“Trên đường hướng về ngày mai của các nghề truyền thống Huế, tôi gặp được trúc chỉ” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bắt đầu tham luận của ông như thế tại hội thảo về nghề truyền thống Huế tháng 4-2013.
Trúc chỉ là cái tên do dịch giả Bửu Ý đặt nên. Trúc là tre, chỉ là giấy. Đó là một loại giấy được làm từ nguyên liệu cây tre, kết quả của hơn 10 năm lặn lội tìm kiếm và học hỏi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, sang tận Lào, Thái Lan của họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế.
Tinh tế của tre
“Trúc Chỉ là một đóng góp quan trọng cho việc khôi phục làng nghề truyền thống Huế. Trong tất cả các đề tài nghiên cứu của Trường đại học Nghệ thuật Huế thì đây là đề tài có tính ứng dụng cao nhất từ trước đến nay”.
TS Phan Thanh Bình |
Phòng trưng bày các sản phẩm trúc chỉ của Phan Hải Bằng và cộng sự đặt ở số 4 Triệu Quang Phục, TP Huế. Người xem không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng các sản phẩm như túi xách, đèn lồng, nón, giấy in tranh, giấy viết thư pháp… đều được làm từ cây tre.
Đã nhiều lần làm thử bằng các chất liệu như rơm, bèo, chuối, bã mía… nhưng không thành công, Hải Bằng thử sức với tre và nhận ra chỉ có tre mới đủ độ tinh để tạo ra được sản phẩm như ý muốn.
“Trên cơ sở quy trình làm giấy dó truyền thống, tôi dùng nguyên liệu tre thay thế nguyên liệu vỏ dó để tạo nên loại giấy này” - họa sĩ Hải Bằng chia sẻ. Bắt đầu là chẻ nhỏ tre ra rồi phân loại ruột, vỏ, sau đó ngâm với nước vôi suốt đêm, rồi nấu và nghiền thành bột giấy. Tiếp đó, đổ bột lên khuôn rồi cho vào máy ép khô nước.
Để tạo ra hình ảnh, hoa văn trên giấy, họa sĩ phải đặt hình ảnh đó lên trên giấy và phun nước trước khi phơi khô. Điểm đặc biệt ở đây, mỗi sản phẩm là một độc bản bởi các họa tiết in chìm trên đó có nét nghệ thuật độc đáo riêng. Họa sĩ dùng loại giấy đó để tạo nên các sản phẩm như túi xách, đèn lồng, nón, giấy in tranh, giấy viết thư pháp… và nhiều món hàng mỹ nghệ khác.
Trúc Chỉ nối kết các làng nghề
Ước mong về một sự kết hợp giữa trúc chỉ với nhiều làng nghề lại với nhau là điều mà Hải Bằng hướng tới. Nếu trúc chỉ chỉ tạo ra giấy và hoa văn thì chưa đủ. Cần có sự kết hợp với những sản phẩm thủ công của các làng nghề khác, như làng đan lát Bao La sẽ dùng tre tạo ra khung cho bức tranh bằng giấy trúc chỉ, hoặc có thể là in tranh làng Sình lên loại giấy này thay cho giấy dó.
“Trúc chỉ là giấy, nhưng không chỉ là giấy, mà đó là một sự kết hợp”. Họa sĩ Hải Bằng nói rằng mỗi làng nghề có nét độc đáo riêng, làm sao kết hợp hài hòa để cho ra một sản phẩm chung. Thông qua sự kết hợp này sẽ giúp các làng nghề thoát ra khỏi những tư duy cũ kỹ để đến với sự sáng tạo mới.
“Trong mắt tôi, trúc chỉ là một sản phẩm tuyệt vời bởi các lẽ sau: kết hợp giữa trí thức, nghệ sĩ với người lao động, kết hợp được nhiều ngành truyền thống, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Vừa có nghệ thuật truyền thống vừa có giá trị kinh tế thị trường. Thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, có khả năng tạo ra nhiều mặt hàng mới, có thể chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất...” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã kết lại như thế.
Theo PHAN THÀNH ( TTCT)