Tạp chí Sông Hương -
Đại tướng bên bàn làm việc
17:09 | 29/04/2014

Đây là tên một tác phẩm điêu khắc chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được chú ý đặc biệt trong những ngày này.

Đại tướng bên bàn làm việc
Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong triển lãm

Một bức tượng đặc biệt

Triển lãm “Điện Biên Phủ - Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật” khai mạc sáng 27/4 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Triển lãm có quy mô khiêm tốn với hơn hai chục tác phẩm hầu hết mới công bố. Hình ảnh Đại tướng đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, các tác phẩm mới cũng không tham vọng vượt qua điều đó.

Thân thuộc song vẫn hết sức đặc biệt. Đó là ý kiến của người xem khi chiêm ngưỡng bức tượng “Đại tướng bên bàn làm việc”. Tượng làm bằng chất liệu silicon, theo tỷ lệ 1:1, mô phỏng Đại tướng đang ngồi làm việc, mắt hơi nhìn xuống rất có hồn. Đại tướng mặc áo lính, vai đeo quân hàm, một tay đặt trên cuốn sách bìa đỏ. Tay kia cầm bút, đang dừng viết để suy tư.

Nhà điêu khắc Trần Văn Thức, tác giả bức tượng cho biết đã có ý tưởng khắc hoạ chân dung Đại tướng từ rất lâu rồi. Sinh nhật cuối cùng của Đại tướng, anh tới nhà riêng thăm ông và đề xuất ý tưởng. Ông lúc đó tuy mệt song vẫn rất anh minh.

Sau khi Đại tướng từ trần, anh Thức lập tức bắt tay vào sáng tác. 6 tháng, 10 tác phẩm, 8 cái đưa vào triển lãm. Tâm huyết nhất cũng thành công nhất chính là bức tượng Đại tướng ngồi làm việc.

Để hoàn thành tác phẩm này, tác giả đã dựa trên rất nhiều tư liệu ảnh Đại tướng lúc sinh thời, tham gia các hoạt động tưởng niệm ông. Trong quá trình đi về quê Đại tướng, những câu chuyện kể làm tăng nguồn năng lượng trong anh. Anh miệt mài chỉnh sửa, chắt chiu từng chi tiết cho tới khi hoàn thành tác phẩm.

Anh Thức cho biết “Mọi thứ cứ thay đổi liên tục, dần dần cũng cảm nhận được điều mình muốn. Đó là làm sao lột tả hết tinh thần của Đại tướng”. Mục đích cuối cùng là cho công chúng thấy hình ảnh Đại tướng hào hùng mà trầm lắng, cũng rất đời.

Tinh thần của vị Đại tướng nhân dân

“Giống thật. Nhất là đôi mắt, rất có hồn”. Một sinh viên kiến trúc thốt lên sau hồi ngắm nghía tượng Đại tướng làm bằng chất liệu silicon.

Theo lời Trinh, sinh viên tình nguyện của triển lãm, thì hầu hết mọi người lúc bước vào đều có chung phản ứng. Ai cũng khen tượng “giống quá, giống hệt” Đại tướng “văn đức quán nhân tâm” (Lấy “văn đức” để chinh phục nhân tâm cả nhân loại - Lời chúc thọ của giáo sư Vũ Khiêu).

“Lúc dựng chân dung Đại tướng, tôi muốn chỉnh ánh mắt sắc lên cho khỏe mạnh, thể hiện hào khí của một vị tướng. Rất ít người ủng hộ vì ngoài đời Cụ rất hiền. Mình tin vào trực giác qua xem các ảnh tư liệu thấy tinh thần Cụ rất khỏe. Như một nhà báo nước ngoài có nói, Đại tướng luôn có lửa ngầm bên trong”

Nhà điêu khắc Trần Văn Thức

Nói “hầu hết” bởi cũng có ý kiến trái chiều. Một hướng dẫn viên của bảo tàng (xin giấu tên) đã “trực tiếp gặp bác Giáp nhiều lần”, vào gian trưng bày với tư cách khách tham quan, khẳng định “tượng không có thần thái của Đại tướng.

Là Đại tướng nhưng mắt bác rất hiền và gương mặt rất phúc hậu. Nhìn qua hoặc ai chưa gặp, hoặc mọi người xem trên ảnh có thể thấy giống, nhưng từng gặp trực tiếp thì không thấy giống. Bác Giáp rất khác thường (đặc biệt), không bình thường như mọi người”.

Được hỏi về ý kiến này, anh Thức nhận định rằng: “Nghệ thuật tùy vào cái nhìn của mỗi người. Nếu cố gắng khắc họa sao cho thật giống dễ thành ra khác biệt hẳn. Khi nhìn thật sâu, thật kỹ, hình ảnh trước mắt có thể thay đổi hoàn toàn. Đó là một cái tật của thị giác”. Tác giả cố gắng lột tả thần thái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để nhìn ở bất cứ góc độ nào, đều có cảm giác Đại tướng vẫn đang bên cạnh chúng ta.

Bác Tác, một cựu chiến binh sau khi nhìn ngắm bức tượng rất lâu, nói “ Tôi là đồng đội cũng là đồng hương. Nhà tôi trong quê cách nhà bác ba cây số, cùng cái dải hình chữ nhất dọc con sông. Tôi vào nhà bác mấy lần. Khẳng định bức này là lúc bác 90, 95 tuổi. Càng nhìn càng thấy giống”.

 

Với bức tượng “Đại tướng bên bàn làm việc” tác giả đã sử dụng tóc thật, cấy tỉ mỉ từng sợi, phối màu mô phỏng chân thực nhất mái tóc của Đại tướng. Để hoàn thành tác phẩm, tác giả đã dựa vào rất nhiều bức ảnh tư liệu, tham vấn người thân của Đại tướng và các nhiếp ảnh gia từng chụp ông lúc sinh thời.


Theo TPO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng