Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Huy Tưởng: Tìm đến một mê cung
09:32 | 23/08/2013

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) qua đời ở tuổi 48, trong lúc ngòi bút đang sung sức, tài năng phát triển đến độ sắc sảo, nhuần nhị. Tôi không có may mắn được quen biết Nguyễn Huy Tưởng khi ông còn sống, nhưng luôn quý mến, trân trọng tài năng của ông...

Khi tác phẩm "Sống mãi với thủ đô" của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản, tôi viết bài giới thiệu trên Báo Nhân Dân về giá trị của cuốn sách. Sau khi tác phẩm "Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc" của tôi được ra mắt bạn đọc (năm 1962), tôi có ý định nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tôi trình bày ý định ấy với Giáo sư Phan Cự Đệ khi ông đã viết xong công trình về Ngô Tất Tố (cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Đàn). Giáo sư Đệ đồng ý và chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi và anh Đệ đến thăm bà quả phụ Nguyễn Huy Tưởng và bày tỏ ý tưởng của chúng tôi. Bà Nguyễn Huy Tưởng hoan nghênh và theo lời hẹn, bà cho chúng tôi đến nhà đọc một số tư liệu, ghi chép của nhà văn. Đó là những bản thảo chưa in, hàng chồng nhật ký được ghi chép theo năm tháng ngay từ khi tác giả còn rất trẻ, với nét chữ ngay ngắn, đều đặn. Tôi và anh Đệ đọc say mê hết cả buổi sáng và xin hẹn đến ngày hôm sau. Tôi tìm thấy trong đống sách còn bề bộn tập bản thảo tác phẩm "Cột đồng Mã Viện" chưa in, một vở kịch ngắn nhưng là điểm sáng về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng. Chúng tôi xin phép bà Tưởng xếp riêng những tập nhật ký thành một chồng, phần đã đọc và phần chưa đọc và để lại ngăn nắp trong tủ. Ngày hôm sau đến thì bà Nguyễn Huy Tưởng nói với chúng tôi: "Xin các anh thôi đừng đọc nhật ký của nhà tôi. Đó toàn là những chuyện riêng tư, chuyện gia đình, các anh đọc những tư liệu khác vậy". Chúng tôi nói: "Nghiên cứu cuộc đời một nhà văn cũng phải hiểu cái chung và cái riêng. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống riêng và qua đó để hiểu, để đánh giá, ca ngợi phẩm chất và nhân cách của người viết". Bà Tưởng vẫn nói: "Thôi, xin các anh đừng đọc vào phần nhật ký". Thực ra nhật ký Nguyễn Huy Tưởng có những đặc điểm hết sức phong phú, vừa mang những nét riêng, vừa gắn bó với cuộc đời chung. Sau này, anh Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chọn lọc và giới thiệu chu đáo nhật ký của tác giả, một phần quan trọng trong sự nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng. Từ nhà bà Tưởng ra về, chúng tôi băn khoăn về sự thay đổi ý kiến đột ngột của bà. Sau này được biết là khi chúng tôi ra về thì một nhà văn cao niên, bạn của Nguyễn Huy Tưởng đến chơi, thấy sách vở có phần bề bộn nên hỏi bà Tưởng. Bà kể lại việc hai chúng tôi tìm tài liệu, đọc nhật ký. Ông liền bảo: "Đừng cho bọn họ đọc".

Thôi đành vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Anh Đệ và tôi phân công nhau: Anh Đệ viết về thời kỳ trước Cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng và tôi viết về chặng đường sau Cách mạng. Tập sách được biên tập nhanh chóng. Hai phần viết cũng dễ hòa hợp, gắn bó và năm 1966, tập sách được Nhà xuất bản Văn học cho ấn hành. Tính đến nay đã gần năm mươi năm. Chắc chắn nếu tập sách được viết lại, được bổ sung sẽ có thêm nhiều ý kiến mới phong phú hơn, phù hợp với tài năng và những đóng góp xuất sắc của tác giả.

Trong những nhà văn xuất hiện vào thời kỳ trước Cách mạng, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng đều có trình độ Tây học, là những trí thức, nghệ sĩ có tài. Nguyễn Huy Tưởng không có một miền quê cụ thể, đất ngoại thành như Tô Hoài; xóm thợ Hải Phòng như Nguyên Hồng; phố nhỏ gần gũi của Bắc Ninh như Kim Lân. Cảm hứng của Nguyễn Huy Tưởng dường như không bắt đầu từ cái cụ thể mà từ những trang sử của dân tộc. "Quê hương" của Nguyễn Huy Tưởng, nơi tạo nguồn cảm hứng cho những trang viết chính là lịch sử của dân tộc. Tinh thần yêu nước được thức dậy từ những trang sử của một dân tộc kiên cường, suốt hàng ngàn năm lịch sử không chịu khuất phục ngoại xâm. Nếu như ở thời kỳ đó, viết sử người ta thường chú ý đến những tính cách nhân vật, đặc biệt không hẳn là chính diện như Trần Thủ Độ, Nguyễn Hữu Chỉnh, không hẳn là đoan chính như Bà Chúa Chè thì Nguyễn Huy Tưởng lại chọn những nhân vật có tính chất chính thống: Nếu là vua quan phải có tài năng đức độ, nếu là cung phi cung nữ phải có đạo đức nết na. Tuy nhiên, những trang viết của ông không phải là dòng nước xuôi chiều phẳng lặng mà luôn cuộn lên trong sóng dữ. Triều đình không phải là chốn bình an, nhất là khi có ngoại bang xâm lược. Nguyễn Huy Tưởng chủ yếu muốn nói lên lòng yêu nước của nhân dân. Tác giả cảm thấy tự hào trước lịch sử của dân tộc. Các tác phẩm lịch sử như "Vũ Như Tô", "Đêm hội Long Trì", "An Tư", "Cột đồng Mã Viện" đều là những câu chuyện, sự kiện của Đông Đô - Thăng Long…

Tác phẩm "Vũ Như Tô" được viết ra trong thời kỳ đất nước bị Nhật, Pháp xâm chiếm. Văn hóa rơi vào tình trạng bế tắc, tăm tối, không tìm được lối ra. Giữa lúc này Đề cương Văn hóa của Đảng xuất hiện đã đem lại những nhận thức mới, sức sống mới cho văn nghệ sĩ. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những thành viên của Văn hóa Cứu quốc cùng với Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Như Phong. Tác giả cũng như các nhà văn đồng nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của người cầm bút trong thời điểm lịch sử đặc biệt này. Nguyễn Huy Tưởng đã viết "Vũ Như Tô", chọn lựa hình ảnh một nghệ sĩ tài hoa, một kiến trúc sư không chấp nhận cộng tác với triều đình của hôn quân bạo chúa để xây dựng một Cửu Trùng đài nơi vua chúa hoan lạc. Thái độ ấy là đúng, nhưng rồi Đan Thiềm - một cung nữ có nhan sắc và nhiều trải nghiệm - đã khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài. Chuyện chơi bời hoan lạc của vua chúa chỉ là nhất thời, còn Cửu Trùng đài là vĩnh viễn, là niềm tự hào của dân tộc. Nhân dân sẽ biết ơn người nghệ sĩ. Lời khuyên khéo léo ấy của Đan Thiềm đã đẩy Vũ Như Tô vào một con đường phức tạp và dẫn đến sự kết thúc bi thảm. Xây dựng Cửu Trùng đài ngay từ buổi đầu đã rất tốn kém, nhân dân đau khổ, tốn nhiều công sức, thậm chí chết chóc, oán hờn dâng lên từ quần chúng và dẫn đến thảm kịch. Nguyễn Huy Tưởng muốn đặt vấn đề với người nghệ sĩ là phải biết chọn lựa. Tài năng phục vụ cho danh vọng cá nhân hay cho lợi ích của công chúng? Thước đo người giám định chính là nhân dân trong thời điểm hiện tại. Có tài năng nhưng đi không đúng hướng sẽ dẫn đến bi kịch. Hình tượng Vũ Như Tô được miêu tả có lúc lồng lộng cao đẹp nhưng khi trái chiều lịch sử, lại trở thành nạn nhân tan nát số phận. Vở kịch "Vũ Như Tô" là một đề tài lịch sử nhưng lại mang ý nghĩa hiện tại. Tác giả xử lý rất có tài năng về diễn biến của xung đột kịch, về tạo hình nhân vật, về việc cài sâu những triết lý tiềm ẩn trong hành động và ngôn từ của các nhân vật. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng cho rằng: "Vũ Như Tô là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Huy Tưởng trước Cách mạng". Nhà văn Kim Lân cũng nhận xét: "Với Nguyễn Huy Tưởng, tất cả có thể qua đi nhưng nổi bật lên và còn lại là Vũ Như Tô".

Trong các tác phẩm về đề tài lịch sử, "Đêm hội Long Trì" cũng gây một ấn tượng đặc biệt. Ở đây, tác giả khai thác những chuyện của lịch sử, tội ác của bọn hôn quân bạo chúa và khung cảnh một thời của sinh hoạt cung đình. Để thực hiện tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng đã phải một phần dựa vào sự thực của lịch sử và phần quan trọng là những suy nghĩ, cảm xúc, tưởng tượng, chủ quan. Do đó phong cách chủ yếu là phong cách lãng mạn. Chất lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng có khả năng tạo nên những bức tranh hoành tráng về đề tài lịch sử, tái hiện sinh hoạt ở cung đình đan xen giữa những yếu tố truyền thống dễ chấp nhận và những mặt tiêu cực của lối sống xa hoa, đan xen giữa những người tốt, quan lại liêm chính với những kẻ gian thần độc ác, xảo trá. "Đêm hội Long Trì" là một đêm hội nhiều màu sắc của cung đình. Nguyễn Huy Tưởng đã miêu tả sinh động không khí của một đêm hội văn hóa, có đàn sáo, có thi ca, có những người đẹp và văn nhân gặp gỡ, giao duyên. Tuy nhiên bức tranh xã hội tưởng như thanh bình, êm đẹp đó lại chứa đựng những mâu thuẫn nghịch cảnh mà nạn nhân không ai khác lại là những nhân vật yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ mình và bị xô đẩy trước cuộc đời.

Tác phẩm lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng có chất hùng tráng của những nhân vật anh hùng, của quần chúng yêu nước; có chất huy hoàng của những bức tranh hoành tráng; có cái đẹp thơ mộng của những cô gái quyền quý, vô tư trước cuộc đời và nhiều mơ ước... Tất cả góp phần tạo nên một mê cung hấp dẫn người đọc. Trong đó, "Vũ Như Tô" được xem là vở kịch thành công nhất của Nguyễn Huy Tưởng cũng như với những tác phẩm lịch sử trong giai đoạn này


Theo Hà Minh Đức - CAND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng