Tạp chí Sông Hương -
Xa lắm bản Hoo
14:08 | 05/05/2014

Nằm sâu hút trong những cánh rừng bạt ngàn với các dãy núi đá cao ngất, nơi chỉ có gió, núi, thú hoang và những tán cây rừng, bản Hoo, thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là một thung lũng nằm dưới chân núi A Noong- một nơi gần như biệt lập, "lãng quên” trước phố thị A Lưới ồn ào, náo nhiệt.

Xa lắm bản Hoo
Ngô, sắn là nguồn lương thực chính của bà con bản Hoo

Hành trình vượt núi

Trong một chuyến công tác tại huyện miền núi A Lưới, chúng tôi có dịp cùng bà con dân bản băng đèo, lội suối đến với bản Hoo, là nơi canh tác, trồng trọt của đồng bào Pakô, Pahi, Cơ Tu, Tà Ôi,… Khác hẳn với những căn nhà sàn vững chãi, những tuyến đường tráng nhựa thẳng tắp chạy dọc theo con đường Trường Sơn công nghiệp hóa, bản Hoo nằm khá biệt lập với bên ngoài. Đến mùa xuống giống, bà con thôn A Năm lũ lượt kéo vào bản Hoo gieo xuống những hạt mầm của sự sống, là nguồn lương thực chính cho bản làng trải qua mùa giáp hạt.

5 giờ sáng, đoàn chúng tôi có mặt tại ngã ba thôn A Năm. Bác trưởng thôn đã cao tuổi, không thể đi cùng, nên mọi người phải đợi ở đây từ sớm để kịp cùng bà con bắt đầu chuyến hành trình vào Hoo. Chị Hồ Thị Chúc, một người cùng trên chuyến vào Hoo làm rẫy cho biết: "Vào Hoo xa lắm, phải vượt qua dãy núi A Noong này, thêm chừng vài chục khe suối nữa, mất khoảng 3 tiếng mới đến nơi.” Một anh bạn trong đoàn chúng tôi lại nói đùa rằng, đồng bào nói đi khoảng 3 tiếng, e rằng mình phải mất gần 6 tiếng mới đến nơi. Bởi cái "khái niệm” về thời gian của đồng bào nó khác lắm!

Con đường mòn dẫn vào thung lũng Hoo cũng hiểm trở không kém. Mặt đường có nơi rộng chưa đến nửa mét, một bên là vách núi đá chênh vênh, bên kia là vực sâu hàng chục mét, lởm chởm đá suối. Có những đoạn dốc cheo leo, bà con phải đóng từng hàng cọc cây để bám víu. Người dân cho biết: Vào mùa lũ, con đường mòn vốn đã hiểm trở này càng trở nên hung dữ hơn. Thường thì người dân thôn A Năm ít đi vào Hoo khi nước lớn. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, vì thiếu lương thực, nhiều người đành mạo hiểm với tử thần, vượt núi A Noong vào bản Hoo để gùi những củ khoai, củ sắn, bắp ngô còn chưa kịp thu hoạch. Và, cũng không ít người đã vĩnh viễn nằm lại với núi rừng xa xôi này.

Vượt được con dốc "mạ ơi, mệ ơi” (nơi đồng bào chỉ dốc cao, người leo dốc mệt), chân tôi như không thể bước thêm được nữa. Nhìn tôi, chị Chúc nhoẻn miệng cười. Giữa núi rừng, chợt thấy nụ cười cô thôn nữ đẹp lạ thường! Đường lên Hoo rải rác có một vài cây hoa trẫu. Loài hoa cánh trắng, nhụy vàng, theo đồng bào ở đây, hoa trẫu mang lại sự bình yên cho họ. Đúng như dự đoán, cả đoàn đặt chân đến nương Hoo đã quá trưa. Gặp chúng tôi, anh Hồ Văn Sam - một người dân canh tác ở bản Hoo cho biết: "Mình mang ngô giống vào để chuẩn bị gieo. Đất ở đây tốt lắm, nên dù xa mấy dân bản A Năm vẫn vào canh tác. Những người trẻ thì vào với Hoo, làm vài ngày rồi trở ra. Còn người già thì "kẹt” mãi ở đây, họ dựng nhà sàn, trồng rau quả, lúa để sinh sống. Mai mốt mình già rồi, con mình sẽ thay mình vào với Hoo, mình sẽ ở lại trong đó chăm nom ruộng vườn.”
Trường học còn xa

Qua khỏi dãy núi A Noong, trước mặt chúng tôi bây giờ là thung lũng nằm chênh vênh tựa vào dãy núi đá, giữa những tán rừng heo hút nơi đại ngàn. Nhìn từ xa, bản Hoo nằm yên bình, xinh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Từng thửa ruộng, nương ngô, bãi sắn,… đang đầu mùa xuống giống, xanh non mơn mởn. Đến Hoo, dân bản đã vội bắt tay ngay vào công việc nương rẫy. Vừa bỏ gùi xuống khỏi vai, uống vội ngụm nước, chị Hồ Thị Chúc tiếp tục làm cỏ rẫy ngô còn dở dang từ đợt trước. Chị cho biết: Năm nay gia đình mình làm rẫy gần 3 hecta. Trong đó ngô, sắn là phần nhiều, còn lại trồng các loại rau màu, mía. Ruộng nước thì trồng ít, vì nước rất hiếm. Không riêng gì rẫy của chị Chúc mà cả hàng trăm hecta đất ở thung lũng Hoo đều trồng sắn và ngô là chủ yếu. So với phần đất nhỏ hẹp khô cằn gần đường cái, bên kia ngọn A Noong thì ở đây, đất đai rất màu mỡ. Người dân chỉ làm cỏ, gieo hạt và thu hoạch. Dù không có phân bón nhưng hoa màu khá xanh tốt. Thung lũng Hoo đã nuôi lớn biết bao thế hệ con em dân bản A Năm.

Dù nương rẫy mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, nhưng đời sống của bà con vẫn còn lắm vất vả. Bản Hoo gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, thiếu nước sạch, cái ăn, cái mặc trông cả vào nương rẫy, vào con cá, con ốc ven suối. Công cụ sản xuất lại thô sơ, cây trồng không được chăm bón đúng kỹ thuật nên lúa rẫy, nương ngô thu hoạch không được bao nhiêu, hết mùa là hết gạo.

Lán trại của chị Chúc nằm tận trên sườn núi. Chị lại dẫn tôi tiếp tục trèo lên cái dốc thẳng đứng có những bậc đất nhỏ để vào trại. Bữa cơm tối của hai vợ chồng chị là một lon gạo, quả đu đủ kho muối và mấy con cá khô chị mua từ thị trấn vào. Chị nói: "Mình vào ra Hoo thường xuyên nên mua được cá là nhất rồi. Bà con định cư ở đây thì ăn cơm, sắn, với rau màu. Người đồng bào vùng núi thường ăn uống rất nhạt bởi gia vị ở đây hiếm lắm”.

Nhìn những bữa cơm đạm bạc, chúng tôi không nghĩ dân bản A Năm có đủ sức để băng rừng, lội suối, dốc sức trên nương rẫy. Ấy thế mà đã qua bao nhiêu thế hệ, thung lũng Hoo vẫn tiếp tục xanh tốt chính nhờ những đôi bàn tay cần cù, chịu khó này. Khi hỏi đến ước mơ của mình, dân bản A Năm chỉ mong con đường đến nương Hoo bớt hiểm trở, có cái trường cho tụi nhỏ xóa mù. Chỉ có vậy đời sống của bà con mới khấm khá lên được. Canh tác không biết bao mùa rẫy nơi bản Hoo, già Hồ Thị Liên tâm sự: "Làm thì nông sản cũng có nhưng đường ra xa quá. Cõng lương thực từ đây xuống thị trấn phải mất 2 ngày đường đi bộ, bà con không làm nổi. Có con đường thì dân bản mình sẽ bớt khổ biết mấy.”

Đêm đến, chúng tôi tá túc trong lán trại chật hẹp của bà con. Những cơn mưa rừng Trường Sơn rậm rịch lẫn lộn trong các thanh âm mới lạ nơi vùng núi biệt lập vọng lại, lúc rờn rợn, khi thánh thót. Cơn mưa dông Trường Sơn vào cuối tháng 4 sẽ là nguồn nước tưới cho rẫy ngô non đầu mùa. Chúng tôi chợt nghĩ đến con đường mòn xa ngái ngày về sẽ lầy lội biết mấy. Không biết mai này những đứa trẻ bản Hoo sẽ theo mẹ đến ngôi trường mới, hạnh phúc hay cuộc đời bọn trẻ mãi mãi chỉ ở lại trong thung lũng này.

 

Nguồn Đại Đoàn Kết

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng