Tạp chí Sông Hương -
Nhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi là tôi đấy”
10:40 | 23/07/2013

18 năm rồi ông rời xa cõi tạm. Cái ngày 10-7-1995 ấy, tôi đau đớn đến chết lặng nhưng lại chẳng thể tiễn đưa ông đến đoạn cuối cuộc đời...

Nhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi là tôi đấy”
Nhạc sĩ Văn Cao và ca sĩ Ánh Tuyết tại Sài Gòn tháng 8-1994 - Ảnh: DƯƠNG MINH LONG

Tôi đặt vé máy bay nhưng không thể đi được, vì nhân viên hàng không nhất định không cho tôi lên máy bay trong tình trạng sức khỏe không tốt mà lại mang bầu hơn bảy tháng. Chẳng thể tiễn đưa ông, tôi ray rứt khôn nguôi. Cách đó vài hôm thôi, Michel - ông xã của tôi, vừa đi Pháp về. Anh nói: “Anh để dành một chai rượu rất ngon, chúng ta sẽ đi Hà Nội thăm nhạc sĩ Văn Cao để cảm ơn ông và âm nhạc của ông đã có những bài hát hay đúng với giọng hát của em, và để anh được ngồi uống rượu chúc sức khỏe người viết Quốc ca duy nhất còn sống trên thế giới!”. Vậy là đã không còn kịp nữa. Ông đã mãi mãi rời xa thế giới này.

Nỗi lòng chàng Trương

 

 Chương trình Suối mơ đến Thiên thai tôi thực hiện nhân kỷ niệm sinh nhật cố nhạc sĩ Văn Cao vào ngày 15-11-1999. Đây cũng là lần đầu tôi dựng bài hát Tiến quân ca như câu chuyện kể lại lịch sử bằng âm nhạc trên sân khấu nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Tôi đâu ngờ dưới hàng ghế khán giả bao nhiêu người xúc động và có người đã rơi nước mắt. Có lẽ bài hát đã gợi nhớ về một thời chiến tranh gian khổ đầy đau thương, mất mát nhưng thật hào hùng. Hai năm sau, tôi hát Tiến quân ca trên sân khấu Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), vẫn nguyên vẹn niềm cảm xúc ấy, nhìn thấy ánh mắt khán giả nhiều người cũng rưng rưng niềm cảm xúc và những tràng vỗ tay không dứt đã vang lên.

 

Tôi nhớ hoài hình ảnh ông trên căn gác 108 Yết Kiêu, Hà Nội. Ông luôn ngồi tréo chân tĩnh lặng như một bức chân dung bên phím dương cầm, râu tóc dài bạc phơ với dáng hình nhỏ bé, lưng khòm. Đôi lúc ông lại chậm rãi đến bên cửa sổ nhìn ngắm khan dòng người đang chuyển động bên dưới và chỉ thi thoảng linh hoạt một chút khi trao đổi cùng vợ.

Một sáng trời thu se lạnh. Trong căn gác nhà ông, hai chiếc ghế nhỏ đối diện giữa một chiếc bàn “tửu trà” nhỏ, một ấm trà nhỏ, một chén trà cũng nhỏ, nhưng trên bàn thì không có “tửu” vì chai rượu nhỏ luôn thường trực trong ngực áo vest ông mặc hằng ngày... Hai bác cháu cứ ngồi im lặng gần ba giờ sau những thắc mắc tìm hiểu của tôi về sự ra đời của bài hát Trương Chi... Ông cứ im lặng, ánh mắt vương qua khung cửa sổ, thi thoảng lại lôi trong ngực áo ra chai rượu nhỏ nhấp vài hớp. Tôi cũng im lặng chờ đợi, cứ hết nhìn phím dương cầm rồi lén nhìn ông để tìm câu trả lời trong ánh mắt vọng xa ấy.

Càng nhìn ông tôi càng thắc mắc, làm sao trên đôi vai gầy guộc nhỏ bé ấy lại chở đến cho đời nhiều mùa xuân đầy ý nghĩa và đẹp đến thế. Mùa xuân cổ tích của Thiên thai, lãng mạn trong Bến xuân, hào hùng trong Tiến về Hà Nội, trong Sông Lô, và đoàn viên trong Mùa xuân đầu tiên... Cùng những mùa thu man mác đẹp lung linh của Thu trung du, Suối mơ, buồn thấm thía trong Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Trương Chi... Âm nhạc của ông thật trong lành như chính con người ông vậy.

Rồi tôi khẽ rung lên câu hát: “Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang... Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng... Anh Trương Chi... tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung. Oán trách cuộc từ ly não nùng... Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta. Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau...”. Văn Cao vẫn lặng im. Bất chợt ông nói gọn mấy từ như nói với chính mình mà cũng vừa đủ cho tôi nghe: “Trương Chi là tôi đấy”. Rồi ông bật một tiếng cười khan mà tôi nghe thấu lòng cái nỗi cô đơn cùng tận giăng phủ niềm đau ẩn chứa trong sự im lặng, đã gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi. Cái cách cười chỉ để khẽ giấu nỗi đau sau ánh mắt xa xăm ấy khiến tôi thật khó quên. Tôi lại nhấp trà, nhấp trà mà cũng thấy say say...

Cái đẹp của tâm hồn và cốt cách trong ông đã khiến tôi say và thăng hoa trong từng câu hát. Nhưng ông kiệm lời, kiệm cả nụ cười và những cử chỉ biểu lộ thái quá cảm xúc. Gương mặt và phong cách của ông lúc nào cũng ẩn chứa sự tĩnh lặng. Phải chăng ông biết rõ lắm cái cuộc sống đang chuyển động và lựa chọn cho bản thân một sự giao cảm riêng biệt với cuộc đời.

Ông viết nhạc bằng sự thanh thoát của tâm hồn, bằng tình yêu vẹn toàn không toan tính và bằng cách sống giản dị. Vậy mà người nhạc sĩ tài danh đó tự nhận mình là Trương Chi như một sự run rủi của số phận? Mãi những năm sau này khi ông đã lìa xa trần thế, tôi mới chợt hiểu điều ông muốn nói, để nhận ra cái còn lại bên đời là những vẻ đẹp, những giá trị cốt lõi ẩn sâu bên trong tâm hồn.

Một định mệnh của tôi

 

Ánh Tuyết nhớ Văn Cao

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết sẽ tổ chức một đêm nhạc Văn Cao để tưởng nhớ 18 năm ngày mất của ông. Đêm nhạc sẽ diễn ra lúc 21g ngày 10-7 tại phòng trà WE (8 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM). Ánh Tuyết cho biết khoảng một năm nay chị không chọn nhạc Văn Cao để biểu diễn trên sân khấu vì muốn dành trọn cảm xúc cho đêm nhạc này với các tuyệt phẩm như: Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa, Bến xuân, Tiến quân ca, Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Làng tôi...

Q.N.

 

Cái thời khắc cuối tháng 7-1993 với tôi đã như một định mệnh được sắp đặt. Chỉ mấy ngày trước đó thôi, tôi quá mệt mỏi, quá chán ngán với những viễn cảnh, với cái cách người ta làm nghệ thuật với nhau theo kiểu hậu trường... Tôi nản lòng và bế tắc dù từng gặt hái không ít những thành công. Một chặng đường đã khá dài, hơn 20 năm đầy đam mê, cứ loay hoay hoài trong nỗi thiếu thốn chật vật chẳng đủ nuôi sống bản thân mà con đường nghệ thuật thì chẳng tới đâu. Tôi quyết định bỏ nghiệp ca hát dù đã luôn cố gắng đánh đu với nghiệp dĩ. Khi mà số phận cuộc đời phía trước thật hoang mang, chưa biết sẽ làm gì... đi đâu... hay về đâu... thì đêm tháng 7 định mệnh ấy tại quán Nhạc Sĩ, tôi gặp được ông.

Tôi hát như say lời ca: “Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẽ bàng...” (Buồn tàn thu) và “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên...” (Thiên thai) đã mang đến cho tôi những cảm xúc vỡ òa và những tràng pháo tay không ngớt. Và chính cái đêm ấy, âm nhạc của Văn Cao cùng khán giả và giới truyền thông đã níu giữ tiếng hát tôi cho đến bây giờ. Vậy mà cũng sắp tròn 20 năm nữa được ca hát.

Đêm ấy tôi đợi cho đến hết đêm diễn để được trò chuyện và mong sẽ có những lời nhận xét bổ ích hay được nghe lời khen của ông... Nhưng ông không hề nói gì và cũng chẳng trò chuyện với ai. Cứ thế, ông lặng lẽ lững thững rời quán Nhạc Sĩ. Tôi luýnh quýnh chạy theo, rón rén cầm cánh tay ông dìu ông từng bước xuống bậc tam cấp mà lòng cảm nhận có điều gì khác lạ... Một sợi dây vô hình nào đó đã cột tiếng hát tôi vào với âm nhạc Văn Cao.

Người phụ nữ đứng sau...

Bà là Nghiêm Thúy Băng - cô tiểu thư xinh đẹp của Hà thành một thuở. Nhưng thuở ấy xa rồi. Sau này cái tính cách quá thẳng thừng, phản ứng nhiều khi quyết liệt của bà đã làm bà phải gánh chịu không ít những lời thương tổn. Nhưng tôi hiểu vì sao bà từ một cô tiểu thư con nhà giàu mà phải ra như thế... Chính vòng xoay của cuộc đời đã khiến bà thành một con người phải đáo để. Nếu bà không như thế thì làm sao gia đình nhạc sĩ Văn Cao của chúng ta có thể sống mà vượt qua những thời đoạn tưởng chừng không thể đứng dậy nổi. Bà hẳn là một phụ nữ can trường. Bà cứ mặc ai nói gì... Bà chỉ biết một mực thương yêu chồng con, một mực lo cho chồng và bằng mọi cách bảo vệ chồng mà thôi!

Điều làm tôi kính trọng bà là chính bởi một cuộc song hành suốt đời bên người nhạc sĩ tài hoa mà cuộc đời lại trải qua không biết bao nhiêu khổ ải gian truân. Bà vẫn một mực son sắt thủy chung, sẵn sàng đương đầu làm lá chắn chở che, giành giật từng mảnh nhỏ tinh thần, từng chút nhỏ vật chất những khi chồng gặp nguy nan. Bà cho tôi thấu hiểu ý nghĩa của hai chữ “bạn đời”. Cùng là phụ nữ, tôi hiểu được sự nhẫn nại, đức hi sinh bà dành cho ông, không chút băn khoăn như lẽ đời phải thế.

Sự có mặt của bà trên căn gác nhỏ phố Yết Kiêu khiến nhạc sĩ Văn Cao chợt trở nên linh hoạt hơn, thì sự hiện diện của bà dưới hàng ghế khán giả đã như một điểm tựa đặc biệt cho tôi “cháy hết mình” trong âm nhạc của ông những đêm hát cùng Hà Nội.

Cái bữa đọc tin trên báo thấy có ý kiến muốn sửa lời Quốc ca cho phù hợp với thời bình, tôi gọi điện ngay cho bà Nghiêm Thúy Băng. Bà chỉ nói: “Tác giả đã mất rồi, bài hát ấy bây giờ là của nhân dân. Ai muốn làm gì thì làm, gia đình chúng tôi không có ý kiến gì cả”. Nhưng qua giọng nói tôi chợt hiểu đã có một sự tổn thương lớn xảy ra trong trái tim người quả phụ đã 84 tuổi ấy.

Cho đến hôm nay, khi tôi đang ngồi viết những dòng này, trong cuộc sống vẫn còn hiện diện nhiều “người một thủa”. Họ có thể là những nhạc sĩ tài hoa ghi lại một phần lịch sử trong tác phẩm âm nhạc của mình. Họ có thể chỉ là những người bình dị, đi qua một thời đoạn lịch sử của đất nước. Họ, tựu trung lại, là những chứng nhân lịch sử, và vì thế họ khả kính. Trân trọng quá khứ là một thái độ văn minh đối với hiện tại, tôi nghĩ vậy khi nhớ về họ và nhớ về ông - nhạc sĩ Văn Cao.

Theo ÁNH TUYẾT - TTO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng