Theo đó, trên khu đất vườn Thiệu Phương xưa, nằm ở phía bắc Tử Cấm thành, trước mặt Thái Bình lâu, cạnh Duyệt Thị đường, rộng khoảng 8.000m2, sẽ được tái hiện bốn kiến trúc nhà gỗ truyền thống nối với nhau bằng lối đi lát gạch hình chữ "vạn", hai bên là hàng rào cây xanh tỉa tót phẳng phiu. Bao quanh là không gian vườn với một lạch nước chảy vắt ngang, cùng hệ thống giả sơn, mặt nước, non bộ, bonsai, hoa cảnh và cây ăn quả...
Việc tái hiện này dựa trên một số tài liệu lịch sử ghi chép, kèm theo bức tranh gương vẽ cảnh vườn Thiệu Phương do Bộ Công triều Nguyễn tổ chức thực hiện năm 1844, một số tranh mộc bản, đặc biệt là dựa vào kết quả khai quật khảo cổ học tại đây... Dự án chủ yếu với tính chất tôn tạo cảnh quan, thu hẹp không gian hoang phế của khu vực Hoàng thành; các thành phần công trình do đó mang tính chất dễ lắp ghép, tiện trong việc di dời và đảm bảo các nguyên tắc giữ gìn các vết tích khảo cổ học cũng như không biến động những dấu vết còn sót lại tại khu vườn này.
Thiệu Phương là khu vườn ngự nổi tiếng, được vua Thiệu Trị xếp vào "cung trung thập cảnh" (mười cảnh đẹp nhất trong cung cấm), và "thần kinh nhị thập cảnh" (20 thắng cảnh đất thần kinh). Kể từ sau khi nhà Nguyễn cáo chung, toàn bộ kiến trúc trong vườn bị sụp đổ, không gian trở nên hoang phế.
Ðây là khu vườn ngự uyển đầu tiên trong số khoảng 30 vườn ngự ở cố đô Huế được tái hiện. Theo định hướng ban đầu, vườn Thiệu Phương sau khi được tái hiện sẽ trở thành một phần trong chương trình "Khám phá bí mật vườn thượng uyển" trong chương trình "Ðêm hoàng cung" phục vụ du khách vào dịp Festival Huế 2010.
Theo TTO |