Tạp chí Sông Hương -
Người hâm mộ 87 tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
07:45 | 16/04/2014

Ở vào tuổi gần 90, hàng ngày ông Vũ Khắc Tiếp vẫn cặm cụi dịch bộ truyện "Kính vạn hoa" của Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Pháp.

Người hâm mộ 87 tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Ông Vũ Khắc Tiếp 87 tuổi vẫn miệt mài dịch Kính vạn hoa sang tiếng Pháp.

Kính vạn hoa ra mắt những tập đầu tiên năm 1995, khi các cháu ông Tiếp đang độ tuổi thơ, thế là cứ đều đều, ông mua từng tập của bộ truyện về cả ông và cháu cùng đọc, cùng say mê. Những nhân vật Quý Ròm, nhỏ Hạnh, Tiểu Long... đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ông. Ông chia sẻ, điều khiến ông thích nhất trong bộ Kính vạn hoa là tác giả đã xây dựng rất nhiều nhân vật nhưng mỗi nhân vật đều có cá tính đặc trưng, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Trong tất cả các tập truyện trong bộ Kính vạn hoa, thì tập 18 - Cuộc so tài vất vả - là tập ông thích nhất bởi nhiều tình tiết bất ngờ thú vị.

Tuổi cao, sức yếu, tai đã nặng nhưng mắt ông vẫn còn tinh anh. Hàng ngày, trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể cũ phố Vĩnh Hồ (Hà Nội), ông vẫn cặm cụi dịch sách từ 8h sáng đến 10h đêm. Buổi trưa, sau khi ăn xong, có hôm ông nghỉ, có hôm lại ngồi dịch sách. Bên cái bàn nhỏ, cùng chiếc kính lúp, ông cặm cụi làm việc. Dù tay đã run, nhiều khi phải giữ tay mới viết được chữ, mỗi ngày ông Tiếp vẫn dịch được khoảng 3 trang giấy. Ông dịch nhanh, nhưng không thể viết được nhanh.

Sinh ra và lớn lên thời Pháp thuộc, trong một gia đình có truyền thống gia giáo, cha ông từng đỗ cử nhân Hán học và làm tới chức Huấn đạo (phụ trách việc học hành trong một huyện), ông được đắm mình trong môi trường tiếng Pháp ngay từ nhỏ. Từ lúc 6 tuổi, ngay khi bắt đầu đi học ở Nam Định, ông Tiếp đã phải sử dụng hoàn toàn tiếng Pháp ở trường. Sau khi tốt nghiệp Tú tài (ở Hà Nội), ông theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trong môi trường quân ngũ, ông vừa chiến đấu, vừa làm công tác địch vận, giáo dục tù binh.

Năm 1958, ông Tiếp bắt đầu học Đại học Bách Khoa, khoa Cơ khí. Sau đó, ông công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi Văn phòng Quốc hội. Nhưng tất cả những việc ấy đều không "dính dáng" đến văn chương, đó là điều mà cho đến nay ông vẫn cảm thấy hối tiếc. Những tác phẩm văn học Pháp kinh điển như Những người khốn khổ, Không gia đình, Thằng gù nhà thờ Đức Bà... đã nuôi dưỡng tâm hồn ông trong suốt chặng đường gian khó và trong những công việc chuyên môn kỹ thuật khô khan. Đến bây giờ, khi đã đi đến chặng cuối của cuộc đời, ông mới thực sự được sống trọn với niềm đam mê của mình: văn chương và dịch thuật. Và tác phẩm ông chọn, chính là Kính vạn hoa - bộ truyện mà ông cháu ông từng say mê một thời.

Cho đến nay, ông Tiếp đã dịch xong 9 tập (trên tổng số 54 tập) của bộ truyện. Ông chia sẻ, với tốc độ dịch hiện nay, ông hoàn toàn có thể hoàn thành mỗi năm một cuốn dày (bộ Kính vạn hoa in thành 5 cuốn). Ông cảm thấy, càng ngày ông dịch càng "lên tay", văn phong uyển chuyển hơn so với những tập đầu. 

Phương châm dịch của ông là giản dị, không gò bó về mặt câu chữ, chuyển ngữ đúng theo ngữ điệu tiếng Pháp, thể hiện đúng tính cách nhân vật, nhất là những nhân vật chính, giữ nguyên tính châm biếm, đùa cợt, vui nhộn... của tác phẩm.

Ông hy vọng rằng, khi bộ sách được xuất bản bằng tiếng Pháp, trẻ em trong cộng đồng Pháp ngữ và đặc biệt là trẻ em Việt Nam trong những gia đình nói tiếng Pháp có cơ hội được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.

Theo Phùng Hà - vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng