Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Đình Toán kể chuyện Tô Hoài
08:38 | 09/07/2014

Không phải là người viết văn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán có cách kể chuyện của riêng mình, bằng những bức ảnh. Mỗi nhân vật của làng văn nghệ đều sống trong ký ức của ông qua hình ảnh.

Nguyễn Đình Toán kể chuyện Tô Hoài
Cuộc hôn nhân kéo dài gần 70 năm đời người của nhà văn Tô Hoài

Ngay chiều 6/7, khi báo chí đang truyền nhau thông tin nhà văn Tô Hoài qua đời, đã thấy Nguyễn Đình Toán lặng lẽ gửi ảnh đến, những hình ảnh ông gấp rút chọn từ bộ sưu tập của mình, đều là ảnh số. Trong đó, có bức ảnh chân dung Tô Hoài cười tươi đăng khắp các báo suốt mấy hôm nay.

Câu nói nhỏ, niềm tự hào lớn

Nguyễn Đình Toán bắt đầu chụp Tô Hoài đầu những năm 1990, khi ông làm việc ở Bộ Giao thông, vẫn ghé Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở số 51 Trần Hưng Đạo để thăm văn nghệ sĩ. Hỏi chuyện chụp Tô Hoài, ông cười, khoe ngay: “Cứ có báo chí phỏng vấn, hỏi xin ảnh là nhà văn nói: Muốn có ảnh tôi thì cứ hỏi anh Toán. Nghe vậy, tôi tự hào lắm”.

Ở ảnh Nguyễn Đình Toán, tính giản dị, khiêm nhường toát lên ngay từ con người đứng đằng sau ống kính. Bức ảnh chân dung Tô Hoài của Nguyễn Đình Toán phổ biến đến thế vì sự rõ nét, đơn giản, gần gũi, đời thường.

Ảnh chụp từ một khoảng cách rất gần, nụ cười của nhà văn cực kỳ tự nhiên. Đó là ngày 10/7/2003 tại ngôi nhà tập thể của con gái đầu nhà văn Tô Hoài tại Nghĩa Đô, Hà Nội. Một khoảnh khắc “đời thường của đời thường”, chẳng phải một dịp đặc biệt nào hết, bởi Nguyễn Đình Toán vẫn có thói quen tìm đến Tô Hoài như vậy.

“Vợ chồng Tô Hoài có ngôi nhà ở phố 21 Đoàn Nhữ Hài, gần phố Trần Quốc Toản, nhưng tôi thấy ông thường đến ngôi nhà ở Nghĩa Đô nhiều hơn. Thậm chí, như thể ông thường xuyên sống ở đây những năm cuối đời” - nhà nhiếp ảnh kể. Điều này không có gì khó hiểu, khi Nghĩa Đô là quê mẹ của Tô Hoài, là nơi ông sinh ra và gắn bó suốt cuộc đời.

“Nhà vợ chồng Tô Hoài có điện thoại bàn, nhưng thỉnh thoảng gọi không được. Tôi có thói quen không hẹn trước mà cứ phóng xe đến Đoàn Nhữ Hài, hôm nào thấy nhà đóng cửa thì lại qua Nghĩa Đô, kiểu gì cũng gặp ông. Thấy ống kính, ông thoải mái lắm. Ông không bao giờ bảo tôi gửi ảnh, nhưng biết ảnh vẫn đăng báo đều”.

Tô Hoài và đêm nhạc Phạm Duy

Nhà nhiếp ảnh tin ông có duyên gặp nghệ sĩ và bắt được những khoảnh khắc đáng nhớ. Tháng 1/2006, ông không hẹn mà gặp Tô Hoài ở TP HCM. Khi đó, Nguyễn Đình Toán được đạo diễn Doãn Hoàng Giang mời vào TP HCM nhân dịp công diễn một vở kịch. Còn nhà văn Tô Hoài vào TP HCM để ký hợp đồng bán bản quyền tác phẩm cho công ty sách Phương Nam.

Chụp Tô Hoài nhiều đến vậy, nhưng Nguyễn Đình Toán không hay trò chuyện với ông. Cách giao tiếp của nhà nhiếp ảnh là quan sát, bằng cả đôi mắt của chính mình và qua ống kính. “Dường như lúc nào Tô Hoài cũng viết. Trong các sự kiện, Tô Hoài thường ghi chép vào một quyển sổ hoặc những mảnh giấy rời. Tôi tiếc không một lần chụp lại bút tích của ông”.

Họ cùng ngồi trên một chuyến bay, đến khi máy bay hạ cánh mới biết. Sau đó, Nguyễn Đình Toán đi cùng Tô Hoài trên chiếc xe do nhà văn Đoàn Minh Tuấn ra đón.

Nhờ cuộc gặp không hẹn trước đó, ông có cơ hội chụp Tô Hoài trong sự kiện ký hợp đồng (nhờ cuộc ký kết này mà nay công ty sách Phương Nam có kế hoạch xuất bản lại toàn bộ tác phẩm của Tô Hoài), một cuộc tọa đàm do NXB Tổng hợp TP HCM tổ chức. Đặc biệt hơn cả, là đêm nhạc Phạm Duy ngày trở về đầy đáng nhớ năm đó.

Đó là đêm nhạc đầu tiên của Phạm Duy tại Việt Nam sau khi về nước, tổ chức ngày 5/1/2006 tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon, được đông đảo báo chí đưa tin.

Năm đó, nhiều nhân vật nổi tiếng đã có mặt, nhạc sĩ Phạm Duy cùng gia đình, vợ chồng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS Trần Văn Khê… “Lúc đó, ít ai để ý đến vợ chồng nhà văn Tô Hoài cũng có mặt trên hàng ghế khán giả, nhưng tôi thì không quên ghi lại hình ảnh của họ” - nhà nhiếp ảnh kể.
 

Giải thưởng Tô hoài: nên như thế nào?

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), việc xây dựng một giải thưởng văn học mang tên Tô Hoài là điều nên làm để tôn vinh những tác phẩm xuôi về Hà Nội, cũng như về cây đại thụ văn học này. "Tô Hoài là người Hà Nội và đi vào lịch sử văn học cũng với rất nhiều tác phẩm văn xuôi về Hà Nội. Hội nhà văn Hà Nội có lẽ sẽ  nghiên cứu xây dựng một giải thưởng mang tên ông, để trao cho tác phẩm xuất sắc viết về Hà Nội của bất cứ tác giả đến từ vùng quê nào. Giải thưởng này có thể tồn tại độc lập, hoặc trở thành một phần trong giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Hà Nội"- ông Nguyên nói

Chiêu Minh

Theo Mi Ly - TT&VH

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng