Tạp chí Sông Hương -
Người chép sử Điện Biên Phủ bằng tranh
08:59 | 19/05/2014

Năm 22 tuổi, Phạm Thanh Tâm có mặt trong Đại đoàn 351 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sống trọn với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, đối mặt với từng khoảnh khắc nóng bỏng của mặt trận, người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy đã có những sáng tác, ký họa ngay trong chiến hào. Vừa cầm súng, vừa cầm cọ đi qua bao khốc liệt của hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, những tác phẩm ra đời tại mặt trận, những ký họa chiến trường của ông đã trở thành niềm tự hào và góp phần làm rạng ngời những trang sử vàng Điện Biên Phủ của dân tộc.

Người chép sử Điện Biên Phủ bằng tranh
Tác phẩm Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ.

Ký ức của người lính Điện Biên

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1932 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Cuối tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình tản cư. Lúc này, cha của ông đang làm việc trong Ban Tuyên truyền Chiến khu 3 (về sau trở thành Sở Thông tin Liên khu 3), Phạm Thanh Tâm được giao nhiệm vụ liên lạc, hàng tuần ông đạp xe đưa bài xuống nhà in để in báo. Phát hiện chàng trai trẻ có năng khiếu và đam mê cầm cọ, họa sĩ Mai Văn Nam đã kèm riêng dạy vẽ cho ông. Đây chính là người thầy đầu tiên của Phạm Thanh Tâm.

Ngày càng nhạy bén, tiếp thu nhanh, ông được giới thiệu về dự lớp hội họa kháng chiến do họa sĩ Lương Xuân Nhị làm hiệu trưởng. Lớp học được mở tại đình Phù Lưu Chanh, gần chợ Dầu (Bắc Ninh), giáo viên gồm các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam. Trong số hơn 20 học viên của lớp, ngoài Phạm Thanh Tâm còn có Trịnh Quốc Thụ, Trịnh Thiệp, Văn Đa, Xuân Phương. Học vẽ xong về lại Liên khu 3, Phạm Thanh Tâm lúc này tròn 18 tuổi, được giới thiệu sang Ty Thông tin Hưng Yên công tác. Tại đây, ông khoác tay nải về huyện Yên Mỹ vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho kháng chiến. Đói cơm, thiếu áo nhưng người họa sĩ trẻ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tất cả niềm hăm hở, đam mê.

Năm 1950, Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội. Ông được phân công về Ban Chính trị Trung đoàn 34 làm tờ báo Tất Thắng. Về sau, trung đoàn này trực thuộc Đại đoàn 351 công pháo, Phạm Thanh Tâm được điều sang làm báo Quyết Thắng của đại đoàn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tờ báo Quyết Thắng được in và phát hành ngay tại mặt trận. Ngoài các bài viết hấp dẫn, báo còn có tranh vui, tranh đả kích rất sinh động, kịp thời khích lệ và cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội.

Là họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường, Phạm Thanh Tâm có điều kiện thực địa tại nhiều điểm nóng của mặt trận để lấy tư liệu và vẽ. Những tác phẩm chính của ông phải kể đến là Điện Biên Phủ 1954, Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ, Pháo cao xạ chiến đấu trên cánh đồng Mường Thanh, Chèn pháo, Đường lên Điện Biên, Sơn pháo 75 ly bắn thẳng, Trên mồ liệt sĩ Điện Biên Phủ, Thời gian khổ, Cô gái Thái ở Điện Biên, Chiến sĩ cao xạ viết thư về hậu phương ngay giữa chiến trường…

Những trang sử hào hùng

Những ai đã từng tham quan Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có lẽ sẽ không quên tác phẩm Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ của họa sĩ lão thành Phạm Thanh Tâm. Không gian của bức tranh là một căn hầm pháo 105 ly, nòng pháo vươn qua lỗ châu mai về phía Điện Biên. Hai càng pháo bám chắc hai bên vách hầm trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Nổi bật giữa hầm pháo là 4 cô gái mặc áo tứ thân đang uyển chuyển duyên dáng trong một điệu múa dân tộc.

Xung quanh là gương mặt các chiến sĩ pháo thủ đang say sưa thưởng thức điệu múa. Đây chính là đội văn công của Đại đoàn 351 trong đêm diễn phục vụ đơn vị pháo cao xạ gần khu vực đồi Độc Lập - đơn vị đã bắn những viên đạn pháo đầu tiên vào Him Lam, mở đầu cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vậy mà cũng căn hầm số 2 ấy 3 ngày sau, khi quay lại diễn phục vụ đợt 2 của chiến dịch, đoàn văn công đã không bao giờ còn được gặp lại các pháo thủ hôm nào. Tất cả 7 chiến sĩ đều hy sinh, nền đất làm sân khấu dã chiến hôm trước giờ đầy những mảnh đạn… Các chiến sĩ pháo thủ đã ra đi nhưng hình ảnh của họ và 4 cô gái văn công trong điệu múa lời ca Ai xui là xui cây lúa chín vẫn sống mãi qua bức tranh của Phạm Thanh Tâm.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Sau khi được nhận giải thưởng mỹ thuật toàn quốc với bức tranh Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ cùng nhiều tranh bột màu và ký họa, ông được cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trọn đời gắn bó với quân ngũ, đến nay ông đã có một khối lượng tác phẩm gồm hàng ngàn ký họa, tranh nhiều chất liệu phản ánh sinh động hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông đã có 11 triển lãm cá nhân tại Hà Nội và TPHCM. Các tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, không ít tác phẩm có mặt trong bộ sưu tập tranh của các nhà sưu tập nước ngoài.

Nay đã 82 tuổi, nhưng những hình ảnh hào hùng của trang sử vàng Điện Biên Phủ từ hàng chục năm qua như vẫn luôn hừng hực khí thế, vẫn luôn thôi thúc ông cầm cọ. “Đến bây giờ, đề tài người lính, đề tài Điện Biên Phủ vẫn tràn đầy trong tôi, thậm chí có những lúc tôi cảm thấy như mình đang mắc nợ lịch sử khi được là nhân chứng của những sự kiện quan trọng nhưng vẫn chưa thể hiện được hết qua tác phẩm hội họa. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng cầm cọ để tiếp tục sáng tác những tác phẩm kể lại cho mai sau về một thời máu lửa hào hùng của dân tộc”, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa tâm sự.

 

 
 

Quyển sách Trang sử vàng Điện Biên Phủ của họa sĩ - nhà báo Phạm Thanh Tâm vừa được Nhà xuất bản Thời Đại giới thiệu đến bạn đọc trong và ngoài nước. Quyển sách gồm hơn 300 bức tranh, ký họa, ảnh chụp của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại mà ông từng tham gia.

 
 

Theo MINH AN - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chân sóng (16/05/2014)