Quán Chiều đổ bóng trầm tư...
Huế có gì mà thân thiết thế? Như cách làm quen với một con người, mỗi lần gặp về sau ta lại khám phá ra thêm một điều gì mới ở người ấy, nét mặt lẫn dáng hình lại trở nên gần gụi hơn một chút. Lần này quay lại Huế, sau một buổi tối không thể sôi động và 'điên rồ' hơn ở
Brown Eyes, tôi mong tìm một góc ngồi thảnh thơi hưởng thụ cái nắng dễ chịu và không khí lắng dịu của thành phố trầm mặc này. Con phố Trương Định với bóng cây và quán cóc vỉa hè có thể là một lựa chọn không tồi, nhưng tôi lại cứ muốn được văng vẳng vào tai tiếng nhạc trầm buồn. Thế là tôi đi lòng vòng quanh Đại Nội mong tìm được bóng mát dành cho mình.
Lúc ấy là tầm giữa chiều và tôi tìm thấy Chiều. Một cách hết sức tình cờ. Quán nằm gọn ngay đoạn giao giữa hai con phố, dáng vẻ thâm thấp có phần lụp xụp mang một màu nâu và tối. Ánh nắng chan hòa phủ trọn lấy căn nhà, xiên qua mái hiên, đổ bóng khung cửa sổ và len lỏi qua những kẽ hở. Đẹp và bất động như tranh vẽ. Tôi dừng xe không do dự. Khi ấy tôi còn chưa biết tên Chiều, bởi quán không hề treo bất cứ tên biển nào cả.
"Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa..."
Lời Trịnh chưa bao giờ tự nhiên quen thuộc thế. Tiếng hát hòa cùng nhịp điệu trong trẻo của nắng, cứ thế dìu dặt thiết tha, thỉnh thoảng rơi nhẹ tí tách trên ly cà phê đắng. Không gian lắng đọng, thời gian lơ lửng giữa lưng chừng chiều. Chìm đắm trong không gian này một lúc, chợt thấy như mình đã trôi vào một cõi xa xăm nào đó.
Tiếp nối sau Trịnh là những bản tình ca thời tiền chiến, tôi nhận ra vài ca khúc của Phạm Duy. Thật tuyệt! Tại nơi ấy, vào đúng thời điểm đó, mọi thứ cứ như được sắp đặt khéo léo, vừa duyên dành cho tôi vậy...
Tình cờ, mọi thứ lắng đọng vào buổi chiều tôi tìm thấy Chiều
Quán nằm trên hai mặt phố Đặng Thái Thân và Phùng Hưng, trước mắt là lầu Tứ Phương Vô Sự của Hoàng thành Huế. Phần vỉa hè dưới mái hiên rộng rãi cũng bao quanh hai mặt phố là nơi được yêu thích nhất, tại đó đặt nhiều bàn ghế nhỏ và giản đơn. Hai gian bên trong không rộng lắm, trần thấp và ánh nắng lọt vào không nhiều nên không gian khá tối và tĩnh mịch, lơ thơ vài bộ bàn ghế kê gần góc và cửa sổ, mấy lọ hoa đã khô và một vài bức tranh treo tường. Tôi đặc biệt chú ý đến khung cửa treo nhiều lọ gốm nhỏ đầy tràn sáp nến; bên cạnh là chiếc bình gốm to thô sơ, hoa hồng trong đó đã khô, sắc ngả nâu vàng, bông rũ xuống. Khung cửa là nơi giao nhau giữa ánh sáng chói lòa bên ngoài và không gian u tịch bên trong.
Chiều nằm ẩn mình ở đoạn gấp giữa hai con phố
Ngồi đây nhìn thấy lầu Tứ Phương Vô Sự ở phía đối diện
Mái hiên rộng rãi của Chiều
Mấy góc nhỏ
Vách ngăn chia không gian bên trong thành hai gian nhỏ đơn sơ
Trước đây, buổi tối chỉ thắp nến, giờ phải dùng rất nhiều bóng đèn như thế này
Khung cửa đầy nến
Bức tranh giàu cảm xúc với độ tương phản mạnh về ánh sáng và màu sắc
Chiều có một cuộc đời thăng trầm như chính chủ nhân của nó. Chiều được sinh ra từ mối tình khắc khoải và thủy chung của anh với những bản nhạc tiền chiến. Vào thời điểm đó, khoảng những năm đầu 1990, thứ âm nhạc ấy như những âm thanh chát chúa với đôi tai của người trẻ. Bởi vậy mà Chiều mang số phận của một đứa trẻ không được công nhận. Bạn bè đồng lứa với anh Phát - cha đẻ của Chiều khi ấy mới hơn 20 tuổi, cũng thuộc lớp giới trẻ không ủng hộ sự ra đời của Chiều. Thời kỳ đầu khó khăn ấy, có khi cả tháng trời mới có một vị khách ghé thăm. Dịp hiếm có ấy với anh Phát là điều vô cùng quý giá.
Thời bấy giờ, thanh niên Huế rất chuộng những nơi sang trọng, cũng là thời của nhạc Pop Việt. Trai gái hẹn nhau ở những quán cafe ghế salon, bật nhạc của Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường... Thế nên mới có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười thế này. Một chàng trai tình cờ đến Chiều và tìm thấy cảm giác yêu mến với những bản nhạc sâu lắng và không gian tĩnh lặng ở Chiều, anh nảy sinh ước muốn chia sẻ. Khi chiếc xe chở cô gái mà anh chàng này đang theo đuổi dừng trước mái hiên của Chiều, cô gái nhất định không chịu bước xuống. Thêm vào đó cô cảm thấy bị xúc phạm bởi dáng vẻ lụp xụp, tiều tụy của quán cafe mà anh chàng lãng mạn hồn nhiên kia dẫn cô đến. Chuyện tình sau đó không biết ra sao.
Hẳn là cũng có lúc anh Phát nản chí, có lúc không mấy ngó ngàng đến Chiều do gánh nặng cơm áo. Nhưng anh không bỏ Chiều. Chưa từng trong suốt hơn 20 năm qua. Giống như tình thân ruột thịt, dù xa nhau đến mấy, ghét bỏ nhau đến mấy thì huyết thống vẫn chảy rần rật trong huyết quản. Mối tình với âm nhạc đã sinh ra Chiều và tình yêu dai dẳng ấy cũng là thứ không thể nào nhạt phai.
Tất cả đều nhuốm màu thời gian ở Chiều. Ông cụ trong ảnh là thân sinh của anh Phát, nay đã 94 tuổi.
Chiều lâu rồi đã có một cộng đồng khách hàng không nhỏ, người trẻ tìm đến Chiều ngày một nhiều, bạn cũng ngày một lâu năm hơn. Ngày nay ngồi cà phê ở Chiều với một số là thói quen, với một số khác là cái gì đó gần giống như phong trào tìm kiếm sự mới lạ trong những thứ xưa cũ, một số không ít nữa là "sống chết" thế nào cũng phải ghé thăm mỗi khi đến Huế. Ngay hôm sau quay lại Chiều, tôi để ý thấy có một gương mặt quen quen, có lẽ là tôi gặp vào buổi chiều ở Chiều hôm trước. Chắc là có những người đến đây hằng ngày. Anh Phát giờ đã có nhiều bạn, nhạc tiền chiến giờ đã nhiều người yêu...
Đến với Chiều đa phần là người trẻ, khách quen đến đây thường lặng lẽ ngồi và không mấy khi gây ồn ào
Ngồi bên hiên, một cốc cà phê, một cốc trà, mấy điếu thuốc, thế là đủ cho một buổi chiều
Hạnh phúc đối với tôi đơn giản là được chào đón, được yêu quý bởi mỗi nơi tôi đến; là trên thành phố này, đất nước này hay cả thế giới này, mỗi vùng đất đặt chân đến tôi đều tìm được một nơi chốn cho riêng mình. Tôi tin rằng, nếu đã đồng cảm với nét dịu dàng pha lẫn trầm tư của Huế, hẳn bạn cũng sẽ tìm thấy thêm một người bạn khi ngồi dưới mái hiên của Chiều trong một buổi chênh chếch nắng.
Theo Tri thức trẻ