Đó là chủ đề của hội thảo do Ban chỉ đạo 33 - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế).
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thung lũng A So (A Lưới) được đế quốc Mỹ sử dụng làm sân bay dã chiến và nơi chứa chất độc đi-ô-xin để đem rải hủy diệt môi trường tại các chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong vòng 10 năm (1961 - 1971), huyện A Lưới đã phải hứng chịu 432,812 lít hóa chất diệt cỏ, trong đó sân bay A So là “điểm nóng” có hàm lượng tồn dư đi-ô-xin cao trong đất, làm ảnh hưởng đối với hệ sinh thái và con người sinh sống ở khu vực này. Đến nay, toàn huyện A Lưới có 4.227 đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đi-ô-xin; riêng xã Đông Sơn (nằm trong vùng sân bay A So) có 61 người bị tàn tật, bại não, thần kinh, liệt chân tay… Đặc biệt, trong đó có 27/157 trẻ em dưới sáu tuổi bị tàn tật và 243 người bị nhiễm chất độc da cam.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng hơn 75 cán bộ y tế thôn bản tại A Lưới đã được nghe đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo 33 trình bày tổng quan về đi-ô-xin và chất diệt cỏ (da cam/đi-ô-xin) được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam; những nghiên cứu về đi-ô-xin đối với sức khỏe của con người; con đường phơi nhiễm đi-ô-xin và danh mục các bệnh do nghi nhiễm đi-ô-xin gây ra..
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở, y tế thôn bản thôn, cũng như các tổ chức và nhà quản lý về tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin. Từ đó, giúp ích tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là giám sát xã hội đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh có nguồn gốc chất độc dioxin, đưa ra những cách nhận biết, phòng tránh các tác hại của đi-ô-xin đối với sức khoẻ con người, đi-ô-xin không tan trong nước, tồn tại lơ lửng trong không khí trong một thời gian và phát tán rộng rãi. Có tới 50-90% đi-ô-xin trong thức ăn được hấp thụ vào trong máu, 87% được hấp thụ qua đường ruột, phổi…
Nguy hiểm hơn, đi-ô-xin là loại hoá chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra được cho đến nay, với liều lượng 4-5 picogram (phần ngàn tỷ gram) đã có thể gây tác động đến sức khoẻ của người; vài chục nanogram (phần tỷ gram), có thể lập tức gây chết người.
Từ thực tế đó, nhiều đại biểu đã kiến nghị: người dân (đặc biệt là những người sống ở các vùng bị rải chất độc đi-ô-xin trong chiến tranh) cần nâng cao nhận thức về các giải pháp giảm nguy cơ nhiễm độc đi-ô-xin qua các hình thức, đặc biệt là trong thực phẩm và môi trường để có các biện pháp phòng tránh phù hợp; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với đời sống, sức khỏe của con người; đồng thời mong muốn có sự vào cuộc, quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chuyên ngành, các nhà khoa học để có những giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người và môi trường sống, đặc biệt là hạn chế những di chứng đối với các thế hệ con cháu của họ đang sinh sống trên vùng đất bị nhiễm chất độc này.
Theo nhandan.org.vn