Là tên gọi để chỉ một loại hình dịch vụ khá phổ biến mang tính lưu động của những người chuyên bán các mặt hàng như: cây cảnh, chổi, tạp hóa, thuốc diệt chuột, dăm bông cóc... nhiều nhất là sách, báo, văn hóa phẩm.
Hoạt động này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người nghèo, có vốn nhỏ, và đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng cho những “thượng đế” không rảnh việc để đến chợ, siêu thị mua sắm. Cần nói thêm rằng, bán dạo không phải bây giờ mới có, mà nó đã xuất hiện từ lâu gắn liền với nền văn minh lúa nước và phương thức sản xuất nhỏ tiểu nông, ở một chừng mực nào đó, nó là một nét văn hóa đáng yêu của người Việt. Duy chỉ có điều, xã hội càng phát triển thì hoạt động này cũng đa dạng và phong phú hơn, thậm chí “biến tướng” theo chiều hướng không có lợi cho đời sống tinh thần của cộng đồng (nhất là bán dạo sách báo, văn hóa phẩm...) trong những năm trở lại đây.
Là nơi có 2 di sản văn hóa nhân loại, một trong những trung tâm văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo lớn của khu vực và cả nước, Thừa Thiên Huế (chủ yếu thành phố Huế), bán dạo sách báo, văn hóa phẩm diễn ra thường xuyên, gần như có mặt khắp nơi từ sân ga, bến xe, những đường phố chính, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... đến các cổng trường THPT, ký túc xá đại học, các điểm tham quan du lịch (nhất là các di tích và thắng cảnh nổi tiếng) nên đối tượng phục vụ chủ yếu của những người bán dạo là học sinh, sinh viên (tầng lớp trẻ) và khách tham quan du lịch. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như những người bán dạo sách báo, văn hóa phẩm chỉ bán những mặt hàng văn hóa chính thống, có hình thức đẹp và nội dung lành mạnh; điều đáng nói ở đây là phần lớn những người bán dạo là những người không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập thấp, ở các địa phương khác đến, chủ yếu “lấy công làm lãi” từ hoa hồng của các đại lý, ông chủ - và vì vậy, muốn có thu nhập cao hơn, họ không ngại ngần gì không bán những cuốn sách lậu, những băng hình có nội dung độc hại, rất hấp dẫn với sự tò mò của tuổi trẻ, với giá rẻ (bán được nhiều, thu nhập cao). Với “kênh” thông tin này, những người bán dạo sách, văn hóa phẩm đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, cho các thế lực thù địch âm thầm và ngấm ngầm, làm băng hoại đạo đức xã hội (nhất là thế hệ trẻ); làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam “méo mó” trong con mắt của một bộ phận người nước ngoài. Rất nhiều dẫn chứng những vụ án đau lòng về bạo lực gia đình, về học đường... mà thủ phạm chính là những thanh niên (cả vị thành niên) có nguyên nhân từ những sản phẩm văn hóa độc hại thông qua những người bán dạo.
Tác hại của mặt trái hoạt động bán dạo sách báo, văn hóa phẩm đã rõ, nhưng xem ra nó vẫn là vấn đề ít được mọi người để ý, các cơ quan có trách nhiệm chưa thực sự quan tâm vào cuộc, dường như còn bỏ ngỏ.
Để kịp thời chấn chỉnh và từng bước đưa hoạt động bán dạo sách báo, văn hóa phẩm vào “tầm kiểm soát” của các cơ quan có trách nhiệm. Trước hết cần phải có sự thống nhất về nhận thức và phối hợp đồng bộ trong hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quản lý thị trường, nhất là chính quyền phường, xã, Đại học Huế và các trường thành viên trong việc kiểm tra, rà soát và phân loại đối tượng bán dạo (theo địa chỉ đăng ký thường trú, thường thuê ở trọ tập trung) để cấp thẻ (tức là nắm chắc nhân thân) và tuyên truyền, giáo dục về tác hại của sách báo, văn hóa phẩm độc hại, thông qua họ để tìm ra nơi cung cấp (nguồn) để xử lý nghiêm từ gốc, đồng thời thường xuyên theo dõi, tăng cường kiểm tra và xử phạt những vi phạm thuộc hoạt động bán dạo. Bằng những hình thức sinh động và lôi cuốn như tổ chức nói chuyện chuyên đề, hội thi, giao lưu. Đoàn Thanh niên của TP Huế, nhất là các trường THPT, các trường đại học là người chủ trì tổ chức để giới thiệu, trao đổi, tuyên truyền và giáo dục về tác hại khôn lường của các sản phẩm văn hóa độc hại đối với thế hệ trẻ, với đạo đức xã hội, để từ đó nâng cao tính tự giác và sức đề kháng – đó mới là yếu tố nội lực mang tính cốt lõi, lâu dài và bền vững nhất trong việc ứng xử với mặt trái tiêu cực của những sản phẩm văn hóa độc hại thông qua con đường bán dạo.
Theo TTH