Tạp chí Sông Hương -
Ưu tiên đầu tư giáo dục âm nhạc dân tộc
15:37 | 24/10/2012

Âm nhạc dân tộc sẽ đi về đâu nếu không được ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại? Theo ý kiến các nhạc sỹ, nhà nghiên cứu, một vấn đề quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư giáo dục âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ. 

Ưu tiên đầu tư giáo dục âm nhạc dân tộc

Âm nhạc dân tộc là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi con người Việt Nam, gắn bó với con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi từ giã cuộc đời. Các nhạc sỹ, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo Âm nhạc dân tộc với cuộc sống con người hôm nay do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tổ chức ngày 23.10 tại Hà Nội, đều thống nhất: âm nhạc truyền thống có giá trị tinh thần to lớn trong đời sống con người Việt Nam, tuy nhiên đang bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. Các ý kiến cũng cho rằng, cách bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tốt nhất là đưa âm nhạc dân tộc vào trong cuộc sống, biến nó thành phổ biến, gần gũi và quen thuộc với công chúng. Một trong những vấn đề quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư giáo dục âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Theo nhạc sỹ Phạm Tuyên, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc đã được đặt ra cách đây hơn 30 năm khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới, thế nhưng đến nay thực trạng của âm nhạc dân tộc vẫn ngày một xấu hơn. “Là người sáng tác, tôi quan tâm đến trẻ em và lớp thanh niên, nhưng chính hai đối tượng này làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Ngày nay khác với thời xưa, lớp trẻ khó rung cảm hơn với các thể loại như hát xẩm, chèo, cải lương... Việc bảo tồn âm nhạc dân tộc, tôi thấy vai trò của Viện âm nhạc và các cơ quan liên quan đã được phát huy nhưng để phát huy được giá trị thì phải cố gắng làm sao tiếp thu tinh thần cổ xưa, sáng tác cái mới phù hợp nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, với thế hệ ngày hôm nay. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai nhưng nếu trẻ em hôm nay mà mất gốc thì thế giới ngày mai sẽ đi về đâu? Vì thế, việc giáo dục truyền thống, giáo dục âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ phải được ưu tiên đầu tư hàng đầu, trong đó phát huy vai trò của cả gia đình, nhà trường và xã hội”.

Đồng quan điểm ấy, Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, PGs, Ts Lê Văn Toàn cho rằng, cần đầu tư thỏa đáng hơn cho âm nhạc dân tộc. “âm nhạc dân tộc đang bị quan tâm lệch, thiếu sự ưu tiên, đầu tư cân bằng về kinh phí, ý thức thưởng thức của công chúng, lực lượng, đội ngũ biểu diễn, đội ngũ thực hành kế cận. Chẳng hạn, có chương trình về di sản âm nhạc dân tộc nhưng chỉ được giới thiệu trên truyền hình vào giờ khán giả đã... đi ngủ hay giờ mọi người đi làm, trong khi nhiều chương trình chất lượng không cao, thậm chí tính giáo dục thấp lại được phát vào giờ vàng, thậm chí được giới thiệu đi giới thiệu lại nhiều lần. Như thế trình độ thẩm mỹ âm nhạc của công chúng có được nâng cao và phát triển theo hướng tích cực không?”. Ông Lê Văn Toàn cho rằng, để mọi người hiểu và yêu nghệ thuật nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng, cần chú ý đến vai trò dẫn giải âm nhạc, diễn giải nghệ thuật. Cách làm này thế giới vẫn thường làm, ở Việt Nam đã một thời chúng ta thường làm, làm có hiệu quả trên sóng phát thanh, truyền hình nhưng hiện nay cách làm này không còn được duy trì tốt, chưa thành nền nếp. Người sáng tạo, thực hành hay thưởng thức âm nhạc dân gian trong cuộc sống hôm nay cũng khác so với xưa bởi sự thay đổi về không gian, điều kiện sống, môi trường văn hóa… nên mỗi chương trình âm nhạc cũng phải được đầu tư cho phù hợp với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc của văn hóa âm nhạc mỗi tộc người, mỗi loại hình nghệ thuật, âm nhạc cụ thể.

Từng là sinh viên Khoa văn Đại học Tổng hợp, có 17 năm sinh sống tại Việt Nam, Đại sứ Romania Dumitru Olaru đã tìm hiểu, yêu mến và thích thú với âm nhạc, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như: ca trù, hát xẩm, quan họ...  Ông chia sẻ, đất nước Romania của ông có nền âm nhạc dân gian phong phú và được các cơ quan quản lý rất chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị. Hàng năm họ đều tổ chức các lễ hội âm nhạc dân gian (festival folklore) quốc tế, mời các đoàn nghệ thuật dân gian của nhiều quốc gia đến biểu diễn, giao lưu và tổ chức thi hát dân ca để tuyển chọn những tài năng trẻ. Về việc quảng bá, giáo dục nghệ thuật truyền thống, đài truyền hình dành riêng một kênh phát sóng liên tục 24 giờ. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho âm nhạc dân tộc được quảng bá rộng rãi, gần gũi hơn với công chúng và đi vào cuộc sống.

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục âm nhạc truyền thống, đưa âm nhạc dân tộc trở thành một môn học chính khóa trong nhà trường là mong muốn của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa. Việc làm này vừa giúp cho các em thư giãn sau những giờ học căng thẳng, vừa giúp các em thêm hiểu, thêm yêu những giá trị truyền thống quý báu mà ông cha để lại, nhờ đó chúng được lưu giữ, phát triển bền lâu.

Theo Cao Sơn - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa mi Hy Lạp (23/10/2012)