Tạp chí Sông Hương -
Nhớ Huế trong từng kỷ niệm
09:27 | 16/08/2013

Tôi bao bận về Huế một mình, “Huế vẫn cũ nhưng bạn bè chẳng đến/Hát thế nào cũng ra cô đơn”. Nhưng tôi cứ hát lên điệp khúc nỗi nhớ của loài chim Đỗ Quyên để bạn biết rằng nơi chốn xa xôi của rơm rạ ruộng đồng Quảng Trị “Hương giang còn tôi chờ”.

Nhớ Huế trong từng kỷ niệm

Không hiểu sao, bây giờ khi nhiều năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu khuôn mặt đã xa khuất; và cũng là khi chớm sang thu của tuổi tác đời người,  tôi cứ chập chờn giấc mơ siêu linh về “khung trời đại học”. Tôi mơ về  mái trường Sư phạm soi mình bên sông nước Hương giang; ân tình và nhẫn nại mà tận hiến “bách niên chi kế, mạc như thụ nhân”. (Kế sách trăm năm không gì bằng trồng người – Quản Trọng) Tôi mơ về những ngày nội trú trong hao gầy buồn vui của những người vừa mới giả từ tuổi nhỏ bước vào đời nhưng nào đã nghĩ chi về tiền vận trăm năm. Tôi mơ về những sớm chiều lên lớp chắt chiu từng con chữ trong trạng thái vừa chăm chút vừa lơ đãng vì bụng đói cồn cào nên cứ nghĩ về bếp ăn cư xá. Rồi nắng - mưa và thời gian của Huế cứ dội vào tâm tư để thấy lòng rưng rưng tiếc thương những gì "một đi không trở lại". Nhiều năm nay tôi giữ nó như một hoài niệm riêng cho mình, nhưng có lẽ đã đến lúc không "cầm lòng" được nữa rồi nên cứ để con chữ nói ra cùng bạn.

Hỡi người bạn thân yêu, bạn có nhớ lứa bọn mình nhập học vào thời điểm nào đấy không? Tôi lục tìm trong ký vãng của mình thì hình như vào thượng tuần tháng Mười năm Tám Bảy của thế kỷ trước. (Ôi chao! Mới đó mà đã bước sang hai thế kỷ rồi bạn thấy không. Hèn chi người xưa bảo: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa/Nó đi đi mãi có chờ đợi ai” – Ca dao). Ngày đó, trừ mấy anh chàng "dự bị" là lính cũ; còn lại đứa thì Quảng Nam ra, đứa thì Quảng Bình, Quảng Trị vào. Cả lớp chỉ có được một cô gái Huế thôi thì tha hồ mà làm duyên làm dáng nhé. Ấy vậy mà thật uổng cho Huế là thiếu nữ tóc dài này không hề làm duyên với ai trong lớp suốt bốn năm, để hoài phí cho tấm tình của những anh chàng nhà quê luôn muốn "dại khờ" trước những bóng hồng; dẫu cuộc sống thiếu thốn giữa đất cố đô thường trực nhắc nhở anh ta phải "khôn thêm".

 Hầu hết anh chị em đều ở nội trú. Mấy dãy nhà xập xệ là khu gia binh cũ được dọn lại làm cư xá. Cuộc sống chen chúc và khổ hạnh thế mà thật kỳ lạ, nó đủ nuôi lớn hồn người để sau này thăng hoa thành những kỷ sư tâm hồn đi gieo chữ cho đời.

Chắc bạn làm sao quên được chốn cư xá gắn với buồn vui của cuộc sống sinh viên phải không. Trên những chiếc giường cá nhân bé chỉ đủ một người nằm là nơi chốn an cư và cũng là “góc học tập” của những ai lười đi thư viện như tôi. Những tư tưởng của Hê-ghen, Phơ-bách, Các-mác; những nền văn minh Ai cập, La Mã, Lưỡng Hà, Babilon; ánh sáng văn hóa Phục Hưng; giá trị rực rỡ của những cuộc Cách mạng Mỹ, Cách mạng Pháp vĩ đại; rồi những chặng đượng của Sử Việt hào hùng v.v... đều đến với những anh chàng lười từ cái “góc học tập” rất đỗi quái chiêu ấy. Chưa hết, đó còn là chổ của những cuộc vui bất tận, rượu trà, cờ sớm bài trưa và là nơi để những nỗi tương tư chảy tràn lên mặt giấy biến thành những cánh thư diễm tình, còn ai có chút tâm hồn văn chương thì là nơi xuất bản những tập thơ tình sinh viên, những dòng văn mơ về diễm ảo; cũng có thể là nơi hẹn hò của những cuộc tình sinh viên khó nghèo lãng mạn.

Lại nhớ chốn Giảng đường ngày ngày tháng tháng đều đặn cắp sách vở leo lên lầu ba. Ở đó có thể vừa nghe thầy giảng vừa thỏa thích ngắm nhìn Sông Hương cong mềm như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Miễn là đừng để thầy giáo biết được đôi khi cũng rầy rà một chút. Nói vậy chớ việc học vào bậc Đại học hoàn toàn tự giác. Bạn có thể chép bài hoặc chỉ ngồi nghe mà không ghi chép gì cũng được; và không có hình thức kiểm tra bài cũ như lúc học phổ thông nên những anh chàng lười cứ học xong để đấy cũng chẳng sao. Miễn là cuối kỳ, thi cho đủ trên bốn điểm để khỏi mất công thi lại. Cách học này xem ra hợp với hầu hết cánh con trai chúng tôi, nhưng đến cuối kỳ thi thì ôi thôi là mệt. Bài vở để “dồn toa” nên học bết cả ... chân cũng không kịp. Vậy là phải học đoán, học tủ nên kỳ nào cũng có vài anh thi lại.

Cánh đồng chữ nghĩa quả là khổ ải và mênh mông, cày hoài không hết. Nên phương cách để giữ gìn sinh lực là vừa học vừa chơi. Triết lý sống này được cánh con trai áp dụng triệt để suốt bốn năm học, và cũng để biện minh cho căn bệnh ... không được siêng của mình. Nhưng nếu ngẫm ra không phải là không có lý: Nguyễn Công Trứ làm quan Phủ Doãn rồi Binh bộ Thượng thư, cầm quân đánh giặc, tiểu trừ loạn phỉ, khai hoang mở cõi đều lẫm liệt ở mức kinh bang tế thế mà vẫn là một ông quan chơi cự phách đó thôi “Đêm khuya một chiếc thuyền nan/Một cô gái Huế một quan đại thần”;Tản Đà tự nhận mình là “Giang hồ mê chơi quên quê hương” vậy mà sự nghiệp văn chương ông để lại dễ mấy người sánh kịp; Trịnh Công Sơn thì rong chơi suốt mùa mà gia tài âm nhạc của ông vào loại bậc nhất trong làng nhạc Việt Nam; rồi  Hoàng Phủ Ngọc Tường coi mình là “người ham chơi”, vì “Ham chơi là văn hóa gốc của người Việt”, nhưng cứ nhìn vào số lượng tác phẩm đồ sộ  của ông thì không phải ai cũng “chơi” được như ông.

Cách học và chơi ấy đặt dấu chỉ của một thế hệ lớn lên trong bối cảnh sắp bước qua thời bao cấp nên chưa mang chất “thị trường”, “thương mại” hay gì gì nữa của thế hệ sau này mà bạn có thể liệt kê thoải mái nhưng nói chung là ít mang “văn hóa gốc”. Giờ ngồi nghĩ, nếu được sống lại ngày cũ hay nói như nhạc sĩ Phạm Duy “Cho đi lại từ đầu/Khoan đi vội về sau” (Kỷ niệm) thì dễ thương biết mấy. Bởi thế,  hai mươi năm quá đủ dài để biến đổi mọi thứ, nhưng không xóa được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người cách trở.

 Không hiểu cảm giác bạn thế nào, còn tôi sau bao nhiêu đợt sóng quay cuồng của định mệnh, vẫn có thể mang tôi trở lại với một ngày nắng vui hay một chiều mưa buồn cư xá, một buổi sớm mai trong sân trường hay một đêm khuya hiu hắt bước dài trên phố Huế, để tái ngộ với chính mình của những ngày tháng cũ.

Ấy là những ngày xuôi ngược Thiên An dã ngoại. Trong sự nghèo khó mà hết thảy đều nổ lực: đóng góp tiền, chuẩn bị hậu cần và phương tiện – chủ yếu là xe đạp – để lên đường. Lớp chỉ có mười mấy người nhưng lo cho đủ xe không phải chuyện dễ vì sinh viên nội trú chúng tôi ngày thường chủ yếu di chuyển bằng ... đôi chân. Tôi có cái may mắn là lần nào cũng được chở cô sinh viên ngoại trú duy nhất của lớp, nên khỏi phải lo chuyện xe pháo. Đường từ trung tâm Thành phố Huế lên Thiên An không xa nhưng hơi lòng vòng và dốc; vậy mà tôi chẳng thấy mệt chút nào, không biết nhờ sức trẻ hay do sự động viên của cảm xúc. Chắc phải do cả hai yêu tố. Nói chơi vậy thôi chứ hồi đó tôi và người bạn gái Huế dầu thân thiết và thấu hiểu nhau nhưng vẫn cư xử với nhau ở mức độ của một tình bạn đúng nghĩa. Tôi giữ mãi tình cảm gần gủi mà chân thành này của một tình bạn theo năm tháng không phôi phai.

Trở lại với Thiên An, dầu thời gian và ân tình đâu đó có hao gầy thì nỗi nhớ trong tôi vẫn vẹn nguyên như một bảo tàng kỷ niệm: những sắc màu tung tăng trong gió giữa ngàn thông, những cuộc vui đùa hồn nhiên quanh bếp lửa liên hoan, những chén rượu bạn bè chúc nhau rồi đến hồi gây cho ta cảm giác chếnh choáng lâng lâng để được“lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian”. Vui bằng tâm trạng cởi mở, kết đoàn và tha thứ như vậy đã nuôi dưỡng những gì từ không đến có, từ sự xa cách đến gần gụi.

Dẫu trong sinh hoạt, học tập đôi khi có những bất đồng khó tránh nhưng vào mỗi dịp như vậy, chúng tôi gắn chặt thêm bằng tình cảm bạn bè đồng cảnh ngộ. Giờ đây, mỗi khi nhớ về ngày tháng cũ, những khuôn mặt bầu bạn cứ hiện lên trong tôi thân mến như nỗi niềm “yêu dấu tan theo”.

Còn nhớ nhất vào một đêm trực trường, tôi lang thang đạp xe giữa đường phố Huế tâm trạng chợt vui chợt buồn. Đường về một mình, nghe ra không gian sủng ướt mênh mang. Phải rồi, đêm hôm ấy giữa trời Huế sương xuống rất lạnh. Sông Hương mịt mờ và xa xôi như cái “níu tay nghìn trùng” mà lần đầu tôi cảm giác.

Thì đúng thế, “cùng một lứa bên trời lận đận” rồi đã bỏ Huế mà đi từ  mùa hè năm 1991, chưa một lần sum họp đầy đủ. Dù là tình yêu hay tình bạn thì sự chia phôi nào cũng gây cho ta cảm giác tiếc nuối; có khi là sầu khổ nữa (nói như nhà Phật là “Ái biệt ly khổ” – thương nhau mà phải xa nhau là khổ).

Tôi bao bận về Huế một mình, “Huế vẫn cũ nhưng bạn bè chẳng đến/Hát thế nào cũng ra cô đơn”. Nhưng tôi cứ hát lên điệp khúc nỗi nhớ của loài chim Đỗ Quyên để bạn biết rằng nơi chốn xa xôi của rơm rạ ruộng đồng Quảng Trị “Hương giang còn tôi chờ”.

Nguyên Hùng - Tủ sách Nhớ Huế

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng