Tạp chí Sông Hương -
Thơ Nguyễn Viết Lãm – Hương ngâu thoảng bay
15:31 | 24/07/2014

LƯƠNG KIM PHƯƠNG
     Thi sĩ, y là người đi gieo hạt trái tim mình trên cánh đồng yêu thương
                                   -
Kahlil Gibran-

Thơ Nguyễn Viết Lãm – Hương ngâu thoảng bay
Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm - Ảnh: internet

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Viết Lãm khá phong phú, ông viết nhiều, bền bỉ như chính con người mình: thơ ca, hồi kí- tùy bút, dịch thuật, nghiên cứu- phê bình. Ở lĩnh vực nào, Nguyễn Viết Lãm cũng để lại những dấu ấn riêng. Song, trước hết, nhắc đến Nguyễn Viết Lãm là nhắc tới một nhà thơ mà hành trình thi ca và đặc trưng thơ của ông đã có những đóng góp nhất định cho thơ ca Hải Phòng nói riêng và thơ ca Việt nam nói chung.

  Con đường thơ Nguyễn Viết Lãm- Sự miệt mài không ngừng nghỉ

Cuộc đời  Nguyễn Viết Lãm gắn liền với những biến chuyển của lịch sử xã hội đất nước gần một thế kỉ (1919- 2013) nên thơ ca của ông trải qua nhiều giai đoạn: Thơ Mới- lãng mạn, thơ ca cách mạng, thơ sau đổi mới. Ở cả ba giai đoạn của thơ Việt thế kỉ XX, chưa bao giờ thơ Nguyễn Viết Lãm ở vị trí tiên phong hay đại diện cho một trào lưu, một xu hướng thơ nhưng không thể phủ nhận niềm mê say của ông dành cho thơ từ thưở thiếu thời tới những năm cuối đời. Trong hồi kí, Nguyễn Viết Lãm kể rằng ông cũng như người bạn thân là Chế Lan Viên rất thích đọc tác phẩm của nhà văn Pháp Andre Gide, trong đó câu mở đầu tác phẩm “Những chất dinh dưỡng trần gian” của Gide khiến ông tâm đắc: ” Ơi Na-tha-na-ên, ta sẽ dạy cho ngươi niềm say mê…”

Không có mặt trong hợp tuyển “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh trước 1945 nhưng Nguyễn Viết Lãm trước hết vẫn là một nhà Thơ Mới. Thời đó, Nguyễn Viết Lãm cho đăng thơ, truyện, tiểu luận trên các tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Tao Đàn, Sông Hương…với các bút danh Việt Chi, Tường Khanh, Nguyễn Hạnh Đàn. Dễ nhận thấy dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực trong các bài thơ của ông thời kì này như: Trăng vào cửa tháp, Trăng thanh tân, Màu đi…Đọc lại ta vẫn thấy một tâm hồn tuổi hoa niên với những xao động, chút buồn mơ hồ, len nhè nhẹ trong những vần thơ lãng mạn khi theo Trăng vào cửa tháp:

Thánh thót sương khuya từng giọt điểm

Huyền hổ đỉnh tháp bóng trăng soi

khi lắng lòng với Màu đi:

Anh lắng giữa đêm dài

Khe khẽ tiếng màu đi

Qua những kẽ bàn tay không cầm hương được nữa

Qua những kẽ thời gian rạn vỡ…

Chỉ riêng những vần thơ ấy thôi đã làm nên gương mặt thơ Nguyễn Viết Lãm trong nhóm thơ Quy Nhơn- Bình Định, khác với cái đau thương quằn quại của Hàn Mặc Tử, khác với cái kì dị siêu tưởng của Chế Lan Viên trong Điêu tàn, khác với cái phảng phất Đường Thi của Quách Tấn… Không như những bạn thơ tiền chiến kịp hoàn tất thời kì hoàng kim ngay khi vừa xuất hiện, Nguyễn Viết Lãm lộ diện trên làng thơ thời ấy rụt rè, khiêm nhường. Đó là những vần thơ đẹp, chớm nở trong hồn thơ người thanh niên mang bút danh Hạnh Đàn ngày ấy, nó mở ra con đường thơ  và lưu một dấu ấn trong thơ ông.

Thời kỳ văn nghệ kháng chiến 1945- 1975, Nguyễn Viết Lãm viết đều. Ông liên tiếp cho ra đời các tập thơ: Đồng xanh (1948), Chân trời (1961), Mặt trời thân yêu (1975) cùng hàng loạt các tập bút kí, dịch thuật. Đó cũng là quãng thời gian hoạt động cách mạng và hoạt động văn nghệ sôi nổi trong đời ông. Cũng như những nhà Thơ mới- lãng mạn khi đó, Nguyễn Viết Lãm  “phá cô đơn, ta hòa hợp với người” (Chế Lan Viên), mở rộng biên độ đề tài trong thơ mình để kịp thời thâu nhận muôn mặt của đời sống chiến đấu và lao động, của quê hương, đất nước. Đúng như  nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Thời kì này, thơ Nguyễn Viết Lãm đề tài hợp với cảm xúc, có nhiều bài nhuyễn, cảm động về tình, sâu sắc về ý. Không ít bài thơ được đánh giá cao ở thời điểm nó ra đời như Hạ long đêm bốc vác, Hầm chỉ huy đặt trong lòng núi... nhưng hôm nay đọc lại, chất thơ không còn được cuộc đời cộng hưởng như xưa.” Thiết nghĩ, tính thời vụ không phải hạn chế riêng của thơ Nguyễn Viết Lãm mà nó là hạn chế chung của thơ ca kháng chiến. Chỉ khi nào thơ thực sự được chắt ra từ một cõi riêng, vút ra từ một cây đàn xúc cảm, một trái tim nghệ sĩ thổn thức thì mới neo đậu bền lâu trong trái tim người đọc. Nguyễn Viết Lãm đã có những vần thơ như thế trong lúc cất tiếng gọi Dạ lan: “Dạ lan, dừng bước, dạ lan hương”, lúc ngước nhìn Đàn chim non trên biển:  “Ai từng ngăn sóng biếc/ Ai cầm được chim âu/ Sa Huỳnh Quy Nhơn Phan Thiết/ Chim bay trên sóng bạc đầu”,  lúc Ăn với em một quả xương rồng: “Quả ngọt màu son/ Như lòng người gái đảo/ Ôi, cái gió tháng ba/ Sém vàng ngọn cỏ/ Tóc phi lao cháy đỏ lưng đồi/ Gai trắng chích lòng tay/ Nhói đau như một điều kỉ niệm” hay là khi nằm nghe Xônat ánh trăng mà mường tượng: “Cánh đồng hướng dương vàng những trăng/ Trăng chảy trên đường làng/ Trên những màn sương huyền ảo/ Tâm hồn Bethoven giông bão/ Bỗng trở về thanh thản bình yên”. Giữa khói lửa chiến tranh, những vần thơ ấy như tiếng vĩ cầm du dương, dịu hiền.

Sau 1975, thơ Nguyễn Viết Lãm có những tìm kiếm để trở về bản thể thơ mình. Thơ ông thời kì này như thứ ngâu nở hoa muộn, hương thơm dịu. Nó kết hợp giữa cảm xúc và triết lí, những hồi ức trong những bài thơ tưởng nhớ về Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyên Hồng. Qua thơ Nguyễn Viết Lãm, ta bắt gặp thân phận và chân dung tác giả Bỉ vỏ:

Anh khóc giận, khóc vui

Hồn nhiên như trẻ nhỏ

Đấy, hồn anh cửa mở

Anh đặt xòe bàn tay

Lòng anh là bến đỗ

Nghe nắng gọi sông đầy

khúc Nguyện cầu cho cho nhà thơ họ Chế:

          Cái quàng tay trên vai mình vẫn ấm,

         Ngâu sân chùa hương ngát cả hàng hiên

Những chuyến đi tới Maxcơva, Xô-chi, Biển Đen để lại chùm Tứ tuyệt đường xa khá tinh lọc của con người giàu trải nghiệm. Năm 2004, tập thơ Hương ngâu của Nguyễn Viết Lãm đạt giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp toàn quốc các hội VHNT như một sự nhìn nhận, định giá xứng đáng cho đóa ngâu nở hoa bền bỉ này.

Đặc trưng thơ Nguyễn Viết Lãm

Theo chiều dài thời gian, thơ Nguyễn Viết Lãm khá đa dạng về đề tài, chất liệu, cảm hứng, bút pháp. Thơ ông là sự tổng hòa của một nhà thơ giàu tri thức, một tâm hồn bình dị, một bản tính khiêm nhường, lặng lẽ như một đóa ngâu dịu dàng nở trong vắng lặng, thuần khiết.

Chất hư ảo là một trong những đặc trưng của hồn thơ Nguyễn Viết Lãm. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Ấy là chất u ẩn, ma quái, một tính trội của thơ Quy Nhơn hồi ấy”. U ẩn thì tôi thừa nhận nhưng ma quái thì chưa hẳn. Thơ Nguyễn Viết Lãm không có những bóng ma Hời như Chế Lan Viên khi mơ về Chiêm Thành bí ẩn, không có những cười khóc rùng rợn, đau đớn với máu và hồn như thơ Hàn Mặc Tử.  Chỉ phảng phất cái hư ảo, u hoài của những câu thơ về Tháp Chàm như:

Áo sương mỏng dính vào da thịt

Vò võ chim trời gọi trở canh

(Trăng vào cửa tháp)

về trăng muộn:

Hoàng hôn đã bước qua song lạnh

Phòng vắng run run những ánh thừa

(Trăng thanh tân)

về những tiếng sương khuya:

Sương khoan thai và dịu hiền

Thánh thót điểm trên cõi lòng nhạc sĩ

(Xô nat ánh trăng)

Thơ Nguyễn Viết Lãm có dấu ấn của phép tương giao mà ông chịu ảnh hưởng của các nhà thơ tượng trưng, siêu thực Pháp khi hồn ông suy tưởng với những thi ảnh gắn với biểu tượng:  áo sương, giọt trăng, tiếng sương, trăng đôi cánh nõn, sợi hương dạ lan, cầu Khúc tinh, bắt nắng trong lòng tay  hay bọc hương ngâu trong vạt áo nâu sồng

Những hình ảnh biểu tượng đó không phải lạ trong sách vở cổ kim, Đông Tây mà người đọc nhiều, trải nhiều như ông đã biết song Nguyễn Viết Lãm đã dựa trên sự mở rộng trường nghĩa và thi ảnh, mang đến ý nghĩa mới cho ngôn từ, hình ảnh thơ mình. Có được điều này bởi hồn thơ ông giàu chất suy tưởng, có phần ảnh hưởng của Chế Lan Viên, người bạn thơ thân nhất của ông. Nhưng cái suy tưởng của Chế Lan Viên mang sức nặng của trí tuệ, triết lí còn ở Nguyễn Viết Lãm lại gắn với cảm xúc.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng cho rằng: Làm thơ không phải là sự phiên dịch ý tình ra hình ảnh mà phải có sự gắn kết của tư tưởng và cảm xúc, hình ảnh và ngôn từ. Thơ Nguyễn Viết Lãm tuy không phải là những ngọn tháp sừng sững như những bạn thơ cùng thời của nhóm thơ Quy Nhơn, Bình Định ngày ấy song níu giữ ta lại ở sự quyện hòa của cảm xúc và tri thức, của giọng điệu và bút pháp.

Xúc cảm trong thơ Nguyễn Viết Lãm dịu nhẹ mà lắng sâu. Chút mơ mộng, hư ảo mang hơi hướng Quy Nhơn, Bình Định và cái dìu dịu, lắng sâu trong hơi thơ, giọng thơ của ông đã trở thành phong vị riêng cho thơ Nguyễn Viết Lãm trong phong trào thơ ca đất Cảng những năm chống Mỹ và sau đổi mới.

Đó là thứ hương ngâu, đằm sâu, không lập tức quyến rũ mà hương phai lâu. Nhớ Nguyễn Viết Lãm, tôi nhớ đến thứ hương ngâu ấy: “Ngâu vàng hương thoảng bay/ Khói hoàng hôn lặng lẽ…” Mùi hương ngâu dịu dàng, hướng thiện ấy phù hợp với tự bạch của Nguyễn Viết Lãm về thơ: “Tôi có ý thức thường xuyên đưa vào thơ mình tình cảm nhân hậu, vì theo tôi, thơ là địa hạt không dành cho sự độc ác và hận thù” (Lời nguyện).

Hải Phòng, những ngày đầu tháng 6/2014

Nguồn: Phebinhvanhoc

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng