Tạp chí Sông Hương -
Khả năng nhận thức âm nhạc: Tự nhiên hay nuôi dưỡng?
08:03 | 23/07/2014

Bạn có nhớ khi còn là một đứa trẻ, cách bạn nghe, nhận biết và cảm thụ âm nhạc khác với hiện tại như thế nào không?

Khả năng nhận thức âm nhạc: Tự nhiên hay nuôi dưỡng?

Khi nghe nhạc, con người thực hiện một quá trình nhận thức rất phức tạp: cùng một lúc, bộ não phải ghi nhớ, xâu chuỗi các yếu tố cấu thành âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, âm sắc nhạc cụ, hòa âm v.v. để có thể cảm nhận được một bản nhạc hoàn chỉnh.

Vậy khả năng nhận thức âm nhạc là bẩm sinh hay phải qua trải nghiệm và luyện tập mới có được? Các nhà khoa học đã nghiên cứu quá trình phát triển khả năng nhận thức này ở con người từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành để tìm ra câu trả lời.

Rất nhiều người tự nhận mình bẩm sinh không có khả năng cảm thụ âm nhạc, hay nói vui là ‘tai trâu’. Nhưng rõ ràng thực tế là tất cả mọi người đều sở hữu ‘tai người’. Với các thí nghiệm sử dụng công nghệ đo đạc não bộ tiên tiến, các nhà khoa học đã tìm ra những bằng chứng cho thấy ngay từ trong bụng mẹ, tất cả chúng ta đã sở hữu một số tố chất để lĩnh hội âm nhạc.

Từ khi còn là thai nhi, cơ quan thính giác của con người đã khá nhạy cảm. Những âm thanh từ cơ thể người mẹ như tiếng thở, tiếng tim đập, tiếng mẹ nói v.v. đều có thể kích thích cơ quan thính giác của thai nhi. Đến khoảng 28-32 tuần tuổi, thai nhi đã có thể có những phản ứng vận động đối với các kích thích âm thanh từ bên ngoài (LeCanuet, 1996). Việc tiếp xúc với các loại âm thanh khi còn trong bụng mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến độ nhạy cảm và sở thích âm thanh của trẻ. Mặc dù thai nhi chỉ có thể nghe được những âm thanh có tần số sóng âm thấp và các âm thanh cũng bị nghẹt (do sóng âm bị thay đổi khi truyền qua nước ối - hãy thử tưởng tượng như khi ta nghe âm thanh dưới nước vậy), nhưng nó vẫn có thể nhận ra đường nét giai điệu và tiết tấu của lời nói hoặc âm nhạc và sẽ có xu hướng thích những âm thanh đã quen thuộc với mình từ khi còn trong bụng mẹ hơn.

Một thí nghiệm của DeCasper và cộng sự (1986) đã cho thấy các em bé tỏ ra thích thú hơn với ngữ điệu của những câu chuyện được mẹ đọc đi đọc lại thành tiếng trong ba tháng cuối của thai kỳ. Đặc biệt, các em bé sơ sinh có khả năng nhận ra giọng nói của mẹ mình. Như vậy, có thể nói khi vừa được sinh ra, các em bé đã có sự nhạy cảm nhất định đối với âm thanh. Đây là nền tảng chuẩn bị cơ bản cho những trải nghiệm âm nhạc sau này. Ta sẽ xem xét lần lượt khả năng trẻ nhỏ nhận biết từng yếu tố cơ bản tạo nên âm nhạc như thế nào.

Cao độ

Nhìn chung, trẻ em có thể nhận biết cao độ khá chính xác, gần như người lớn. Ví dụ, các thí nghiệm cho thấy trẻ 7-10 tháng tuổi đã có thể nhận ra cả những thay đổi nhỏ chỉ nửa cung trong cao độ (Thorpe, 1986). Hơn nữa, trẻ em có thể nhận biết được hai nốt bất kỳ có cách nhau một quãng tám hay không (quãng tám là một hiện tượng tự nhiên được coi là “sự kỳ diệu cơ bản của âm nhạc”, là khoảng cách giữa hai cao độ có tần số sóng âm gấp đôi nhau, tạo ra cảm giác rất tương đồng trong người nghe, ví dụ “Đồ” và “Đố”, “Là” và “Lá” v.v.) (Demany & Armand, 1984). Tuy nhiên, khả năng nhận biết cao độ và âm sắc của các nhạc cụ cũng phụ thuộc vào sự trưởng thành của cơ quan thính giác nữa. Các nghiên cứu cho thấy tuy độ nhạy cảm đối với cao độ là tố chất sẵn có của con người nhưng trẻ em nghe tốt những cao độ có tần số cao (âm vực cao) hơn và khả năng phân biệt những cao độ có tần số thấp (âm vực trầm) sẽ cải thiện dần dần cho đến năm 10 tuổi, bởi đến lúc đó ống nhĩ mới phát triển đầy đủ (Elliot & Katz, 1980).

Tiết tấu

Cùng với cao độ, tiết tấu là một trong những yếu tố cơ bản tạo thành âm nhạc. Từ khi mới hai tháng tuổi, trẻ đã có khả năng cảm nhận được nhịp điệu ổn định của một bản nhạc, phân biệt được các dạng tiết tấu khác nhau (Winkler, 2009), và đến bảy tháng tuổi có thể phân loại các dạng tiết tấu dựa theo nhịp điệu của bản nhạc, ví dụ như phân biệt các tiết tấu trong nhịp 2/4 với các tiết tấu trong nhịp 3/4 (Hannon & Johnson, 2005). Nhưng điều thú vị là sự nhạy cảm với tiết tấu của một người cũng được định hướng bởi nền văn hóa âm nhạc mà người đó tiếp xúc thường xuyên nhất. Trong một thí nghiệm, Hannon và Trehub (2005) đã cho trẻ sáu tháng tuổi nghe hai loại tiết tấu: một là đặc trưng của âm nhạc cổ điển phương Tây và một đặc trưng cho âm nhạc vùng Balkan (của các dân tộc Đông Nam Âu, thường có tiết tấu rất phức tạp). Kết quả cho thấy trẻ có thể nhận ra những lỗi sai trong cả hai loại tiết tấu tốt như nhau. Sau đó, Hannon và Trehub cho một số trẻ chỉ nghe nhạc cổ điển phương Tây trong một thời gian dài. Kết quả là đến khi 12 tháng tuổi, trong một thí nghiệm tương tự, những trẻ này tỏ ra ít nhạy cảm với tiết tấu âm nhạc Balkan hơn. Điều này gợi ý rằng trẻ em sinh ra có khả năng nhận biết một phạm vi rộng các phương thức sắp xếp tiết tấu khác nhau, nhưng dưới sự tiếp xúc thường xuyên với một hệ thống văn hóa âm nhạc nào đó, các em trở nên nhạy cảm chỉ với một số loại tiết tấu nhất định.

Đường nét giai điệu

Có lẽ đường nét giai điệu là yếu tố thu hút nhiều chú ý nhất của phần đông người nghe nhạc. Rất nhiều thí nghiệm đã cho thấy khả năng nhận biết đường nét giai điệu tốt ở trẻ sơ sinh. Trẻ 8-10 tháng tuổi có thể nhận ra khi một giai điệu thay đổi đường nét (ví dụ giai điệu đi lên thay vì đi xuống), và sử dụng đường nét để giúp nhớ một giai điệu như người lớn vậy (Trehub & Thorpe, 1984, 1987). Các nhà khoa học cũng chú ý rất nhiều đến mối liên hệ giữa sự nhận thức ngôn ngữ và âm nhạc, bởi lời nói bổng trầm cũng có những đặc tính về đường nét giai điệu và tiết tấu như âm nhạc. Bởi vậy có thể giải thích sự nhạy cảm bẩm sinh của trẻ em đối với tiết tấu và đường nét âm thanh là để phục vụ việc nhận thức cả hai lĩnh vực. Càng được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ, lời nói có vần điệu thì càng tăng khả năng cảm nhận đường nét giai điệu và tiết tấu. Đây cũng là lý do vì sao khi trò chuyện, chơi đùa với trẻ nhỏ, người lớn nên dùng giọng nói cường điệu dành cho trẻ em (child-directed speech).

Âm thuận, âm nghịch

Một trong những điều đáng chú ý nhất là các nghiên cứu còn cho thấy trẻ sơ sinh phân biệt được cả các âm thuận với các âm nghịch. Đây là nền tảng cho những cảm thụ thẩm mỹ về âm nhạc, và khả năng phân biệt những hợp âm hòa hợp hay ngang tai này là tự nhiên trong con người. Thí nghiệm của Schelling và Trainor (1996) thực hiện trên trẻ bảy tháng tuổi cho thấy trẻ có thể phân biệt được hợp âm quãng năm (âm thuận, ví dụ như Do-Sol) với quãng bốn và quãng ba cung (đều là âm nghịch) giống như người lớn. Tiếp theo thí nghiệm này, nhiều nghiên cứu đi sau còn chỉ ra rằng trẻ sơ sinh thể hiện rõ rệt sự thích thú đối với những giai điệu bao gồm nhiều âm thuận hơn (Trainor & Heinmiller, 1998). Như vậy, con người không chỉ sở hữu một số nền tảng cơ bản bẩm sinh để nhận biết âm nhạc mà còn để cảm thụ âm nhạc nữa.

… và những cấp độ nhận thức cao hơn

Khả năng cảm nhận cao độ, đường nét giai điệu, tiết tấu, câu nhạc v.v. đều biểu hiện bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Tuy vậy, các yếu tố này mới chỉ là những yếu tố cơ bản nhất trong quá trình cảm nhận âm nhạc. Những nhận thức ở cấp độ cao hơn như về điệu thức (hệ thống phân cấp các âm độ), thang âm (dãy các nốt nhạc được sắp xếp theo các khoảng cách cao độ nhất định), giọng (quy định âm chủ của bản nhạc), hòa âm (hệ thống các hợp âm dùng trong một giọng nhất định) v.v. thông thường không có được ở trẻ nhỏ cho đến khi khoảng năm tuổi. Ví dụ như hầu hết trẻ em dưới năm tuổi không thể hát chuẩn xác trong một giọng ổn định (Krumhansl) hoặc phân biệt các giai điệu dựa vào giọng chủ (Dowling). Trong khi người lớn có thể nghe ra các chuyển biến về hòa âm trong một bản nhạc thì phải đến khoảng bảy tuổi, trẻ mới có khả năng này (Trainor & Trehub, 1994). Như vậy, để phát triển khả năng nhận thức những yếu tố này, trẻ em cần một thời gian nghe và tiếp xúc nhiều với âm nhạc.

Tuy nhiên cũng phải chú ý rằng các yếu tố như điệu thức, giọng, hòa âm đều là những điểm đặc trưng của phong cách âm nhạc phương Tây, nên việc cần được tiếp xúc nhiều với nền văn hóa âm nhạc này để phát triển khả năng nhận thức các yếu tố trên là điều dễ hiểu. Điều đáng nói là, cũng tương tự như khả năng nhận biết tiết tấu, nghiên cứu cho thấy trẻ em giỏi hơn người lớn trong việc cảm nhận các thang âm lạ (các thang âm do người nghiên cứu nghĩ ra để phục vụ cho thí nghiệm chứ không được dùng trong âm nhạc thực tế). Nói cách khác, trẻ em có thể nghe một thang âm lạ mà không thấy nghịch tai như người lớn. Ta có thể liên hệ với hiện tượng tương tự trong khả năng ngôn ngữ: trẻ nhỏ sinh ra có khả năng phân biệt được nhiều loại âm vị (phonemes - các đơn vị âm thanh dùng một ngôn ngữ cụ thể), nhưng khi lớn lên, sau khi đã học được tiếng mẹ đẻ, sẽ mất đi khả năng nhận biết một số âm vị của các ngôn ngữ khác.

Tóm lại, nhiều bằng chứng đã cho thấy loài người sở hữu một số tố chất để có thể lĩnh hội âm nhạc ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, ví dụ như khả năng nhận biết cao độ, tiết tấu, đường nét giai điệu. Tuy vậy, đây mới chỉ là những yếu tố cơ bản nhất. Như tất cả các kỹ năng nhận thức khác, điển hình là ngôn ngữ, trẻ nhỏ cần phát triển hoàn toàn về mặt sinh học và nhất là được trải nghiệm âm nhạc nhiều để có thể đạt được tối đa khả năng cảm nhận âm nhạc khi trưởng thành. Mặt khác, một số khả năng nhận thức âm nhạc bẩm sinh của con người cũng có thể giảm sút khi ta lớn lên và quen với một nền văn hóa âm nhạc nhất định.

*Bài viết chỉ quan tâm đến khả năng nhận thức chứ không đề cập đến khả năng tạo ra âm nhạc như chơi nhạc cụ, sáng tác; và đối tượng nghiên cứu là người bình thường chứ không phải những trường hợp đặc biệt (thường được gọi là ‘thiên tài’).

Đọc thêm:
Mối liên hệ giữa âm nhạc và cảm xúc
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=7638


Tài liệu tham khảo:

I. Deliege & J. Slobada (1996) (Eds) Musical Beginnings, Oxford: OUP
W.J. Dowling (1999) “The development of music perception and cognition”, trong D. Deutsch (Ed), The Psychology of Music, 2nd edition, San Diego: Academic Press

M.P. Lynch, R.E. Eilers, D.K. Oller and R.C. Urbano (1990) “Innateness, Experience, and Music Perception”, Psychological Science, Vol. 1, No. 4, pp 272-276

W.F. Thompson (2009) Music, Thought and Feeling, Oxford: OUP

S. Trehub & L. Trainor (1994) “Listening strategies in infancy”, trong S. McAdams & E. Bigand (Eds), Thinking in Sound: the Cognitive Psychology of Human Audition, Oxford: Clarendon Press

Nguồn: Khánh Minh - Tia Sáng

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng