Tạp chí Sông Hương -
Khi văn chương vinh danh khoa học (Kỳ 1)*
08:19 | 21/05/2014

Khoa học và văn chương là hai lĩnh vực riêng biệt, ai cũng biết thế. Nhưng đâu phải chúng hoàn toàn xa lạ nhau. Người làm khoa học cũng biết mộng mơ, người làm văn chương cũng biết quan sát. Thế giới trăng sao đâu phải của riêng phe nào. Thám hiểm đáy biển cũng là nghề của Jules Verne.

Khi văn chương vinh danh khoa học (Kỳ 1)*
Edouard Manet, Chân dung Emile Zola, 1868, Bảo tàng Orsay
Nhà văn, nhà thơ, nhà triết học có khi dẫn đường cho nhà khoa học. Nhà khoa học choáng ngợp trước bí ẩn có khi phải mượn đến bút của nhà văn.

Nếu khoa học chuộng cái chân và văn chương chuộng cái mỹ, thì ai dám bảo trong cái đẹp chẳng có cái thật và trong cái thật chẳng có cái đẹp? Lý tưởng chẳng phải là chân thiện mỹ? Cứ nhìn con chim làm tổ. Cứ nhìn con ong làm mật. Nó vừa là nhà văn, nó vừa là nhà khoa học. Và khi chàng ong đực chết trong giao hoan với bà chúa của nó, làm sao phân biệt được mỹ với chân?


    Vậy thì, hai lĩnh vực tuy riêng nhưng nếu biết khám phá thì thấy cái chung. Dưới đây là hai ví dụ, hai trường hợp tiêu biểu về phía nhà văn để nói lên ảnh hưởng của khoa học trên văn chương, sức quyến rũ của anh chàng thường được xem là khô khan trên cô nàng thường được xem là ướt át. Trường hợp thứ nhất là nhà văn lấy khoa học làm mẫu mực để xây dựng một lý thuyết văn chương. Trường hợp thứ hai là nhà văn dùng văn chương để thuyết minh một lý thuyết khoa học. Cả hai đều có tham vọng hoặc đem một phương pháp, hoặc đem một định luật khoa học áp dụng vào lĩnh vực tiểu thuyết, đưa văn chương lên địa vị tiếp nối - tiếp nối khoa học trên con đường dài khám phá sự thật cùng đi.


***

 


Claude Bernard (1813-1878)
Cùng đi trên một con đường dài, ấy là trường hợp của nhà văn Emile Zola và nhà khoa học Claude Bernard: nhà khoa học tiên phong, nhà văn tiếp nối để lập thuyết. Claude Bernard (1813 - 1878) là nhà khoa học đã làm nên một cuộc cách mạng trong y khoa khi ông đưa phương pháp thực nghiệm từ thế giới vô tri của vật lý, hóa học vào thế giới sống của con người, mở đầu cho y khoa thực nghiệm. Thì cũng vậy, Emile Zola, dưới ngọn đuốc của Claude Bernard, đưa phương pháp thực nghiệm vào văn chương, mở đường cho tiểu thuyết thực nghiệm. Và cũng giống như khoa học đã giải phóng con người ra khỏi thời đại thần bí và siêu hình, tiểu thuyết thực nghiệm sẽ giải phóng văn chương ra khỏi tiểu thuyết trừu tượng và lãng mạn. Vinh danh người đi trước, Zola hạ tuyên ngôn:

    "Suốt đời ông, Claude Bernard đã tìm tòi và tranh đấu để đưa y khoa vào con đường khoa học. Nhờ ông, một khoa học đã bập bẹ thoát ra khỏi chủ thuyết duy nghiệm để vào ở hẳn trong chân lý, nhờ phương pháp thực nghiệm. Claude Bernard chứng minh rằng phương pháp ấy, áp dụng vào việc nghiên cứu những chất thô, vào hóa học và vật lý, cũng phải áp dụng vào việc nghiên cứu những chất sống, vào sinh lý học và vào y khoa. Đến phiên tôi, tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng, nếu phương pháp thực nghiệm đưa đến hiểu biết về đời sống vật lý, nó cũng phải đưa đến hiểu biết về đời sống đam mê và trí thức. Đó chỉ là một vấn đề trình độ trên cùng một con đường, từ hóa học đến sinh lý học, rồi từ sinh lý học đến nhân chủng học và xã hội học. Tiểu thuyết thực nghiệm là điểm tận cùng".

    Nhưng thực nghiệm là gì? Và tại sao phải thực nghiệm? Zola giải thích: tại vì thực nghiệm chính là điểm mới. Giống như khoa học quan sát, tiểu thuyết đã biết quan sát. Bây giờ, khi khoa học đã đi vào thực nghiệm, tiểu thuyết cũng phải đi vào thực nghiệm. Giữa khoa học quan sát và khoa học thực nghiệm có cái gì khác nhau? Có một đường ranh giới rất rõ. Chính Claude Bernard đã cắt nghĩa: "Người quan sát là người dùng những cách thức truy vấn, hoặc đơn giản hoặc phức tạp, để nghiên cứu những hiện tượng mà người ấy không làm thay đổi được, thiên nhiên tạo ra thế nào thì phải nhận thế ấy. Người thí nghiệm là người dùng những cách thức truy vấn, hoặc đơn giản hoặc phức tạp, để làm thay đổi, vì một mục đích nào đó, những hiện tượng thiên nhiên và làm chúng hiện ra trong những hoàn cảnh hoặc những điều kiện mà thiên nhiên không tạo chúng ra như thế". Ví dụ: thiên văn là khoa học quan sát, bởi vì chẳng ai đủ ngông cuồng để tưởng tượng ra rằng, một nhà thiên văn nào đó có thể rờ mó chị Hằng để làm biến đổi chị, còn hóa học là khoa học thực nghiệm vì nhà hóa học hành động trên thiên nhiên và làm biến đổi thiên nhiên.

    Nhưng, ngoài cái ranh giới vừa nói, thực nghiệm thật ra chỉ là quan sát được kích thích. Tại sao? Tại vì đâu phải thực nghiệm một lần là lòi ra kết quả! Nhà khoa học quan sát, quan sát đưa đến giả thuyết, giả thuyết đưa đến thí nghiệm để xem giả thuyết ấy đúng sai, thí nghiệm có thể đưa ra một giả thuyết khác, lại phải quan sát, lại phải thí nghiệm, như thế không dứt cho đến khi có kết quả cuối cùng. Thực nghiệm là giai đoạn tiếp theo một giả thuyết và bắt đầu một giả thuyết.

    Câu hỏi đặt ra là: trong văn chương mà đến nay chỉ có quan sát là được thực hiện, có thể nào làm thí nghiệm? Zola trả lời: được. Nhưng trước hết, quan sát thì phải biết quan sát, người quan sát chỉ làm mỗi một công việc thôi là ghi nhận những hiện tượng trước mắt, người ấy phải là người chụp ảnh các hiện tượng, thiên nhiên hiện ra thế nào thì chụp ảnh thế ấy. Người biết quan sát thì biết thế nào là "tiểu thuyết thiên nhiên". Nhưng một khi sự kiện đã ghi nhận và hiện tượng đã quan sát kỹ, ý nghĩ chợt đến, suy luận bật ra, và người thí nghiệm xuất hiện. Xuất hiện để diễn dịch các hiện tượng, so sánh các kết quả, phán đoán các giả thuyết.

    Zola lấy cuốn tiểu thuyết "Cousine Bette" của Balzac làm ví dụ để lập luận rằng, người viết tiểu thuyết là người đi tìm sự thật. Balzac quan sát gì? Sự tàn phá của đam mê ái tình nơi nhân vật, nơi gia đình của nhân vật, nơi cả xã hội chung quanh. Đầu tiên, Balzac chọn đề tài. Rồi, đi từ những hiện tượng được quan sát, ông thực hiện thí nghiệm bằng cách đặt nhân vật Hulot vào trong một chuỗi thử thách, cho nhân vật sống trong nhiều môi trường, nhiều hoàn cảnh, nhiều điều kiện khác nhau để trình bày tất cả những động thái của đam mê, xem đam mê tạo ra những kết quả gì. Như vậy, Balzac đâu phải chỉ quan sát? Chỉ làm ông thợ chụp ảnh? Ông cho nhân vật biến chuyển nhưng ông không rời khỏi luật thiên nhiên, ông viết "tiểu thuyết thiên nhiên". Bởi vì một tiểu thuyết thực nghiệm như "Cousine Bette" là một phiên bản - một phiên bản của thí nghiệm. Nhà văn thay đổi môi trường, thay đổi hoàn cảnh, điều kiện để làm thí nghiệm nhưng vẫn theo sát thiên nhiên, không trái với những luật của thiên nhiên. Như vậy, ta mới hiểu được con người, hiểu một cách chính xác, khoa học, trong hành động của người ấy về mặt cá nhân cũng như về mặt xã hội.

    Tất nhiên, không thể bắt tiểu thuyết thực nghiệm có một mức độ chính xác, khoa học như hóa học hay sinh lý học. Tiểu thuyết thực nghiệm đang còn trong trứng sữa. Nhưng y khoa của Claude Bernard cũng chỉ mới bập bẹ trên con đường khoa học thôi. Y khoa tiến đến khoa học thực sự thì tiểu thuyết thực nghiệm cũng phải thế. Thực sự, đó là thí nghiệm mà nhà tiểu thuyết làm trên con người, qua quan sát. Con đường đi của khoa học thẳng tắp, với điểm khởi hành và điểm kết thúc. Điểm khởi hành là hóa học, vật lý. Rồi sinh lý học và y khoa. Một ngày nào đó, khi y khoa chứng minh được rằng cơ thể của con người là một bộ máy có thể gỡ ra rồi lắp lại nhờ thí nghiệm, lúc đó ta phải bước qua giai đoạn tháo gỡ những hoạt động đam mê và trí thức của con người. Lúc đó khoa học mới bước vào được lĩnh vực cho đến bây giờ vẫn còn thuộc vào triết lý, văn chương. Đó là con đường tất định, đi từ việc khám phá những định luật của vật thể thô đến việc khám phá những định luật của tư tưởng, tình cảm. Bộ não của con người được cai trị bởi một luật tất yếu giống như luật tất yếu cai trị viên gạch lót đường.

    Trong những luật tất yếu đó, Zola quan sát và làm thí nghiệm trên hai hiện tượng mà ông cho là rất quan trọng trong những biểu hiện của đam mê và trí thức: di truyền là một, môi trường là hai. Claude Bernard, bằng phương pháp thực nghiệm, đã khám phá ra sự vận hành của "môi trường bên trong" - bên trong cơ thể của con người. Đến phiên tiểu thuyết thực nghiệm khám phá "môi trường bên ngoài", một gia đình, một thế hệ, một cộng đồng xã hội. Đi từ con người thực, sống trong một môi trường thực, tiểu thuyết thực nghiệm nghiên cứu con người như thế ảnh hưởng trên xã hội như thế nào và xã hội như thế làm thay đổi con người ra sao. Tiểu thuyết thực nghiệm từ bỏ con người trừu tượng, con người siêu hình để nghiên cứu con người thiên nhiên đặt dưới định luật vật lý, hóa học, và được quyết định tất yếu bởi những ảnh hưởng của môi trường. Đó là văn chương của thời đại khoa học y như văn chương cổ điển và lãng mạn là sản phẩm của thời đại trung cổ và thần học.

    Với chủ trương đó về tiểu thuyết thiên nhiên, với phương pháp đó của y khoa thực nghiệm, với Claude Bernard như ngọn đuốc soi đường, Zola viết bộ trường thiên tiểu thuyết "Les Rougon-Macquart" với tiểu đề: "Lịch sử thiên nhiên và xã hội của một gia đình dưới Đệ Nhị Đế Chế". Tham vọng của ông làm choáng ngợp văn học một thời: mô tả những biến đổi xã hội qua một triều đại lịch sử và những thăng trầm của một gia đình qua năm thế hệ với hai mươi cuốn tiểu thuyết để chỉ rõ một cách khoa học ảnh hưởng tất yếu của di truyền và của môi trường bên ngoài. Mỗi thành viên của gia đình ấy ở mỗi thế hệ lần lượt là nhân vật chính trong mỗi cuốn tiểu thuyết, sống trong những môi trường xã hội khác nhau: "dân hạ cấp", "dân buôn bán", "dân tư sản", và một thứ "dân không xếp hạng  được ": gái điếm, giết người, thầy dòng, nghệ sĩ... Tên của bộ trường thiên tiểu thuyết là tên của hai nhánh kết hợp thành một gia đình. Rougon, nhánh chính thức, gồm giới tiểu thương, tiểu tư sản; Macquart, nhánh lai, gồm nông dân, các tay săn lậu, buôn lậu cùng có một vấn đề chung là nghiện rượu. Một số thành viên của gia đình ấy leo lên được những nấc thang cao nhất của xã hội, một số khác rơi tõm xuống bần cùng, nạn nhân của thất bại và của di truyền. Cuốn truyện muốn vén lên màn bí mật của cơ thể xã hội và cơ thể con người trong tận cùng thâm sâu tăm tối nhất bằng cách vẽ ra như thế nào một căn bệnh di truyền đã lan đến và làm biến đổi một gia đình. Di truyền là dụng cụ khoa học, là sợi chỉ hồng xuyên suốt tập truyện trường thiên.

(Còn tiếp)
Nguồn: Cao Huy Thuần - Tiasang

---
* Được phép trích từ kỷ yếu Hạt Higgs và Mô Hình Chuẩn, Nhóm chủ biên: Cao Chi, Chu Hảo, Pierre Darriulat, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm. Nxb Tri Thức, Hà Nội, tháng 3, 2014.
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng