Bất chấp một tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật; vượt thoát ra khỏi giới hạn lịch sử 1945, văn phẩm của cây bút hiện thực Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỷ, bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội, qua biết bao là chân dung con người - gồm cả phần con và phần người…
Một đám tang đặc biệt
Suốt 50 năm, từ 1939 đến 1989, trong dòng văn học hiện thực, Vũ Trọng Phụng phải chịu một án oan khi ông từ chỗ là "kiện tướng của trào lưu hiện thực” biến thành "người dẫn đầu chủ nghĩa tự nhiên trong văn học”. Thời ấy, đã có những ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng đề cao bản năng con người, kích động bản năng.
Vậy là đã 23 năm Vũ Trọng Phụng trở lại với chân giá trị đích thực của một nhà văn đứng ở hàng đầu trào lưu hiện thực thời 1930-1945; và cũng là một trong số ít tên tuổi sáng giá đứng ở đầu nguồn văn học hiện đại thế kỷ XX. Trong cả ba lần kỷ niệm năm mất và năm sinh của Vũ Trọng Phụng diễn ra trước đây, rất nhiều phương diện trong sự nghiệp Vũ Trọng Phụng đã được trình bày, nhưng lại có một sự kiện rất đáng lưu ý, như là một điểm nhấn, điểm hội tụ quan trọng để soi sáng hai phương diện người và văn còn ít được nói đến – đó là đám tang của nhà văn, một đám tang gây nhiều cảm xúc và gợi nghĩ được nhiều điều về phận người và nghiệp văn trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ...
Một đám tang theo Thanh Châu – người có cùng năm sinh với Vũ – "không kèn, không trống (...) lặng lẽ đi trên đường Ngã Tư Sở - Thanh Xuân... Gió sáng mát mẻ quá. Ánh nắng thu trong suốt và dịu dàng. Những ruộng lúa ở hai bên đường xanh tốt và nặng trĩu bông. Giá không có chiếc xe thảm đạm kia, giá không có những đứa trẻ rắc vàng hồ trên mặt đường để cho người ta thỉnh thoảng đạp chân lên nghe lắc rắc, thì có lẽ nhiều nhà thơ đã tưởng đó là một cuộc đi chơi vùng quê trong một ngày chủ nhật. Giá không có người vợ góa kia bận sô gai, khóc đã lả người vịn vào kẻ đi bên cạnh mà lê bước. Giá không có đứa con gái nhỏ mồ côi, xinh xắn và ngây thơ kia và người ta bồng trên tay cho theo chiếc xe tang. Trời! Tôi không muốn nghĩ đến lúc hai kẻ khốn nạn ấy trở về gian nhà trống lạnh với đau đớn và túng thiếu ở ngoại ô Hà Nội”...
Nhưng đám tang lại có đông đồng nghiệp, bạn văn đưa tiễn. Đó là những Nguyễn Tuân, Tam Lang, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ, Thanh Châu, Lan Khai,... những đồng nghiệp cùng cộng sự trên hai tờ Tiểu thuyết thứ Bảy và Tao đàn của ông chủ Tân Dân Vũ Đình Long. Họ đi trong im lặng vào tảng sáng Chủ nhật, 15-10; hai ngày sau khi nghe tin bạn mất vào thứ Sáu – 13 tháng 10 – đó là một ngày xấu theo tâm linh phương Tây. Trong hai ngày đó, một số người trong họ đã có một cuộc đi qua bên kia cầu Sông Cái, nơi xóm Thượng Cát, đắm mình trong một cuộc... hát ả đào và thuốc phiện để ôn mọi kỷ niệm về người bạn xấu số. Cuộc chơi này rồi được kể lại với rất nhiều cảm xúc trong bài Một đêm họp đưa ma Phụng của Nguyễn Tuân.
Người tạo ra những "giá trị thế kỷ”
Cái chết của Vũ gợi họ nghĩ về một thân phận nhà văn nghèo túng; và đó cũng là thân phận chung của một lớp người đã chọn viết văn làm một nghề, chỉ mới xuất hiện vài mươi năm, trong xã hội thuộc địa. Nhưng so với bất cứ ai trong họ, họ cũng đều thấy đời Vũ là vất vả hơn, bất hạnh hơn; bởi Vũ phải chống đỡ với một cái nghèo, có tính "gia truyền” nói như Ngô Tất Tố, của một gia đình gồm cả bà, mẹ, vợ và con – tất cả đều là đàn bà, chỉ Vũ là đàn ông. Và là một người đàn ông lỏng khỏng, ốm yếu, bởi bệnh lao – thuộc tứ chứng nan y. Và chính vì thế, Vũ phải tìm đến thuốc phiện, như có lần Vũ nói với Nguyễn Triệu Luật: "Tôi phải dùng cái này mới sống đến ngày nay đó ông ạ”.
Chỉ với 27 năm tuổi đời và dưới 10 năm tuổi nghề thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng có thể nói là đồ sộ các tác phẩm trên nhiều thể loại, gồm 9 tiểu thuyết, 7 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều chục truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, bản dịch... Riêng năm 1936, ở tuổi 24, Vũ đồng thời cho in trên các báo bốn tiểu thuyết lớn là Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Làm đĩ; và hai phóng sự dài là Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy Tây, trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào hàng kiệt tác trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là một kỷ lục viết không chỉ người đương thời mà cho đến nay chắc chắn chưa có ai sánh bằng. Từ đó mà suy, giá trời cho Vũ một cơ thể khỏe mạnh và một tuổi thọ dài hơn, ít ra cho đến tuổi 40, như ao ước của Vũ (tin lời một thầy bói, Vũ hy vọng được sống thêm 13 năm), thì có lẽ số trang, số quyển của Vũ cũng chẳng kém gì Balzac - người thường được dẫn ra và so sánh khi nói đến Vũ. Cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là người khai mở và giành ưu thế tuyệt đối cho trào lưu hiện thực vào giữa những năm 30, với những gương mặt rất khác nhau, trong sự kế tục nhau, chứ không phải quay lưng với nhau, để có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, rồi Tô Hoài, Nam Cao, Kim Lân, Bùi Hiển... mà làm nên những mùa màng thật ngoạn mục cho văn học 1930 - 1945.
Bất chấp một tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật; vượt thoát ra khỏi giới hạn lịch sử 1945, văn phẩm của cây bút hiện thực Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỷ, bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội, qua biết bao là chân dung con người - gồm cả phần con và phần người…
Vĩ thanh
Qua và sau đám tang Vũ Trọng Phụng, thấy ngùi ngẫm nhiều cho một số phận văn chương; cũng là ngùi ngẫm cho cả một lớp người có chung nghiệp văn, lúc nào thấy cũng cần xúm vào nhau cho đỡ lạnh. Thấy sự cần thiết phải lập nên một hội ái hữu, để giúp đỡ nhau, và giúp những người khốn khó nhất. Đám tang không có hoa, nhưng lại có ngay một cuộc quyên góp, với danh sách 15 người, do tạp chí Tao đàn tổ chức, được 101 đồng (tiền Đông Dương).
Khi ấy, có người mong ước một tấm bia cho Vũ Trọng Phụng.
Hơn 70 năm qua rồi, kể từ ngày mất, ở thế giới bên kia, hẳn chắc Vũ sẽ không ngờ, suốt nửa thế kỷ sau khi mình qua đời, những gì mình viết ra đã phải chịu nhiều phán xét như thế.
Cùng một số ít tên tuổi khác, đã qua hoặc sắp đến ngưỡng 100 năm, Vũ đã để lại những dấu ấn thật là đặc sắc trong di sản của một thế hệ đầu nguồn, mà tôi muốn gọi là thế hệ vàng của văn chương Việt Nam hiện đại.
G.S Phong Lê - ĐĐK