Tạp chí Sông Hương -
Anh Dậu đa chiều
15:27 | 29/10/2012

Từ vai diễn anh Dậu trong phim Chị Dậu của nhiều năm trước, NSƯT Anh Thái vẫn được bạn bè nể phục vì sự cẩn trọng của ông trong từng vai diễn, dù là vai phụ.

Anh Dậu đa chiều
Diễn viên Anh Thái trong phim Cầu vồng tình yêu.

Anh Thái thuộc lứa diễn viên điện ảnh khóa 1, thế hệ đầu đàn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Thời còn học tại trường, ông nằm trong số những người luôn đạt điểm cao nhất lớp.

Có lần tập vở kịch Một ngày đầu thu, ông và Trà Giang (NSND Trà Giang-PV) đóng đôi cùng nhau, được thầy và các bạn đồng học đánh giá cao. Đến khi vở kịch này được dựng thành phim, nhiều người nghĩ cặp đôi này chắc lại được chọn.

Nhưng chỉ có Trà Giang được nhận vai nữ chính, còn vai nam chuyển cho người khác. Anh Thái bị loại vì hình thể không được đẹp. Chẳng ngờ, điều này đã vận vào ông trong suốt nghiệp diễn của mình.

Không có vai lớn, vai nhỏ

Bộ phim đầu tiên mà Anh Thái đóng là nhân vật bí thư chi đoàn, một vai phụ trong phim Khói.

Sau đó là một loạt các vai phụ, vai thứ khác mà không ít trong số đó được người xem nhớ như bộ đội Kính trong Người chiến sĩ trẻ, lính Song trong Nổi gió, Phấn trong Sau cơn bão…

Trong phim Bài ca ra trận, thấy Anh Thái đóng khá hay vai anh lính bị thương, đạo diễn Trần Đắc đã hào hứng viết thêm để vai phụ này trở thành vai thứ (vai diễn quan trọng hơn, chỉ sau vai chính), điều khá đặc biệt với sự ngặt nghèo của quá trình làm phim thời đó.
Đến khi làm phim Chị Dậu, đạo diễn Phạm Văn Khoa cười rồi nói với Anh Thái: “Vai chính (chị Dậu) thì cậu không thể nhận được rồi. Còn lại ba vai thứ sau vai chính, cậu nhận vai nào cũng được”.

Anh Thái nhận vai anh Dậu. Nếu vai chị Dậu có rất nhiều tình huống để bộc lộ tính cách, thì vai chồng chị- anh Dậu lại thiếu đất diễn. Điều đó khiến Anh Thái càng phải tìm tòi, sáng tạo từng hành động nhỏ của mình mỗi khi xuất hiện trên phim.

Đơn cử khi gặp vợ Nghị Quế, anh Dậu vội túm lấy một chỗ áo rách như muốn chúng lành lại - đã khắc họa nên lòng tự trọng của nhân vật này. Vai anh Dậu qua diễn xuất của Anh Thái trở nên đa chiều hơn, làm rõ hơn ý tưởng mà nhà văn Ngô Tất Tố đã gửi gắm trong tác phẩm của mình.

Trong phim Chị Dậu, Anh Thái có dịp đóng phim cùng hai nhà văn gạo cội Nguyễn Tuân và Kim Lân. Đây là những nhà văn hiểu sâu sắc về chế độ cũ nên đạo diễn Phạm Văn Khoa đã mời hai bạn của mình thủ vai Chánh tổng (Nguyễn Tuân) và Lý cựu (Kim Lân) trong phim.

Anh Thái kể: “Nguyễn Tuân là người rất sợ cưỡi ngựa. Hôm đầu đến trường quay, nhà văn tếu táo nói với đạo diễn phim đúng theo phong cách… Nguyễn Tuân: “Này, me xừ Khoa, ngồi trên ngựa mà nó quật tớ ngã là không xong đâu đấy”.

Còn Kim Lân chỉ ý nhị cười. Đến khi vào việc, cả hai vụt nghiêm túc, luôn nói: “Trong chuyện này mình là dân ngoại đạo, nên cái gì chưa được thì phải nói, đừng ngại. Cần thì làm đi làm lại lúc nào ưng ý thì thôi”.

Ông cho biết thêm: “Nguyễn Tuân khiêm tốn nói mình là dân ngoại đạo trong nghề diễn, nhưng ít người biết rằng vào năm 1938, nhà văn từng cùng một số tài tử của Việt Nam đã sang Hồng Kông tham gia đóng phim Cánh đồng ma. Tuy chỉ xuất hiện ít trong phim, nhưng đã chứng tỏ nhà văn là một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam”.

Thái độ làm việc nghiêm túc của hai nhà văn đối với vai phụ khiến đạo diễn Anh Thái hiểu thêm ý nghĩa câu nói “diễn viên không có vai lớn và vai nhỏ, chỉ có con người lớn và nhỏ” mà người thầy của ông (một chuyên gia Liên Xô cũ) từng dạy các học trò.

Cho dù chỉ đóng vai phụ, nhưng ông luôn tự nhắc mình: “Hãy tìm cái riêng, nét riêng, cái đặc sắc của từng nhân vật để thể hiện và sáng tạo”.

Ông già xa xỉ

Từ khi nghỉ hưu, Anh Thái lại bén duyên với phim truyền hình, từ vai cụ Cần trong Chạy án, cụ Bảng trong Lều chõng, và gần đây là hai vai diễn ấn tượng trong Chủ tịch tỉnh và Cầu vồng tình yêu.

Trong Chủ tịch tỉnh, dù vai cụ Trần chỉ xuất hiện khoảng 1/5 trong tổng số các tập của phim, nhưng Anh Thái vẫn đề nghị đạo diễn đưa mình toàn bộ kịch bản phim để đọc.

“Nhiều tập tôi không có mặt, nhưng vẫn phải đọc để hình dung nhân vật của mình trong tổng thể bộ phim”- ông nói.

Điều này xem ra khá xa xỉ với một bộ phận diễn viên thời nay, khi họ chạy sô để cùng lúc nhận vài vai diễn, đến khi ra trường quay còn lẫn lời thoại giữa vai của phim nọ với vai của phim kia.

Đến Cầu vồng tình yêu, sự nghiêm túc trong quá trình diễn của ông còn được thể hiện trong những tình huống bất ngờ. Số là ngôi biệt thự sang trọng của gia tộc họ Hoàng mà đoàn làm phim thuê lại khá nhiều ruồi.

Không ít lần, khi chuẩn bị bấm máy thì ruồi đến đậu vào người, vào mặt diễn viên làm họ không nhịn được cười khiến cảnh quay phải làm lại.

Có lần Anh Thái diễn cũng bị ruồi đậu vào trán, nhưng ông vẫn bình thản diễn khiến các diễn viên cùng tham gia cảnh quay không dám cười nữa.

Khi Cầu vồng tình yêu được trình chiếu, mới qua 3 tập đầu nhà văn Ma Văn Kháng (trước đây từng học trường Thiếu sinh quân với Anh Thái) đã gọi điện cho ông để khen vai diễn Hoàng Kim.

Dịp khác, khi ông đi tới chợ Tứ Liên (Hà Nội) gần nhà, bất chợt bị một thanh niên giơ tay cản đường và nói: “Bố diễn rất hay, nhưng ông đó gia trưởng quá”.

Anh Thái hỏi lại: “Gia trưởng nhưng có cổ hủ không, con cháu có mất nhờ không?”, thì anh thanh niên này cười hề hề và đứng né để ông đi.

Anh Thái cho biết: “Qua vai Hoàng Kim, điều thuyết phục người xem ở chỗ có những giá trị cũ vẫn cần được giữ gìn, còn những điều cổ hủ cần phải thay đổi”.

Nay bộ phim 85 tập này được phát lại trên VTV2 (dù mới kết thúc khoảng 3 tháng trước), người xem sẽ có dịp theo dõi kỹ hơn diễn xuất của Anh Thái, để thấy ông còn hữu dụng thế nào bên cạnh dàn diễn viên trẻ đẹp trong phim.

Ngoài nghiệp diễn, Anh Thái còn thể hiện mình ở vai trò đạo diễn, chủ yếu làm phim ở Xưởng Thanh thiếu niên, thuộc Hãng phim Truyện Việt Nam.

Năm 1985, ông nhận làm phim Khi vắng bà, kịch bản dựa theo truyện ngắn của nhà thơ Xuân Quỳnh. Truyện chỉ vài trang, lại viết đầy chất thơ nên phải bổ sung thêm tuyến nhân vật và bố cục cho chặt lại để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh.

Ông cùng biên kịch phim phải nhiều lần đến trao đổi với nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để có được một kịch bản đầy đặn có tính kịch nhưng vẫn đậm chất thơ. Bộ phim về sau đoạt giải bạc (không có giải vàng) tại Liên hoan phim VN lần thứ 7.

Lần khác, đạo diễn Anh Thái làm phim Đằng sau cánh cửa, kịch bản của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Phim làm về đề tài công an nên một lần đạo diễn và biên kịch phim được Công an Hà Nội mời lên để trao đổi.

Giám đốc CA Hà Nội thời đó nhận xét phim tốt, nhưng chỉ băn khoăn không biết nhân vật chính như vậy có hoàn hảo quá không, có đúng trong đời thực không? Nghe vậy, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thấy khó nên ra hiệu để đạo diễn Anh Thái trả lời.

Ông bèn nói, làm nghệ thuật không chỉ thể hiện đúng như trong đời thực, mà còn nói lên những ước mơ tốt đẹp hơn.

Theo Kiến Nghĩa - Tiềnphong

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa mi Hy Lạp (23/10/2012)