Khái niệm nhà văn làm báo chắc không phải là chuyện lạ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Cánh cửa mở ra cho nhà văn tung hoành trên “sân cỏ” báo chí không đơn thuần là chuyện “cơm áo không đùa...” mà vì nơi đây, nhà văn thể hiện mình ở nhiều góc độ khác nhau, hiểu từ hai phía, nhu cầu biểu lộ tâm trạng của họ và nhu cầu của đời sống đất nước và nhân dân đòi hỏi ở họ. Trong cơ chế của ta hiện nay, những nhà văn có hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhiều người được xếp vào thang bậc của báo chí. Ða số, ngoài thẻ nhà văn, còn có thẻ nhà báo, có người lại có cả hai loại thẻ báo chí: thẻ do Bộ VHTT cấp và thẻ do Hội Nhà Báo Việt cấp. Họ là phóng viên, biên tập viên, trưởng ban này ban nọ hoặc là phó tổng chánh tổng biên tập của một tờ báo, tạp chí. Trường hợp của các nhà văn công tác tại các hội VHNT địa phương thì cũng vậy. Ngoài việc săn sóc tờ báo nhà, nhiều người còn viết cho các báo trong tỉnh và báo chí trung ương. Nhà văn viết báo, không chỉ viết những bài báo theo các thể tài báo chí dù ngay chính những thể tài ấy, họ cũng tìm cách này cách nọ phả cái sở trường văn chương của mình vào. Chính phẩm chất văn chương được khơi gạn đúng cách đã ân sủng cho họ một số ưu thế và đặc trưng trong hoạt động báo chí. Nhà thơ Văn Công Hùng ở Tây Nguyên không là trường hợp ngoại lệ trong thế giới nhà văn hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng muôn hồng nghìn tía hôm nay. Ai cũng biết, anh là tác giả của các tập thơ và trường ca Bến đợi, Hát rong, Hoa tường vi trong mưa, Ngựa trắng bay về, Gõ chiều vào bàn phím...với những thao thiết của dã quỳ vàng, của thông xanh, xoan tím, phượng hồng, những gió và nắng, những bùn lầy và cát bụi, những cần rượu và cồng chiêng, âm hưởng của vùng đất Tây Nguyên anh đang sống, của vườn Thanh tuổi thơ, của xứ Huế quê nhà, của phương Bắc trời Nam hay các ngả đường miền Trung mà anh thường xuyên rong ruổi. Những đề tài thơ ca của anh, những vùng đất thơ ca của anh lại đi về dưới ngòi bút linh hoạt bằng những thể hiện khác, những chiều kích khác trong những trang phóng sự, tản văn, tùy bút, bút ký, ghi chép suốt mấy chục năm bươn bả, trình làng (đếm không xuể) trên hàng bao nhiêu tờ báo, nhiều nhất là ở các báo Văn Hóa, Văn Nghệ trẻ, Nhân Dân hằng tháng... Giờ là lúc những trang văn rời khỏi ngôi nhà báo chí mà nó cư trú, về tề tựu (có chọn lọc) trong một tập văn xuôi nhan đề Mắt cao nguyên. Anh viết báo bằng một giọng văn riêng của Văn Công Hùng. Hay nói đúng hơn, anh tìm cách se mối tơ hồng giữa tài văn của mình và những tờ báo mình tâm huyết cộng tác, ở phía nhạy cảm nhất, lương duyên nhất của hai lĩnh vực, để có thể làm văn chẳng chỉ trên các báo văn hóa văn nghệ mà ngay trên các trang báo thời sự chính trị xã hội. Chính vì vậy, những tác phẩm của anh đã tìm được chút tri âm tri ngộ, sẻ chia giữa hai lằn ranh thời khắc và mùa màng, giữa một ngày và trăm năm. Ðọc văn xuôi Văn Công Hùng, ở góc độ nào đó là nghe thêm tiếng gọi của thơ ca trong một chiều kích khác, chiều kích của những chất liệu văn hóa, những hình thể của hiện thực cuộc sống hiện đại và truyền thống, dân tộc và nhân loại, đan xen vào nhau, lan tỏa trong từng mạch của tư duy, của cảm xúc. Với anh, sự nồng nhiệt, hồ hởi, dốc cạn lòng mình, là những điều không thiếu, đôi lúc cần phải vươn cổ giang tay nữa. Nhưng sự đằm thắm luôn ẩn nấp đâu đó để khi cần thiết thì nó hiện ra, không chỉ là hơi ấm của bàn tay mà còn là tiếng thở sắt son của dòng suối nguồn cội. Thì ra, đối với người cầm bút chân chính, nguồn cội là cái luôn tiềm tàng trong tim óc, khi bắt gặp những cơ duyên của hiện thực đời sống, nó sẽ sẵn sàng bước ra ánh mặt trời để giãi bày và chia sẻ. Mắt cao nguyên là tập văn xuôi dung chứa tâm sức của cả ba nhà: một nhà thơ Văn Công Hùng mẫn cảm dâng trào theo hình ảnh, nhạc điệu, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Văn Công Hùng luôn đào sâu vào những vốn cổ và nỗi bức xúc gan ruột của tiếng nói bảo tồn, chấn hưng, một nhà báo Văn Công Hùng xông xáo, nhiệt huyết mong muốn người cùng thời sẻ chia và Nhà đương cục lắng nghe thiện chí của mình. Cùng song hành với ba nhà đó là một con người mang những tín niệm nghệ thuật nghiêm trang và thoáng đãng, ở mức độ nào đó, biết lao tâm khổ tứ trong hành trình rong chơi và biết rong chơi trong hành trình lao tâm khổ tứ. Ðan xen trong những dòng văn viết về hôm nay là những hoài niệm, hồi ức, cái chớp mắt giữa ngày dài tháng rộng đã vương vấn cả một khung trời, giọt rượu nồng trong mây gió nước non đã neo mùi hương vào cổ tích. Dù không ai níu kéo thời gian quay lại được nhưng kỷ niệm thì còn mãi. Hình như Văn Công Hùng tìm cách lưu giữ những kỷ niệm như những báu vật trong cuộc đời rất nhiều gió bụi của đường trường và rất nhiều biến chuyển sâu sắc khi đất nước và thế giới vắt mình qua hai thiên niên kỷ. Những điều này, anh cũng đã thể hiện trong thơ. Nhưng văn xuôi có đặc trưng riêng, có cái tung tẩy, miên man của nó để anh nói thêm những điều cần nói. Cả chất giọng hóm hỉnh �hu-mua� của anh cũng được khai thác triệt để. Quen biết nhau đã gần ba chục năm nay, Văn Công Hùng và tôi thường gắn bó với nhau trên những chặng đường công tác, ra Bắc vào Nam, không thiếu những cửa ga, bến cảng, sân bay và quấn quít cùng những chân trời mới lạ là những nỗi niềm canh cánh cho văn chương, học thuật. Thế hệ những người cầm bút như chúng tôi, mới đó mà đã hoa râm, đôi thoáng chốc bất chợt ngậm ngùi nhìn những sợi tóc trắng ngui ngút nhớ thương một thời tuổi trẻ. Ấy là những năm tháng thiếu cơm, ăn độn bo bo và mì sợi, đói rã ruột nhưng vẫn đều đều sáng sáng lên giảng đường, chiều chiều ngồi thư viện ngấu nghiến say mê những pho sách nghìn trang, tối tối giành cho những vần thơ đầy khát vọng giữa xứ thơ sông Hương núi Ngự. Nói vậy không phải để ôn nghèo kể khổ mà để các thế hệ sau, thế hệ con cháu chúng tôi, khi nghe kể có thêm một nhân chứng để tin chứ đừng bảo cha ông mình nói trạng, tội lắm. Mơ ước khi ra trường ăn được bữa bánh bèo nậm lọc thoải mái mà không ký sổ nợ, nói như Văn Công Hùng là một mơ ước... vĩ đại của thời sinh viên gian khổ và rất nhiều mộng mơ. Xa Huế, chúng tôi kẻ đầu non người cuối bể, nhưng năm nào cũng có dịp gặp nhau, khi Quy Nhơn, khi Pleiku, khi Hà Nội, khi TP. Hồ Chí Minh, khi Thái Bình, khi Cần Thơ, khi Sầm Sơn, khi Ðà Lạt, khi Hội An, khi Nha Trang, khi Long An... Dù trong hội nghị complet cravat, bên chiếu rượu quần lửng áo thun hay hành hương qua các danh lam thắng cảnh, thỉnh thoảng ghé vào quán cóc, khó ai nghĩ Văn Công Hùng không phải không thuộc giới...! cần lao. Anh làm việc mướt mồ hôi, không ngơi tay không ngơi chân và không ngơi... miệng, hết quay phim, chụp ảnh, mở máy vi tính xách tay hoạt động tác nghiệp cho đến việc thường xuyên khuấy động không khí cho nóng lên, tưng bừng lên, hả hê lên. Cái khổ và cái vui của một người nhiều đa mang trắc ẩn, nhiều bình diện hoạt động, nhiều lúc đan xen đến mức không phân biệt được, làng văn làng báo cho là nhiệm vụ, dân chúng cho là... bí hiểm, vợ con cho là... trời hành, bản thân lúc cho là nghề khi cho là nghiệp, tiện thể thêm chữ chướng vào sau chữ nghiệp cũng tốt. Ngay như việc ăn một trái ớt, nhìn một sắc hoa tím, nghe một trái bóng lăn, cũng ngẫm cái lý của xứ này xứ nọ, tính cách này tính cách khác, hồi tưởng này ký ức kia... Rồi đêm đêm, cứ kỳ cạch cày cày xới xới với cánh đồng chữ nghĩa, cười một mình, khóc một mình, rung động một mình, cô đơn (cái này chắc chắn cũng đúng... một mình), cho hoàn tất kịp đúng kỳ báo, không lơ là thoái thác được. Nghe nói ngày xưa cụ Tản Ðà được ông chủ bút báo Nam Kỳ mời vào Sài Gòn làm báo, cụ bao tất tần tật từ A tới Z, nhưng đúng hạn tới hỏi bài thì cụ mắng rằng ông mướn tôi viết văn hay bổ củi. Nếu bổ củi thì xong nhưng viết văn phải chờ có cảm xúc. Tất nhiên, tôi không đem thi sĩ tài tử kiệt xuất Tản Ðà để so sánh, nhưng cái lý muôn đời của văn chương thì không hề loại trừ kẻ hậu sinh tài hèn đức mỏng hơn cụ. Văn Công Hùng (và một số nhà thơ làm báo hôm nay) nếu không muốn vận dụng câu trả lời của Tản Ðà trích trên thì phải tự gọi cảm xúc về, chưa có thì hú ba hồn bảy vía cho nó có để nó yểm trợ cho những trang văn sinh sắc và... đúng thời hạn. Trong tập Mắt cao nguyên này, trong ngồn ngộn hàng trăm bài báo, Văn Công Hùng đã tự chọn lọc và tước bỏ cái phần thời sự đi rất nhiều. Thời sự ở đây, ý tôi muốn nói là kiểu tin tức tân văn, chứ không phải ý nghĩa thời sự vĩnh cửu của đời sống tác phẩm mà ở mọi thời, văn chương đều cần có. Dĩ nhiên, tôi làm sao diễn tả hết những cảm nhận về tập Mắt cao nguyên, kể cả việc yêu mến bọc lót một vài (trong cơ man) kỷ niệm với tác giả của nó. Tôi biết, kẻ đồng điệu với Văn Công Hùng trên cuộc đời này cũng không phải hiếm. Có người trân trọng chép thơ anh trong sổ tay. Có người cắt một bài viết của anh, dán vào lưu bút. Có người, nhác thấy tên anh trên báo, liền dùng tin nhắn di động bắc cầu chia sẻ. Có người đọc thuộc lòng một đoạn văn giàu chất thơ của Văn Công Hùng. Vân vân... Họ ở nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, có em học sinh quàng khăn đỏ cũng như có cụ già quá ngưỡng cổ lai hy. Như thế, với một nhà thơ luôn tận tụy và hào hiệp làm báo bằng văn, còn gì sung sướng bằng. Ðến đây, tôi chợt nhớ chút bâng khuâng của sương khói cao nguyên, chút bâng khuâng mà Văn Công Hùng đã thú nhận nó lưu giữ anh lại khi có lần anh muốn dứt áo ra đi. Ý niệm về món nợ ở đời của người cầm bút thật là son sắt, thật là vi diệu. Nhà thơ ấy rất thơ với những món nợ thật mơ hồ và cũng thật rạch ròi, được anh thể hiện hết sức chân thành với trời đất, núi sông và cõi người. Chúng ta có thể lắng lòng nghe những mối nghĩa trọng tình thâm như vậy, bên trong những tầng ý nghĩa của ngôn từ... để khi khép tập sách lại, đâu đó trong đời, chúng ta bắt gặp ánh Mắt cao nguyên... Nguyễn Thanh Mừng (Nguồn: SH 11.2006) |