Từ ngày 28/4, các sử gia Tây Ban Nha sẽ sử dụng công nghệ ra-đa để thăm dò vùng đất bên dưới một tu viện cổ ở trung tâm Madrid, nhằm xác định nơi chôn cất nhà văn Miguel de Cervantes, tác giả cuốn tiểu thuyết Don Quixote lừng danh, và giải mã được nguyên nhân cái chết của ông.
Trước khi qua đời cách đây gần 400 năm (ngày 23/4/1616) ở tuổi 69 trong tình trạng không một xu dính túi và hầu như không được biết đến, Cervantez yêu cầu thi hài ông được chôn trong khuôn viên tu viện Trinitarians gần nhà mình ở Barrio de Las Letras, Madrid.
Xác định hài cốt không quá khó khăn
Đây chính là tu viện đã hỗ trợ trả khoản tiền chuộc, để ông thoát khỏi cảnh nô lệ và tù đày, sau khi ông bị cướp biển Bắc Phi bắt giữ trong lúc đang trên đường trở về Tây Ban Nha.
Tu viện này hiện vẫn tồn tại và là nơi cư ngụ của khoảng 10 bà sơ sống ẩn dật, với người trẻ nhất trong số đó đã 85 tuổi. Tuy nhiên, hài cốt của Cervantes đã bị thất lạc từ năm 1673, khi tu viện tiến hành mở rộng. Người ta nói rằng trong thời gian đó, hài cốt của ông đã được đưa tới một tu viện khác trước khi trở lại Trinitarians. Song giờ đây đã chẳng còn dấu tích gì về nơi chôn cất thi hài ông.
“Chúng tôi tin có thể tìm được nơi yên nghỉ cuối cùng của Cervantez và xác định được hài cốt của ông. Giờ chúng ta đã có công nghệ tiên tiến để tìm kiếm và thực tế cho thấy nó không quá khó khăn” – sử gia Fernando de Prado, người đã vận động hành lang từ rất lâu để được chính quyền thành phố Madrid cho phép tổ chức cuộc tìm kiếm này, cho biết.
Trong giai đoạn đầu, các nhà khảo cổ sẽ dùng ra-đa xuyên đất để kiểm tra vùng đất lâu đời nhất của tu viện, bên cạnh việc thăm dò các bức tường trong các nhà nguyện và hầm mộ. Công việc này do Luis Avial điều hành. Ông là người đã giám sát việc khai quật hàng chục ngôi mộ thời nội chiến Tây Ban Nha. Sau khi tìm thấy nơi chôn cất Cervantez, các nhà khảo cổ sẽ tiến hành khai quật để tìm hài cốt nhà văn.
Cervantez được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết hai tập Don Quixote de la Mancha (Don Quixote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha). Được xuất bản lần lượt vào 2 năm 1605 và 1615, đây đã được coi là một tuyệt phẩm châm biếm, trào phúng, tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu, một trong những tác phẩm văn học phương Tây xuất sắc nhất mọi thời đại. |
Theo tư liệu, trong trận đánh này, Cervantez đã bị bắn vào ngực và bàn tay trái, do vậy trong suốt 45 năm còn lại của cuộc đời, ông hoàn toàn không thể sử dụng bàn tay trái. Qua đó, việc xác định hài cốt của ông sẽ đơn giản hơn, vì bàn tay trái của ông đã bị thương nặng.
“Cánh tay trái của ông đã bị teo lại và vết thương ở lồng ngực khiến hài cốt của ông dễ nhận biết hơn. Qua một bức tranh vẽ Cervantez, chúng tôi còn biết ông có cái mũi khoằm và lưng gù. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, Cervantez viết rằng ông chỉ còn lại 6 cái răng. Quá trình tìm kiếm này có lẽ phải mất nhiều tháng nhưng chúng tôi hy vọng có kết quả vào cuối năm nay” - ông Fernando de Prado nói.
Sẽ tái dựng gương mặt nhà văn
Dự án tìm kiếm hài cốt Cervantes sẽ giúp các chuyên gia pháp y tái dựng được gương mặt của ông, vốn chỉ được biết đến qua bức vẽ của nghệ sĩ Juan de Jauregui, khoảng 20 năm sau khi nhà văn qua đời.
Xác định được hài cốt của Cervantez còn giúp các nhà nghiên cứu biết được có đúng là nhà văn đã uống rượu say đến mức tự đặt mình vào huyệt hay không. Hiện nay, nhiều người vẫn tin rằng ông chết do bệnh xơ gan và từng bị các đối thủ chỉ trích là kẻ nghiện rượu khét tiếng.
“Xác định được hài cốt không chỉ giúp chúng ta biết được chân dung, tướng mạo Cervantez ra sao, mà còn làm rõ nguyên nhân cái chết của ông. Người ta nói rằng cuối đời Cervantez rất ốm yếu, tuy nhiên ông vẫn viết lách rất khỏe” - Fernando Prado cho biết.
Đối với Tây Ban Nha, đây là một trong những dự án văn hóa quan trọng nhất từ trước đến nay được tiến hành. “Giờ đã tới lúc Tây Ban Nha tìm kiếm hài cốt thiên tài văn học của mình, người được thế giới ghi nhận là “cha đẻ của tiểu thuyết hiện đại”. Cuộc tìm kiếm này chưa biết có thành hay không, nhưng chúng ta nhất định phải cố gắng” - Pedro Corral, hội viên Hội đồng Văn hóa Tây Ban Nha nói.
Theo Việt Lâm - TT&VH