Tạp chí Sông Hương -
'Hồn' Trường Sa trong những ngôi mộ gió
08:17 | 29/07/2013

Hơn 25 năm trôi qua sau sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), dọc miền Trung nắng gió, nhiều gia đình chỉ đặt tạm chiếc bàn thờ vì thi thể các anh còn nằm lại dưới lòng biển lạnh. Ở Đà Nẵng, 7 ngôi mộ gió được lập trang nghiêm trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ.

'Hồn' Trường Sa trong những ngôi mộ gió
6 ngôi mộ gió của liệt sĩ Trường Sa ở Đà Nẵng nằm thẳng hàng với hàng nghìn ngôi mộ ở khuôn viên nghĩa trang thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông

Hoàng hôn dần buông, người trông coi Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đã luống tuổi tỏ ra bất ngờ khi có khách hỏi về những ngôi mộ gió liệt sĩ Trường Sa. Phần vì người quản trang này mới nhận việc, phần vì từ trước đến nay ở dải đất miền Trung, mộ gió thường là những nấm cát ven biển bị gió thời gian dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, chứ chưa từng nghe chuyện mộ gió lại xây khang trang ở nghĩa trang.

Như là dấu hiệu "chỉ điểm", 6 ngôi mộ gió nằm quây quần dưới bóng một gốc cây lớn phía sau tượng đài có cùng ngày hi sinh của 64 liệt sĩ ở đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa), ngày 14/3/1988. Mưa, nắng, thời gian, nhiều nét chữ đã mờ mà chưa được kẻ lại. Hai vị  khách đứng thắp hương cho người thân gần đó tròn xoe mắt khi biết đây chỉ là những ngôi mộ tượng trưng. Trong chiến dịch CQ-88, Đà Nẵng có 9 chiến sĩ hy sinh, riêng phường Hòa Cường có 7 người.

Ngày trước, nơi đây có 7 ngôi mộ gió. Nhưng mẹ Huỳnh Thị Kế (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) không đủ sức ngày ngày lên thăm con mình là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn ở nghĩa trang cách thành phố gần chục km này đã xin dời mộ về nghĩa trang phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Dù nằm cùng đồng đội hay dời đi nơi khác, đây vẫn chỉ là những ngôi mộ gió, nhưng đượm tính tâm linh khi là sợi dây liên lạc giữa những con người ở hai thế giới.

Ngồi trầm ngâm bên những di vật của cậu con trai Lê Văn Xanh, ông Lê Văn Xuân (73 tuổi, số 45 đường Nguyễn Thành Ý, TP Đà Nẵng) tóc bạc trắng nhớ lại ngày định mệnh: "Đêm ngày 14/3, tôi đang đánh cá ngoài bờ sông, ngủ thiếp đi vì mệt thì Xanh về báo mộng với hình hài không được lành lặn. Nó bảo con đang cắm cờ Tổ quốc lên đảo Gạc Ma thì bị lính Trung Quốc bắn, hi sinh rồi bố ạ! Choàng tỉnh dậy nhưng tôi không tin đó là sự thật, hốt hoảng chạy về nhà".

IMG-2646-1374659210_500x0.jpg
Ông Xuân bảo có mộ gió cho con mình là niềm động viên lớn lao. Ông cẩn thận lưu giữ bức ảnh chụp liệt sĩ Xanh, dù bị cắt chỉ còn hơn phần nửa. Ảnh: Nguyễn Đông

Sáng hôm sau, cả nhà chết lặng khi nghe loa phóng thanh đọc bản tin về Gạc Ma, từng cái tên chiến sĩ Hải quân Việt Nam mất tích và hi sinh được dóng lên. "Trời ơi, 74 cái tên, đến số 72 mới nghe tên Xanh", người cha già quay vội khuôn mặt già nua giấu đi những giọt nước mắt. 2 năm sau, các gia đình liệt sĩ Gạc Ma có buổi họp với lãnh đạo địa phương. Ông Xuân kiến nghị thành phố cần thiết phải xây những ngôi mộ cho liệt sĩ Trường Sa, dù là mộ gió để người thân có nơi thăm viếng, nhắc nhớ con cháu. 

Ngày lập mộ, duy có nhà ông Xuân làm hình nhân thế xác cho liệt sĩ Lê Văn Xanh. Tượng được làm bằng đất sét, đặt ngoài bờ sông mời thầy về cúng rước hồn, chi phí hết 1,5 triệu đồng ở thời điểm lương liệt sĩ chỉ vỏn vẹn 72.000 đồng/tháng. "Đến giờ thi thể của Xanh vẫn chưa được tìm thấy. Nhưng trong tâm thức của gia đình, em nó như đang hiện diện nơi nghĩa trang liệt sĩ", người cha già ngậm ngùi.

Mỗi dịp Tết, ngày giỗ chung 14/3 và ngày thương binh liệt sĩ, những bậc cha mẹ tóc dần nhuộm màu thời gian vẫn đều đặn đến lo hương khói. Và mẹ Lê Thị Muội (81 tuổi, phường Hòa Cường, quận Hải Châu), lại có dịp mặc chiếc áo hải quân chính tay mình cẩn thận cắt may từ kỷ vật của con trai, liệt sĩ Phan Văn Sự, đứng hàng giờ trước tấm bia mộ ở nghĩa trang này tự hào kể: "Thằng Sự con của mẹ hi sinh khi bảo vệ Trường Sa!".

b1b-1374659210_500x0.jpg
Ngày hài cốt liệt sĩ Trần Quốc Trị được đưa về quê nhà, họ hàng, làng xóm lo đám tang cho anh tươm tất. Ảnh: GĐCC

Năm 2008, tàu của thợ lặn Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm được một phần hài cốt 64 chiến sĩ dưới con tàu HQ 604 dưới độ sâu khoảng 20m ở cụm đảo Sinh Tồn (Trường Sa). Ông Trần Quốc Tuấn ở xã Đại Đồng, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị mừng rơn khi được lấy mẫu xét nghiệm ADN. Gần 2 năm trời mòn mỏi chờ tin, họ hàng may mắn được nhận hài cốt anh Trị trong chiếc tiểu nhỏ, không ai cầm được nước mắt.

Ngày binh nhất Trị "trở về", dù chưa vẹn toàn, nhưng bố mẹ già không chờ được. Đám tang ở vùng quê nghèo được họ hàng, chòm xóm đến tiễn đưa suốt từ nhà ra nghĩa trang xã dài gần 1km. Trong nhà, ông Tuấn lập bàn thờ người em trai nhưng chỉ có tấm bằng khen Tổ quốc ghi công. "Nhà nghèo, Trị nó chụp tấm ảnh với hai đồng đội cùng đi trên chuyến tàu định mệnh. Chưa kịp phóng ảnh to để thờ thì tấm ảnh bị nước lũ cuốn trôi", ông Tuấn kể và ước mong một ngày gần nhất những thi thể chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma được trục vớt, đưa về với đất mẹ.

Lặng người thắp nén hương trước di ảnh người đồng đội Hoàng Ánh Đông ở TP Đông Hà (Quảng Trị), cựu binh Trường Sa Trần Thiên Phụng mắt rớn nước: "Ngày cụ Hoàng Sĩ, bố Đông, được lấy mẫu máu xét nghiệm ADN, ông đứng ngồi không yên với hi vọng số hài cốt ít ỏi kia sẽ có một phần cơ thể của con trai mình nhưng không có kết quả. Cụ Sĩ cũng không chờ được. Đầu năm vừa rồi, cụ ra đi trùng vào ngày giỗ Đông. Gia đình cũng mong được lập một ngôi mộ gió cho Đông ở nghĩa trang liệt sĩ", ông Phụng chia sẻ.

b1a-1374659210_500x0.jpg
Ông Phụng lặng người thắp nén hương và nhìn ngắm người đồng đội vốn chơi thân từ nhỏ, cùng ra làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Đông

Trao đổi với VnExpress.net, thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83 (Quân chủng Hải quân) giai đoạn 1988 – 1997, cho biết bản thân ông rất trăn trở về việc lập một ngôi mộ gió cho các liệt sĩ Trường Sa để các anh có một nơi yên nghỉ trong đất liền, góp phần động viên các gia đình liệt sĩ. "Để làm được điều này, cần thiết phải có sự đồng thuận giữa gia đình và chính quyền địa phương", ông Hoan nói.

"Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất...” - Theo Lịch sử vùng III Hải quân 1975 - 2005.


Theo Nguyễn Đông - Vnexpress

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng