Tạp chí Sông Hương -
Giới nghệ sỹ lên tiếng về cách 'Phong tặng nghệ nhân'
14:34 | 04/07/2014

Sau 12 năm chờ đợi, Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể mới được Chính phủ ký ban hành, nhưng còn ý kiến trái chiều xung quanh tính khả thi, động lực đối với hàng ngàn nghệ nhân.

Giới nghệ sỹ lên tiếng về cách 'Phong tặng nghệ nhân'
Một số quy định có thể làm khó nhiều nghệ nhân khi xét tặng danh hiệu (trong ảnh là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Quyết và Tạ Thị Vi). Ảnh: H.Nguyên
Chưa sát thực tế

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng, với thực tiễn hoạt động của nghệ nhân các loại hình di sản thì sự phân cấp danh hiệu “ưu tú”, “nhân dân” như hiện nay là không cần thiết. Hơn nữa, trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân vốn là danh xưng được xã hội công nhận đối với tài năng giữ gìn di sản. “Định mức này mô phỏng nghị định về NSƯT, NSND vốn học theo Liên Xô cũ không còn phù hợp”, anh nói.

Một trong những điều khiến dư luận thấy chưa thỏa đáng nhất nằm ở Chương 4, điều 11, khoản 1.b quy định về hồ sơ: Các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan.

“Điều này không phù hợp thực tế bởi từ bao đời nay, sự tồn tại của nhiều loại hình di sản luôn ở mức nguy cơ báo động, không có người kế tục. Nghệ nhân hát kể trường ca các dân tộc Tây Nguyên hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, kêu gọi thanh niên nghe họ hát đã khó chứ chưa nói có học trò theo nghiệp. Hay với những nghệ nhân lão thành như danh cầm ca trù cuối cùng của lớp nghệ nhân thế kỷ 20, cụ Nguyễn Phú Đẹ, cụ tìm đâu ra cái gọi là giải thưởng để được phong tặng”, anh Hiền lí giải.

Nghị định 62 về phong tặng danh hiệu NNƯT, NNND trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể có hiệu lực từ 7/8/2014, bao gồm 5 chương, 18 điều và quy trình xét cũng qua ba cấp tỉnh, bộ và Nhà nước như đối với danh hiệu NSƯT, NSND. 

Giống nhiều chuyên gia khác, Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng, với số nghệ nhân cao tuổi chiếm đa số, đặc biệt nghệ nhân các dân tộc thiểu số mà hiện rất nhiều người còn chưa biết chữ, việc làm thủ tục xin phong danh hiệu rất khó khăn. “Phong tặng thế này là tiến hành theo cơ chế xin-cho chứ không phải chủ động của Nhà nước với những người giữ gìn di sản”, anh nhấn mạnh. 

Liên quan đến quy định nghệ nhân có 15 năm, 20 năm tuổi nghề mới lần lượt được nhận danh hiệu ưu tú, nhân dân. Không ít ý kiến cho rằng thật bi hài với các nghệ nhân ở tuổi xế bóng 80, 90: Muốn được cấp “nhân dân”, họ phải có được danh hiệu “ưu tú”. Bao người đợi thêm 5 năm để được vinh danh?

Hồ sơ là đương nhiên?

“Bảo vệ và phát huy di sản mà không nói đến nghệ nhân thì vô nghĩa. Vì nghệ nhân là người sáng tạo, sở hữu, lưu giữ di sản cho đến nay. Sau bao năm, chính sách và danh hiệu nay mới ra được. Thôi thì cũng là điều mừng, nhưng vấn đề là thực hiện thế nào. Với người Việt, cái tiếng quan trọng lắm. Khi được tôn vinh người ta sẽ tích cực hơn trong truyền dạy, bảo tồn. Kinh nghiệm cho thấy, họ rất quý trọng danh hiệu, nhất là danh hiệu cấp Nhà nước”, GS Ngô Đức Thịnh nói. 

Ông lại có ý kiến khác hẳn với nhiều chuyên gia trong chuyện hồ sơ: “Tôi lại cho là cần, đó là thông lệ quốc tế. Phải có hình thức cho biết người đó có đóng góp gì, trình độ ra sao. Nếu cứ thế phong tặng, dễ sinh tiêu cực. Chưa tính đến chuyện nhỡ ai đó không thích thì sao, ví như nhà văn Nguyên Ngọc từ chối Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT”. Ông nói thêm, nếu nghệ nhân nào không làm được, thì địa phương hoặc hội nghề nghiệp mà họ tham gia nên giúp đỡ.

Là thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, GS Thịnh từng đưa ý kiến về chế độ chính sách khi ban soạn thảo lấy ý kiến. Nhật Bản, Hàn Quốc sáng kiến có chính sách cho nghệ nhân tùy theo phân cấp địa phương hay quốc gia. Nghệ nhân nhân dân ở Nhật được hưởng chế độ rất cao. Nhưng UNESCO từ chối điều này. Theo họ, quốc gia nghèo không có điều kiện, hơn nữa hình thức này không có tác dụng bằng việc Nhà nước, địa phương tạo điều kiện để nghệ nhân có năng lực tự sống bằng di sản, phát huy nghề của họ. 

“Nước mình không có tiền như Nhật, Hàn, nhưng ngoài tôn vinh tinh thần, nên quan tâm chăm sóc sức khỏe của nghệ nhân, ít nhất cấp sổ bảo hiểm y tế”, GS Thịnh nói. Tuy nhiên, điều này chưa thể hiện rõ trong Nghị định.

Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nhận khoản tiền thưởng theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng. Một số nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp sẽ nhận được một khoản trợ cấp sinh hoạt hằng tháng.

Không nên chạy đua số lượng

Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long từng tiếp xúc nhiều với nghệ nhân dân gian nói: “Nghệ nhân chủ yếu lớn tuổi, ở khu vực nông thôn, ít cập nhật văn bản, chính sách. Thủ tục rườm rà quá làm khó họ, nhất là với người xứng đáng. Phong hay không họ vẫn là nghệ nhân. Tôi cho rằng nên có một hội đồng khoa học độc lập, theo dõi hoạt động và tôn vinh họ. Không cần phong cả nghìn người, quan trọng là những người xứng đáng, đặc biệt không chạy đua số lượng, tỉnh này có nghệ nhân, tỉnh kia cũng không chịu thua”.


Theo Toan Toan - TP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng