Tạp chí Sông Hương -
Để bảo tồn sơn mài Việt Nam
09:23 | 16/08/2013
Để bảo tồn sơn mài Việt Nam

Dắt tay nhau trên “đường sơn mài”

Triển lãm tranh sơn mài mang tên Sơn ta vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 52 tác phẩm đề tài, phong cách đa dạng, là những kết quả sáng tạo và nhiệt tình nghề nghiệp của một số hoạ sĩ thầy và trò ngành sơn mài Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp - Hà Nội. Đó là các hoạ sĩ làm những công việc khác nhau, nhưng đều nỗ lực duy trì sáng tác bên cạnh những lo toan đời sống. Mặc dù trong hoàn cảnh hiện nay, dung hoà được hai công việc đó cũng như tổ chức triển lãm là cả một thách thức. Đầu tư sáng tác tranh sơn mài vốn rất tốn kém với các chất liệu đắt tiền như vóc, quỳ vàng, quỳ bạc, cộng với quy trình kỹ thuật phức tạp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đòi hỏi tay nghề cao cùng sự kiên trì của hoạ sĩ. Hoạ sĩ Phí Văn Công cho biết, nhiều người xem tranh có thể rất thích, nhưng giá nguyên vật liệu khiến giá tranh sơn mài cao nên rất khó bán. Cũng vì vậy mà theo hoạ sĩ Hà Huy Mười, nhóm tác giả vừa mong kỷ niệm quá trình học tập tại trường, vừa muốn khích lệ những người muốn học ngành sơn mài và mong giới nghề, công chúng quan tâm đến những tác phẩm sơn mài được làm một cách nghiêm túc.

Quyết tâm làm một sự kiện chuyên về tranh sơn mài, những tác phẩm mới và ưng ý nhất được tập hợp, chọn lựa, các hoạ sĩ mời người thầy rất gắn bó với họ tham gia: Hoạ sĩ Phạm Chính Trung - Khoa sơn mài Trường ĐH mỹ thuật công nghiệp. Đồng thời, nhóm cũng mượn được từ gia đình một số tác phẩm của cố hoạ sĩ Nguyễn Kim Đồng (1922-2009) để trưng bày trong đợt này. Ông thuộc thế hệ các hoạ sĩ trường mỹ thuật Đông Dương, là Chủ nhiệm khoa sơn mài đầu tiên của trường và đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo các thế hệ hoạ sĩ sơn mài kế cận.

 

Niềm tin giữ thương hiệu Việt

Nhìn lại lịch sử phát triển và khẳng định thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam qua các thế hệ hoạ sĩ trong nước, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương liên hệ đến sự thịnh hành của sơn mài ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay. Ông cho biết, từ một hoạ sĩ người Trung Quốc sang học ở Việt Nam về sơn mài, đến nay ở nước họ đã có hàng trăm hoạ sĩ và nhiều người Trung Quốc đi vào nghệ thuật này. Và năm 2007, Trung Quốc đã tổ chức triển lãm sơn mài quốc tế đầu tiên, định kỳ hai năm một lần. Hoạ sĩ Trần Khánh Chương nhận xét: họ làm sơn mài kỹ càng, chi tiết vô cùng, và có tham vọng khẳng định thương hiệu sơn mài Trung Quốc. Chúng tôi rất hoan nghênh các hoạ sĩ Việt Nam bảo tồn chất liệu sơn mài truyền thống, đồng thời tích cực sáng tạo, phát triển ngôn ngữ hội hoạ của tranh sơn mài đương đại.

Liên quan đến vấn đề này, hoạ sĩ Phạm Chính Trung cũng nhấn mạnh: Muốn giữ gìn được sơn mài truyền thống, rất cần có trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng. Sơn mài Việt Nam được thế giới chú ý, đề cao như một sáng tạo đặc trưng, một phần nhờ thông tin đại chúng. Nay cũng rất cần tuyên truyền để xã hội hiện đại biết về nó hơn và có sự phân biệt tranh sơn mài sử dụng chất liệu sơn ta truyền thống với các loại tranh gọi là sơn mài nhưng dùng loại sơn khác.

Và có lẽ, chính tác phẩm trong triển lãm dịp này đã giúp hoạ sĩ Phạm Chính Trung thấy tin tưởng hơn. Hội ngộ với các học trò - đồng nghiệp, hoạ sĩ chia sẻ, ông rất mừng vì sau vài năm ra trường, học trò vẫn kiên trì vẽ, giữ gìn chất liệu, kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, đồng thời có những sáng tạo, phát triển riêng rất đáng trân trọng, nếu không, “sơn ta” ngày càng bị mai một trước trào lưu hội họa đương đại thế giới!

 

Theo Báo Văn nghệ 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng