Sau giải phóng, tỉnh TT-Huế nằm trong những địa phương nghèo, hạ tầng, dân sinh còn nhiều khó khăn. Qua gần 40 năm xây dựng, đến nay đã có những bước phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cao, hệ thống hạ tầng đồng bộ, bộ mặt các đô thị, nông thôn ngày càng khang trang... Hiện, tỉnh đang hoàn thiện đề án đưa TT-Huế trở thành đô thị loại I và TP trực thuộc Trung ương trong năm 2014.
Ngành Xây dựng - chủ lực trong phát triển đô thị
Đô thị TT-Huế phát triển nhanh một phần nhờ sự đóng góp tích cực của ngành Xây dựng tỉnh. Trong đó, Sở Xây dựng TT- Huế là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển đô thị, nhà ở và công sở, kinh doanh BĐS, VLXD và các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, Sở làm tốt công tác tham mưu, giám sát, chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ được tỉnh giao. Đến nay, hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, diện mạo đô thị có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng đô thị được nâng cao. Qua đó, toàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V, tất cả quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 52%, trong đó ở TP Huế, các thị xã có tỷ lệ đô thị hóa khá cao. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết (quy hoạch phân khu) so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt trung bình 70%, quy hoạch chi tiết đạt 12%. Các xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới 92/92 xã, đạt 100%. Trong 8 KCN đã có 16 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch chung trên 1.519ha và tổng diện tích quy hoạch chi tiết trên 2.672ha.
Triển khai tốt công tác giải tỏa, chỉnh trang sông Ngự Hà, sông Kinh Long, An Cựu, Phú Cát, các cửa Ô, tuyến đường Đống Đa, Điện Biên Phủ… Nâng cấp vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, công viên làm tăng mỹ quan, giữ gìn cảnh quan, môi trương đô thị. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hướng tới xây dựng TP lịch sự, sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường.
Số người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt trên 60%, trong đó người dân đô thị đạt trên 89%, riêng TP Huế 99,5%.
Vững bước lên TP trực thuộc Trung ương
Hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư nâng cấp đã nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,2%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.700 USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đ/năm. Chương trình xóa nhà tạm, tái định cư dân thủy diện trên sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với hơn 2.000 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 54.000 tỷ đồng, trong đó năm 2013 đạt trên 13.700 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng mới cầu Dã Viên đã đưa vào sử dụng, nâng cấp hệ thống cầu qua sông An Cựu, sông Đông Ba… Hoàn thành chỉnh trang một số trục đường chính trong TP. Tái định cư gần 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương. Tiếp tục đầu tư một số trục giao thông chính trong KĐTM An Vân Dương. Hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, nâng cấp hè phố, điện chiếu sáng... ở đô thị TX Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Phú Đa, Thuận An, thị trấn Sịa… được đầu tư, nâng cấp đáp ứng phát triển đô thị. Hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị đang được tập trung đầu tuyến tỉnh lộ 16, 12B kết nối Huế - Tứ Hạ - Bình Điền, đường Nguyễn Chí Thanh (kết nối Huế - Hương Trà - Quảng Điền)… Hoàn thành trục giao thông Thuỷ Dương - Thuận An kết nối đô thị Thuận An với TP Huế và TX Hương Thủy. Hoàn thành đường La Sơn - Nam Đông giai đoạn 1. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố hóa. Hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, khởi công nâng cấp QL1A đoạn qua TT-Huế và hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia.
Nguồn baoxaydung.com