Tạp chí Sông Hương -
Các nhà văn Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
15:22 | 16/05/2014

Sau khi đăng tải những ý kiến, quan điểm của các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong bài “Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD 981 và đội tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam” (vào lúc 15h36p ngày 11/05/2014), BBT VanVN.Net đã nhận được thêm nhiều bài viết thể hiện sự phản đối quyết liệt trước hành động ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. VanVN.Net xin tiếp tục chuyển đến bạn đọc những ý kiến của các nhà văn Việt Nam yêu nước.

Nhà thơ Đặng Huy Giang:    

Từ lâu, nhiều người của nhiều thế hệ, trong đó có tôi, vẫn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, vừa trực tiếp vừa nguy hiểm.    

Thời chúng ta đang sống, ít nhất có tới 4 lần, Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Thời còn là “anh em”, thời còn “như môi với răng”, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa (1974); sau đó gây ra Chiến tranh biên giới (1979); tiếp theo chiếm Gạc Ma (1988); và bây giờ tiếp tục đưa dàn khoan và gây hấn vào lãnh hải vào thềm lục địa…Không thể lường hết được, Trung Quốc còn giở trò gì với nước ta nữa?

Và nói theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới, trong khi sự chịu đựng nào, cũng chỉ có giới hạn mà thôi.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải ý thức được: Không bao giờ, Trung Quốc từ bỏ dã tâm gây hấn và xâm lấn nước ta.    

Vì thế, chúng ta không còn cách gì khác là phải có ý chí tự cường dân tộc và nhanh chóng thay đổi đường lối ngoại giao, tìm ra đồng minh chiến lược đủ sức đối đầu với Trung Quốc.    

Còn đối với các nhà văn: Trước mắt, về cách hành xử, chúng ta cần tẩy chay Trung Quốc trên mọi phương diện và công khai bày tỏ quan điểm lẫn chính kiến thông qua các tác phẩm của mình.

 

Nhà văn Thiên Sơn:

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Tranh chấp ở Trường Sa, đặt ra đường lưỡi bò phi pháp và mới đây ngang nhiên đặt giàn khoan HD 981 trong lãnh hải Việt Nam, huy động tàu chiến, máy bay hộ tống và có những hành động khiêu khích thô bạo dùng vòi rồng, súng bắn nước phun vào tàu kiểm ngư và đâm vào tàu của các lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam gây hư hại và làm nhiều người bị thương là một hành động sai trái không thể chấp nhận được. Một lần nữa, trái tim Việt Nam lại sôi sục. Lòng yêu nước lại bùng lên như lửa cháy. Nhân dân Việt Nam đã bày tỏ thái độ kiên quyết, không thể nào nhượng bộ, không thể nào làm ngơ để Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc mình. Chúng ta là một dân tộc đã chiến đấu hy sinh trong nhiều thế kỷ để giành độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giành quyền sống. Trên mọi nẻo đường, từ khắp chân trời góc biển đều thấm mồ hôi và máu của ông cha ta. Máu xương và linh hồn tổ tiên đang thúc gọi chúng ta hãy tranh đấu, trách nhiệm công dân đang thôi thúc mỗi người dân hãy đứng lên vì tổ quốc của mình hôm nay, vì tương lai đời đời cho con cháu chúng ta.

“Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Lời của Bác Hồ kính yêu như lại vang lên bên tai, giục giã chúng ta hôm nay.

                                                   Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa... (ảnh: PLan)                          

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, thuộc Đoàn công tác số 8 – Bộ Tư lệnh Hải quân, đi công tác Trường Sa từ 28/4 – 7/5/2014):

Đi lênh đênh trên biển hàng chục ngày, đặt chân lên những hòn đảo và nhà giàn ở quần đảo Trường Sa, chứng kiến rất nhiều những sự việc, những câu chuyện, thấy rõ cảnh sống và chiến đấu của những người lính hải quân, chúng tôi không còn mơ hồ về sự hữu hảo của đội quân bành trướng phía Trung Quốc nữa.

Rõ ràng ta đã mất rất nhiều đất vùng biên giới phía Bắc, mất Hoàng Sa khi ta ngỡ bạn giúp ta, mất Gạc Ma và một số hòn đảo khác ở Trường Sa khi ta tin và tuân thủ Công ước Luật Biển 1982. Ta bị cắt cáp, bị gây sự… Rất nhiều lần tàu của ngư dân bị chặn, bị đâm thủng; kiểm ngư bị thương, bị đe dọa, khiêu khích…

Nhưng ta vẫn tin rất nhiều vào một đất nước đã có Khổng Tử, có Kinh Thi, có một đội ngũ hùng hậu những danh nhân văn hóa.

Những ngày này, tôi tin chắc những học giả Trung Quốc tha thiết yêu hòa bình, thường xuyên vun đắp tình hữu nghị Việt – Trung rất ngỡ ngàng, đau lòng, xấu hổ vì những hành vi côn đồ của đội quân bành trướng mang tên Trung Quốc. Nếu họ không đau lòng, có lẽ chỉ vì họ đã bị chính quyền nước họ bịt mắt, tung tin sai lệch. Những hình ảnh thế giới đang xuống đường đồng hành cùng Việt Nam phản đối sự xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc, không hiểu có gây nên cơn sóng phẫn nộ xấu hổ, thức tỉnh lương tâm trong lòng những người dân Trung Quốc?

Giữa cuộc hành trình đi quần đảo Trường Sa, thông qua trang mạng facebook cá nhân, tôi đã được bạn bè gửi tin cho biết phía Trung Quốc đang ngang nhiên đặt giàn khoan HD 981 ở Thềm lục địa và Vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam. Lúc đó tôi cứ hy vọng đó chỉ là những thông tin chưa chính xác.

Trên đường đi, tàu HQ 996 chở đoàn công tác có lần gặp tàu lạ. Phát tín hiệu tránh nhau, nhưng con tàu đó dường như không nghe tín hiệu. Tàu ta hỏi qua bộ đàm mấy thứ tiếng, mãi sau mới có câu trả lời bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu của người Tàu. Tàu không treo cờ, và bịt kín sườn, chỉ đoán họ chở dầu lậu. Có thể thấy khoảng đường biển không phận quốc tế gần Việt Nam có những chỗ ta không thể ngăn chặn việc xâm nhập của tàu lạ. Chính vì vậy, phía Trung Quốc đã lợi dụng những khoảng không phận này, ập vào Hoàng Sa, và dựng giàn khoan một cách nhanh chóng, ngang nhiên.

Nếu các nước trong khu vực cũng hành xử bất chấp như vậy, thế giới này sẽ trở thành chốn nồi da xáo thịt.

Hãy bằng mọi cách, kêu gọi cộng đồng thế giới lên tiếng.

Công ước nào cũng dành cho những đất nước, những dân tộc, những con người có lương tri. Không nên quá hy vọng vào lương tri của kẻ ôm giấc mộng bành trướng.

Dù ta đã nhẫn, hãy nhẫn thêm gấp trăm ngàn lần trong sự thông minh và tỉnh táo.

Dù không muốn chiến tranh xảy ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta hãy chuẩn bị tất cả mọi việc, kể cả việc lau súng.

 

Nhà thơ Trần Thế Vinh (An Giang):

Việc Nhà nước Trung Quốc ngang nhiên cho đặt giàn khoan HD 981 tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền của Việt Nam là một thách thức nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc. Cả dân tộc ta đang phẫn nộ từng ngày, bạn bè thế giới ủng hộ Việt Nam là một chứng lý việc xâm lược “kiểu mới” của Trung Quốc. Không riêng chúng tôi – nhà văn Việt Nam, các tầng lớp nhân dân đang cực lực lên án và kêu gọi bạn bè là những người nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ trên đất nước Trung Quốc láng giềng hãy cùng Việt Nam chúng tôi kêu gọi Nhà cầm quyền Trung Quốc nên rút ngay giàn khoan HD 981về nước.    

Nhà cầm quyền Trung Quốc nên nhớ rằng nhân dân Việt Nam chúng tôi luôn luôn hiếu hòa chứ không hiếu chiến.Trung Quốc hãy ngưng ngay hành động xâm lược của mình khi vẫn còn thời gian – Chúng tôi đồng thanh kêu gọi. Bởi, sự nhẫn nhịn của con người là có hạn, dù nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình nhưng khi không còn con đường nào khác, Bác Hồ chúng tôi đã dạy và chúng tôi quyết làm theo: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

 

Nhà văn Trần Dũng (Trà Vinh):

Những ngày qua, dư luận cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài như sôi lên vì căm phẫn trước hành động trái phép và ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981, cùng với đó là sự có mặt của một đội tàu quân sự, tàu dân sự hộ tống hùng hậu, vào sâu trong vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta, đơn phương vi phạm bộ qui tắc ứng xử DOC và luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Cần khẳng định rằng đây là một hành động vừa khiêu khích vừa thăm dò vô cùng nguy hiểm, nằm trong chuỗi âm mưu và hành động của một nước lớn luôn ôm mộng bá quyền, muốn độc chiếm biển Đông – một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Bản chất bá quyền đen tối của Trung Quốc là nham hiểm, thâm độc và không thay đổi từ hàng ngàn năm nay, không chỉ đối với Việt Nam, mà cả các quốc gia có đường biên giới chung trên bộ, trên biển với họ. Riêng đối với Việt Nam, chỉ tính riêng trong nửa thế kỷ qua, những hành động quân sự bành trướng của Trung Quốc là quá rõ ràng: Xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974), cuộc chiến xâm lược (1979), xâm chiếm và tàn sát trên đảo Gạc Ma (1988), tuyên bố vùng cấm đánh bắt hải sản và xua đuổi ngư dân Việt Nam đang làm ăn bình thường ngay trên vùng biển quê hương mình (2009), tàu Hải giám ngang ngược cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam (2012)... Và, bây giờ là hành động hạ đặt giàn khoan trái phép và ngang nhiên đưa cả đội tàu vào vùng biển Việt Nam đang được dư luận sôi sục lên án. Quá khứ đã vậy, hiện tại tiếp tục vậy, thì những hành động bành trước ngang ngược và nguy hiểm của họ chắc chắn sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Xin được nhắc nhở và khẳng định, âm mưu bành trướng bá quyền nguy hiểm và liên tục của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, mà nhất là Việt Nam, không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự, mà còn trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là về kinh tế, văn hóa…

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng!

Những người cầm bút và giới văn nghệ sĩ hãy hòa vào nhịp đập của hơn 90 triệu trái tim Việt Nam, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước nồng nàn, kết nhau thành chiến lũy chắc như thép, vững như đồng kiên quyết phản đối và chặn ngay lập tức bàn tay bành trướng, bá quyền và hiếu chiến!

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:

Những ngày sục sôi chống Trung Quốc trắng trợn xâm phạm vùng biển Việt Nam này, càng đau xót khi xem lại những hình ảnh tàu Trung Quốc nã súng vào chiến sỹ hải quân của ta trên đảo Gạc Ma, bắn chìm tàu hải quân của ta năm 1988.

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước của Việt Nam, mặc dù ta luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, luôn khiêm nhường và cả nhún nhường trước Trung Quốc. Nhưng cũng ngay trong tiến trình củng cố nền hòa hiếu ấy, chính Trung Quốc lại chủ động phá vỡ nó bằng cách xâm lược, đô hộ nước ta. Hôm qua, cho đến hôm nay, người láng giềng đó vừa hể hả bắt tay hữu nghị, vừa mài sẵn dao nhọn.

Hình như đó đã là quy luật? Đó là một đặc trưng tính cách của những kẻ bành trướng ở đất nước có lịch sử và nền văn hóa rực rỡ mà chúng ta hằng ngưỡng mộ?

Khi đất nước đứng trước những nguy cơ và lâm vào cơn nguy biến, sự nhún nhường có hạn. Các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc và truyền thống đánh giặc của Việt Nam cho thấy, quân thù càng hung hăng, tàn bạo, ta càng không chịu khuất phục.

 

Nhà văn Vũ Đảm: Trung Quốc nên rút ngay giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển đặc quyền của Việt Nam

Biển Đông đã và đang nổi sóng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ giàn khoan DH-981 và huy động 80 tàu, trong đó có cả tàu chiến và máy bay hộ tống vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngay lập tức biển Đông đã dậy lên làn sóng phản đối quyết liệt của chính phủ nhiều nước, các hãng thông tấn báo chí trên toàn thế giới và đặc biệt là làn sóng  yêu nước của trăm triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước; làn sóng này có thể nhấn chìm bất kỳ cuộc xâm lăng nào như lịch sử đã minh chứng.

Phản ứng của Việt Nam và cộng đồng thế giới đã cảnh tỉnh rằng Trung Quốc đã đi quá giới hạn cho phép về sự kiên nhẫn vì hòa bình hữu nghị của Việt Nam và sự thách thức với luật pháp quốc tế. Vì vậy hành động sáng suốt nhất hiện nay là Trung Quốc hãy nhanh chóng rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển đặc quyền của Việt Nam, có như thế biển Đông mới lặng sóng và lòng dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc mới thanh bình...

 

Nhà Thơ Trịnh Công Lộc: Khẩn thiết với các nhà văn Trung Quốc…

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời. Lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa hai nước đã được định sẵn. Trải qua những chặng đường lịch sử, mối quan hệ, giao lưu văn hóa hai nước ngày càng thêm gần gũi, được vun đắp, phát triển qua đời này, đời khác.

Điểm tương đồng lớn nhất giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc là đã tạo nên vẻ đẹp, phẩm chất, cốt cách của hai dân tộc: biết tôn trọng nền độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển với tình cảm láng giềng hữu nghị. Điều đó, phù hợp với đạo lý chung trong quan hệ quốc tế. Vẻ đẹp văn hóa đó ngày càng được chăm lo, xây dựng và đã được khẳng định trong những tuyên bố chung giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam cùng với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới về cả những vấn đề biển Đông, về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong những thời gian gần đây. Là công dân Việt Nam, chúng tôi luôn luôn ghi nhớ, trân trọng và có niềm tin sâu sắc.

Nhưng đáng tiếc, từ phía Trung Quốc lại có những việc làm, hành động trái với đạo lý, tình cảm trên, gây mất ổn định ở biển Đông, gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 01 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cùng với hàng loạt tàu quân sự, máy bay hộ tống, yểm trợ giàn khoan. Đồng thời, tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, đe dọa, tấn công tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Trước những diễn biến phức tạp trên, chúng tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp, các nhà văn, đội ngũ văn nghệ sỹ Trung Quốc và những người có lương tri hãy góp thêm tiếng nói thức tỉnh dư luận Trung Quốc và quốc tế, khẩn thiết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, rút ngay giàn khoan HD 981 và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Với lòng tự trọng về lịch sử và văn hóa của cả hai dân tộc, hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp, mỗi nghĩa cử thiện chí của chúng ta sẽ là những đóng góp quan trọng, tích cực bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, truyền thống hữu nghị, hòa hiếu của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc!

 

Nhà Nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá:

Tôi nghĩ, ngoài việc Tuyên bố chính thức của Hội nhà văn Việt Nam nhằm phản đối hành động chiếm đóng, khiêu khích  ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông, Hội ta nên có Thư ngỏ (ba thứ tiếng: Việt, Trung, Anh) gửi Hội nhà văn Trung Quốc nhằm kêu gọi các nhà văn Trung Quốc mấy điểm sau:

- Có thái độ khách quan, công bằng, đúng đắn trong việc nhìn nhận về tình hình Biển Đông của Việt Nam trên cơ sở Công ước và luật pháp quốc tế về Biển.

- Giải thích cho người dân Trung Quốc hiểu về tình hình biển Đông của Việt Nam theo đúng tinh thần trên, góp phần cùng gìn giữ, tôn trọng hòa bình trên biển Đông; gìn giữ tình hữu nghị tốt đẹp, lâu đời giữa hai dân tộc.

- Nhà văn là người đại diện cho lương tri của thời đại, biết vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng tới những giá trị nhân loại phổ quát: công bằng, hữu nghị, hòa bình, nhân văn, thượng tôn pháp luật.

Chiến tranh, gây hấn, xâm chiếm, bom đạn và giết người là những từ không có mặt trong bảng từ vựng của nhân loại! Nhà văn và trí thức là những người đầu tiên thực hành điều đó!

Tôi thích Status của nhà thơ Dư Thị Hoàn viết hôm 11/5/2014 trên FB của chị: “Trong cuộc biểu tình ngày mai, tôi không kịp có mặt .Giá có bạn nào giúp tôi đưa lên biểu ngữ này: “Văn hóa Trung hoa đáng kính, bá quyền Trung quốc đáng khinh!" tôi thật biết ơn!” (những chữ viết bằng tiếng Trung không hiển thị được-VG). Không rõ trong các cuộc biểu tình hôm chủ nhật 11/5/2014 ở khắp nơi trên cả nước có ai kịp in biểu ngữ này không. Tôi mong là có. Đây là thái độ của một nghệ sĩ-trí thức chân chính.     

                           

Hà Nội ngày 12.5.2014

 

Theo  VanVN.Net

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng