Tạp chí Sông Hương -
Tăng giá trị kinh tế cho làng nghề đúc đồng truyền thống
08:35 | 09/07/2014

Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã và 54 cơ sở gắn bó với nghề đúc đồng truyền thống với sự tham gia của hàng trăm người dân.

Tăng giá trị kinh tế cho làng nghề đúc đồng truyền thống

Thời gian gần đây, làng nghề đúc đồng truyền thống Huế bên cạnh sản xuất những sản phẩm thế mạnh để phục vụ nhu cầu làm quà tặng của khách du lịch, nhiều cơ sở đưa thêm nhiều sản phẩm mới, nhất là sản phẩm mang tính tâm linh để phục vụ nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và cả xuất khẩu.

Trong thời gian gần đây, cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B, phường Thủy Xuân, TP Huế tập trung chủ yếu vào sản xuất các mặt hàng tượng phật lớn, chuông lớn đặt tại các chùa trong cả nước. Những sản phẩm này rất được khách hàng các tỉnh ưa chuộng, bởi truyền thống đúc đồng có từ ngàn xưa và rất nổi tiếng của vùng đất Thừa Thiên Huế. 

Ra đời và tồn tại từ hàng trăm năm nay, nghề đúc đồng truyền thống Huế hiện có 9 nghệ nhân và 296 thợ lành nghề, tập trung chủ yếu ở 2 phường Phường Đúc và Thủy Xuân, Tp Huế.  Tuy nhiên, lâu nay nghề đúc phát triển theo kiểu cha truyền con nối chứ không qua một trường lớp hay khóa đào tạo nào nên sản phẩm chưa đạt đến độ tinh xảo nên chưa hấp dẫn khách. Trước thực trạng đó, Cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B ở khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP Huế đã xây dựng đề án đào tạo nghề đúc đồng truyền thống cho 20 lao động trên địa bàn nhằm phát triển nghề và mở rộng quy mô. Qua quá trình khảo sát và thẩm định, Sở Công thương đã phê duyệt đề án với tổng mức hỗ trợ 40 triệu đồng trên tổng kinh phí khóa đào tạo 4 tháng là 100 triệu đồng. 

Với kinh nghiệm trên 40 năm gắn bó với nghề đúc, sản phẩm chính của cơ sở Nguyễn Văn Thuận B chủ yếu là chuông, tượng cỡ lớn và các loại đỉnh, lư, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ đồng phục vụ nhu cầu thờ cúng . Hàng chục bức tượng và chuông đồng lớn với kích thước từ 2- 3,5m đã và sắp hoàn thành, như chiếc chuông đồng nặng 1 tấn với giá 400 triệu đồng do một khách hàng ở Hàn Quốc đặt làm, bức tượng Thiên thủ Thiên giản do một vị sư ở Chùa Pháp Vân ở TP Hồ Chí Minh đặt, tượng Ngài Bổn Sư có trọng lượng 1 tấn do Chùa Lộc Ninh  đặt hàng. Ông Nguyễn Văn Thuận B, Chủ cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Thuận B cho biết “Cơ sở hiện nay tập trung vào sản xuất các sản phẩm tượng và chuông lớn là chính. Những sản phẩm này đòi hỏi kỹ thuật cao và kỹ năng của những người thợ. Do đó, cơ sở ông thực hiện đào tạo khoảng 20 người thợ trẻ để đáp ứng nhu cầu”.

Hiện nay, các cơ sở đúc đồng truyền thống Huế bên cạnh các hợp đồng đặt hàng của các chùa, DN các tỉnh, TP trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, Hà Nội, Ninh Bình…, cơ sở còn sản xuất nhiều sản phẩm mới xuất khẩu sáng Mỹ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, doanh thu mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, khi có sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn khuyến công sẽ góp phần giúp cơ sở phát triển nghề và tạo ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách. Ngoài ra, cùng với công tác khôi phục và phát triển nghề đúc, ngành công thương sẽ hỗ trợ các cơ sở đúc đồng tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ lớn trong và ngoài nước nhằm đưa sản phẩm đúc đến rộng rãi với thị trường quốc tế. Ông Lê Tự Dũng, Phó giám đốc Sở công thương tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết “lâu nay, người dân làng nghề đúc đồng chủ yếu dựa vào các kỹ năng tự phát và vốn nghề sẵn có để sản xuất các sản phẩm đúc. Do đó, việc hỗ trợ các khóa đào tạo nghề đúc đồng sẽ mang đến những hiệu quả kinh tế cũng như giúp các cơ sở đúc đào tạo ra những người thợ giỏi nghề và có kỹ năng sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường và hướng đến xuất khẩu, góp phần rất lớn trong việc khôi phục và phát triển nghề đúc truyền thống của tỉnh”.

Theo TRT

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng