn đề nghị hãy cứu lấy cổ vật bị đánh cắp từ Campuchia.

Cả hai bức tượng này, mô phỏng một chiến binh, cao hơn 1,5m, nặng gần 300kg được cho là đã bị lấy cắp từ Koh Ker, một di tích nằm cách đền Angkor Wat khoảng 100km về phía Tây Bắc Campuchia. Koh Ker là kinh đô của đế chế Khmer trong nửa đầu thế kỷ thứ 10 và tại đây từng hiện diện nhiều ngôi đền nổi tiếng. Hai bức tượng Duryodhana này được dựng đối mặt nhau gần lối ra vào đình phía Tây của Prasat Chen, ngôi đền tôn vinh vị thần và có niên đại vào giữa những năm 900, sớm hơn những bức tượng ở Angkor Wat chừng 200 năm.

Sở dĩ Chính phủ Mỹ khá sốt sắng với lời đề nghị của Campuchia là do cả hai nước đã ký thỏa thuận song phương vào năm 2003 để hạn chế và ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật trái phép. Từ đó đến nay Campuchia và Mỹ đã hợp tác tốt trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán lậu cổ vật, đặc biệt là những cổ vật bị đánh cắp có xuất xứ từ Campuchia. Nhưng có điều, cho dù phía Mỹ ngăn chặn được những cuộc bán đấu giá các cổ vật quý của Campuchia thì đường về của những cổ vật này vẫn còn xa lắm…

Về lai lịch của bức tượng trưng bày tại Bảo tàng Norton Simon, bảo tàng này nhất quyết cho rằng đây là bức tượng có sở hữu hợp pháp và đã được trưng bày từ năm 1980, suốt thời gian đó, Chính phủ Campuchia không đả động đòi lại một lần nào. Bảo tàng đã mua lại bức tượng từ người sở hữu hợp pháp, William H.Wolff ở New York và “trong hơn ba thập kỷ sở hữu, chúng tôi chưa bao giờ nhận được câu hỏi về quyền sở hữu của bức tượng này”, đại diện bảo tàng cho biết. Về phía bức tượng của nhà Sotheby’s thì nhà đấu giá này khẳng định năm 1975, một nhà sưu tầm tư nhân ở Bỉ đã mua lại nó từ một hãng đấu giá ở Anh với giá 900 nghìn USD.

 

Nhiều chính phủ lo đi đòi cổ vật ở bên ngoài nhưng chẳng có biện pháp gì để chống đỡ nạn trộm cắp và tẩu tán cổ vật ngay tại nước mình

Sotheby’s quyết làm “cứng” vụ này bởi sự việc có thể dẫn tới nhiều hệ quả khác bất lợi cho thị trường buôn bán tác phẩm nghệ thuật nói chung, khi mà có quá nhiều cổ vật và tác phẩm nghệ thuật quý giá từ các nước nghèo, các nước đang phát triển đã và đang chịu thảm họa chiến tranh bị tuồn ra nước ngoài, rồi trở thành tài sản của tư nhân và của chính các bảo tàng nghệ thuật danh giá. Trước đó, một nhà sưu tập người Hungary chuyên về nghệ thuật Khmer đã đề xuất giải pháp sẽ thương lượng mua lại bức tượng để tặng cho Chính phủ Campuchia nhưng đề xuất này đã bị từ chối vì Chính phủ Campuchia nhất quyết đòi đem hai cổ vật này về bằng được.

Câu chuyện khá lằng nhằng, như từ đó đến nay, và các cổ vật cho dù trên ngôn thuận là thuộc về Campuchia nhưng không phải lúc nào các cổ vật vô giá cũng có được visa trở về cố quốc.

Mịt mờ đường về cố quốc

Campuchia chảy máu khá nhiều cổ vật, nhất là từ thời chinh chiến loạn lạc và đó là cả một thế giới cổ vật gần như không người kiểm soát. Ở Campuchia, tốc độ đào bới và ăn trộm cổ vật diễn ra ngày một nhanh hơn. Rất hiếm khi các cổ vật được trở về Campuchia bằng con đường ngoại giao vì thường các cổ vật bên ngoài Campuchia lại thuộc sở hữu tư nhân.

Thực tế thì cuộc chiến giành giật cổ vật giữa các quốc gia bao giờ cũng dài lâu, tốn mồ hôi và xương máu. Mới đây, sau 7 năm đàm phán, cãi cọ, tranh cãi gay gắt cuối cùng thì Chính phủ Peru mới lấy được lời hứa từ Đại học Yale (Mỹ) cam kết trả lại hàng chục nghìn cổ vật được lấy đi từ Khu di tích Machu Picchu - cố đô của đế chế Inca cổ từ thế kỷ XV.

 

Bức tượng Nữ thần Ai Cập Nefertiti có niên đại 3.400 năm trưng bày tại Bảo tàng Berlin từ năm 1924. Một nhà khảo cổ Đức đã tìm thấy bức tượng ở Ai Cập vào năm 1912. Phía Ai Cập đã nhiều lần đòi lại nhưng phía Đức không chịu với lý do “bà là di tích và là đại sứ của Ai Cập tại Berlin”

 

Tháng 11 năm ngoái, sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng Bảo tàng danh tiếng Metropolitan ở New York (Mỹ) đã phải trả lại cho Chính phủ Ai Cập 19 cổ vật vô giá. Những cổ vật này đều được tìm thấy trong hầm mộ của Vua Tutankhamun, vị vua trẻ nhất Ai Cập cổ đại. Toàn bộ các cổ vật ấy không được phép đem ra khỏi Ai Cập nhưng rồi bằng nhiều cách chúng vẫn bị tuồn ra nước ngoài. Người kiên quyết đòi số cổ vật nói trên về cho Ai Cập chính là Chủ tịch hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập, ông Zahi Hawas, ông đã rất nhiều lần thân chinh đi đòi các quốc gia phải trả lại cho Ai Cập những gì thuộc về tâm hồn Ai Cập và đã rất nhiều lần ông chiến thắng. Con bài chủ lực mà Zahi Hawas đưa ra là nếu không trả thì các nhà khảo cổ quốc gia đó đừng hòng được ký giấy phép vào Ai Cập nghiên cứu. Mà người ký những giấy tờ đó không ai khác là ông.

Những vụ kiện tụng đòi trao trả những cổ vật, di vật giữa các quốc gia nhiều không kể hết và không phải vụ nào cũng xong xuôi. Phía Trung Quốc từng phải cho người đi mua lại cổ vật quý giá từ những cuộc triển lãm nhưng cũng có vài lần chính phủ nước này kiên quyết không mua mà đòi lại cho bằng được. Ví dụ như tượng 12 con vật (tượng trưng cho 12 giờ trong ngày) ở vườn Viên Minh đời nhà Thanh bị mất trong cuộc chiến tranh nha phiến. Hiện Trung Quốc đã mua lại được 5 con và 7 con còn lại vẫn trôi nổi trên thị trường. Năm 2009, Sotheby’s đấu giá 2 bức tượng Chuột, Thỏ và ngay lập tức Trung Quốc đã yêu cầu dừng buổi đấu giá. Nhưng rồi sau đó cuộc đấu giá vẫn diễn ra và chẳng ai biết số phận của những bức tượng đồng đen còn lại giờ ra sao.

Mới đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng vận động các bảo tàng khắp thế giới trả lại cổ vật. Trong một thập niên qua, hơn 4.000 cổ vật đã được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ các bảo tàng và các bộ sưu tập trên thế giới nhưng điều này vẫn quá nhỏ so với những gì quốc gia này bị mất. Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Ertugrul Gunay hồi đầu năm nay đã phủ quyết việc cho Bảo tàng Anh mượn cổ vật để trưng bày cho một cuộc triển lãm lớn tới khi nào bảo tàng này trả lại các cổ vật mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã được mang ra khỏi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ một cách trái phép. Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng sẽ được áp dụng cho các bảo tàng lớn khác.

Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu về cổ vật trên thế giới cho rằng cái gì cũng có hai mặt. Các chính phủ của những quốc gia bị mất cổ vật dường như chỉ lo đi đòi cổ vật ở bên ngoài nhưng ngay trong nhà mình chẳng có biện pháp gì để chống đỡ nạn trộm cắp và tẩu tán cổ vật.

Ozgen Acar, một người Thổ Nhĩ Kỳ đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để đòi lại các cổ vật bị đánh cắp từ nước ngoài, cho rằng: “Tình trạng cướp bóc bừa bãi ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nghiêm trọng hơn, và cùng lúc, họ lại tìm cách thu hồi các cổ vật từ các bảo tàng khác nhau trên thế giới. Nhưng chính phủ không quan tâm tới tình trạng cướp bóc ở trong nước. Đây là sai lầm lớn”.

Nhiều người còn cho rằng, nếu mọi chuyện cứ rối bung thế này thì một ngày nào đó, bức họa Mona Lisa có lẽ không còn thuộc sở hữu của nước Pháp nữa. Khi trả lời về câu hỏi xuất xứ những cổ vật cướp được từ thời Napoleon đi chinh phạt, Marie Cornu, Giám đốc nghiên cứu cổ vật ở Pháp đánh giá rằng: “Tất nhiên, chúng không thể xem là hợp pháp được, đó là các cổ vật bị đánh cướp. Nhưng nên nhớ, không phải nơi nào luật pháp cũng giống nhau. Nước Pháp cũng có quyền bất khả xâm phạm của mình chứ”.

Luật pháp mỗi nước khác nhau và cổ vật nào cũng có quốc tịch. Chỉ có điều khi đã được nhập tịch nước khác thường thì rất khó có con đường trở về.

                                                                                           Theo Nguyên Minh - TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng