Với “cái nhìn lạ hoá, mới mẻ, vừa độ lượng vừa sắc sảo, chừng mực mà không thiếu những bay bổng mạo hiểm” (Khánh Phương), tập truyện đã nhận được niềm khích lệ hồng hậu từ mỗi thành viên tham dự. Đấy xem như là sự “nhìn lại” đáng quý khi mà hầu hết các truyện trong Bóng chiều hôm đã được đăng trên các tờ báo văn nghệ uy tín; đặc biệt 2 truyện ngắn “Về làng” & “Nước nhảy lên bờ” đã được Sông Hương tặng thưởng dành cho tác phẩm hay đăng trên Tạp chí năm 2008.
“…Tôi đọc những truyện ngắn của Mừng trong tập này với ám ảnh từ xưa, như người khát sau chặng vượt Đại trường sa giữa trưa tháng sáu và tôi như được uống cả gàu nước lá vằng vừa thơm vừa đắng vừa ngọt. Quá đã! Mừng viết, Mừng kể chuyện gió Lào, chuyện cát bay, chuyện chạy lụt, chuyện lên rú săn chồn, chuyện mùa cá rải, chuyện vùng quê đến đu đủ cũng không sống nổi mà chỉ có cây tre mà có khi cũng sống ngắc ngoải. Mừng viết, Mừng kể chuyện đời chú Gàn, đời thằng Thỉ, đời chị Mịn, đời chú Rìu và chính đời Mừng… Chuyện cái chết của con trâu ve, cảnh chôn con chó Vàng… Dung dị, rởi rải, như có chi nói nấy, tiếng đặc sệt quê mùa, giọng điệu dân dã lùm bụi mà đọc nghe nhức buốt ruột gan. Đã lâu lắm tôi mới được đọc một tập truyện ngắn khiến tôi xúc động như vậy. Cảm ơn Nguyễn Đặng Mừng!” (Trích Lời tựa của Nhà văn Tô Nhuận Vỹ).
“… Văn chương Nguyễn Đặng Mừng hiện thực, chân thực, ngay thẳng, về khuynh hướng, có thể xếp chung với dòng sáng tác thời kỳ Đổi mới (từ 1986). Bên cạnh những tên tuổi đã quen thuộc với độc giả: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo… có thể nhận thấy nét độc đáo mới lạ của một văn phong hồn hậu mãnh liệt – Nguyễn Đặng Mừng, cùng với những Ngô Phan Lưu, Nguyễn Ngọc Tư… mặc dù quan niệm về hiện thực của họ dừng ở nhiều cấp độ tư duy khác nhau. Bóng chiều hôm hấp dẫn và đặc sắc ở lối kể chuyện Miền linh động dựa trên tính nhân đạo…” (Trích Lời bạt của Giáo sư Đặng Tiến) S.H
|