Tạp chí Sông Hương -
Có lúc chúng tôi phải xếp hàng mua "X30 phá lưới"
15:10 | 29/07/2014

Bất kỳ người cầm bút nào cũng đều mơ ước rằng tác phẩm của mình sẽ trở thành sách gối đầu giường của hàng triệu người. Sao chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại không mong muốn một ngày tác phẩm của mình hiện diện trên các ngôn ngữ của dân tộc khác chứ?

Có lúc chúng tôi phải xếp hàng mua "X30 phá lưới"
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
LTS: Văn học nghệ thuật là con đường bền vững nhất, đáng mơ ước nhất để một đất nước được biết đến trên bản đồ quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có được tác phẩm nào có tầm như vậy. Đâu là nguyên nhân? Chúng tôi cùng trao đổi với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
 
Tại sao phải dối lòng?
 
Một nhà văn vẫn nói rằng một ngày nào đó, ông ấy sẽ viết ra cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel Văn học. Tôi biết có rất nhiều người cười nhạo, chễ giễu nhà văn ấy. Họ cho rằng giấc mơ của ông ta là giấc mơ viển vông nhất trong các giấc mơ. Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông cũng là người cầm bút, vậy ông nghĩ gì về giấc mơ kia? Và hơn hết, ông có giấc mơ đó không?
 
Bất kỳ người cầm bút nào, dù là một nhà văn với những trang viết còn vụng về, nông cạn thì cũng đều mơ ước rằng tác phẩm của mình sẽ trở thành tác phẩm lay động hàng triệu trái tim, cuốn sách mình viết ra trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu người. Sao chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại không mong muốn một ngày tác phẩm của mình hiện diện trên các ngôn ngữ của dân tộc khác cơ chứ?
 
Chỉ tiếc là chúng ta luôn có thói quen giấu đi những giấc mơ của mình và nói ra những lời dối lòng. Chỉ tiếc là chúng ta, thay vì trân trọng giấc mơ của người khác, lại đi cười nhạo họ.
 
Sao lại chế giễu những giấc mơ đẹp đẽ ấy? Sao lại cho nó là hão huyền? Đấy là một khát vọng chân chính. Đấy là ý thức rõ rệt của một nhà văn. Anh ta phải biết mơ giấc mơ đó. Dù có thể anh ta sẽ không đi đến tận cùng giấc mơ của mình và biến nó thành sự thật. Nhưng nếu anh ta không có một giấc mơ, một hành động và một sự dấn thân tuyệt đối cho giấc mơ của mình thì anh ta sẽ không làm được điều gì cả.

Nhưng điều đó có vẻ còn quá xa vời với các nhà văn Việt Nam, khi mà nền văn học của chúng ta còn quá xa lạ với thế giới, khi mà chúng ta vẫn mòn mỏi chờ đợi một tác phẩm văn học Việt Nam thành kinh điển của nhân loại?
 
Trước hết phải định nghĩa thế nào là tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn là một tác phẩm văn học mà khi người ta đọc xong, nó đã thay đổi họ. Nó mang đến cho họ một thế giới mới hơn, rộng lớn và sâu sắc hơn, thay đổi bên trong họ. Trong một khía cạnh nào đó, con người đó đã được khai sáng, và họ sẽ phải cúi đầu tôn kính cuốn sách ấy như một sự mang ơn.
 
Nhiều nhà văn lớn trên thế giới cho rằng tác phẩm lớn phải là tác phẩm mà nó mang đến một cuộc cách mạng trong tâm hồn bạn đọc: về tinh thần, về tư tưởng, về trí tuệ, về vẻ đẹp.
 
Dân tộc ta có thể đã có những tác phẩm làm được điều đó, ví dụ như những tác phẩm của Nguyễn Trãi, của Nguyễn Du...
 
Trước năm 1975, có một số tác phẩm quan trọng làm thay đổi nền văn học VN, thay đổi cách đọc của độc giả VN. Có những nhà văn nhà thơ xứng đáng là một số tác giả lớn như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Nam Cao...
 
Tác phẩm của những nhà văn này đã tác động lên đời sống xã hội một cách sâu sắc, làm cho con người có những thay đổi lớn lao trong tinh thần sống của họ. Nhưng với tôi, tôi vẫn đợi những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại có thể ảnh hưởng đến những nền văn hoá khác, đến những bạn đọc khác.
 
Trọng trách này giờ được giao cho các nhà văn đương đại của chúng ta. Lợi thế của họ là họ được tiếp nhận rất nhiều thông tin so với cha anh họ. Họ cũng đã được tiếp xúc cơ bản những tác phẩm tiêu biểu của thế giới dịch ra tiếng Việt. Thậm chí có những người có thể đọc nguyên bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Nhưng cái khó của họ là nền văn học sau năm 1975 bị che khuất bởi đời sống đa phương tiện và bởi đòi hỏi của bạn đọc hiện nay ngày càng khắt khe.
 
Trước đây người ta có thể xếp hàng hoặc phải có giấy giới thiệu để mua cuốn "X30 phá lưới". Nhưng ngày nay chuyện đó không còn xảy ra nữa, ngay cả với nhưng cuốn sách tình báo rất hay về điệp viên - Anh hùng Phạm Xuân Ẩn. Bởi vì thông tin đó họ đã được nạp ở đâu đấy, bằng cách nào đấy. Và nhu cầu giải trí, nhu cầu đọc của họ đã được giải quyết trên nhiều phương tiện như truyền hình, facebook, báo mạng và quá nhiều các loại hình giải trí khác....Đó là thách thức với nhà văn.
 
Chúng ta đã mất cảm hứng sống
 
Có bao giờ ông thử ngồi cắt nghĩa tại sao chúng ta lại chưa đạt được những thành tựu thực sự vĩ đại trong văn học không?
 
Mới đây, tôi có cuộc trao đổi với một số nhà quản lý văn học nghệ thuật về việc làm thế nào để chúng ta có thể có những tác phẩm đỉnh cao.
 
Theo cách nhìn của tôi (và nếu ai không nhìn với cách nhìn của tôi thì tôi khuyên là hãy bình tĩnh, hãy lùi lại để suy nghĩ về cách nhìn đó), đó là chúng ta đã đánh mất cảm hứng sống. Những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, cảm hứng sống của dân tộc này vô cùng lớn lao. Và các nghệ sỹ như là những giai điệu trong một bản giao hưởng lớn của dân tộc. Chính thế mà các nhà văn nhà thơ thời đó đã viết trong một cảm hứng lớn của dân tộc.
 
Rất nhiều các nhà văn ở các thế hệ khác nhau đang sống và viết bây giờ đã đánh mất cảm hứng sống. Họ bị hơi nóng của những sự vụ mang tính xã hội thường nhật ảnh hưởng vào trang viết.
 
Họ bước qua những run rẩy trên mỗi bậc cửa nhỏ bé từ ngôi nhà riêng của họ cho đến con đường rộng lớn ngoài thế gian mà không hề để ý. Họ đã vô tình biến họ thành những nhà báo "thiếu thông tin" trong các tác phẩm có ghi một thể loại văn học nào đó. Không ít các nhà văn coi những lãng mạn, những giấc mơ, những thì thầm trong đời sống quanh họ là những thứ phù phiếm và cũ mèm. Họ đã sai. Càng đi như thế họ càng rời xa nghệ thuật.
 
Một lẽ đương nhiên là, nhà văn có cảm hứng sống đến đâu thì cảm hứng sáng tạo sẽ đến đó. Một người sống 10 phần thì sẽ viết được 10 phần. Một người chỉ sống được 3 phần thì tức khắc chỉ viết được 3 phần.
 
Chúng ta chưa tạo ra được một đời sống lớn trong toàn bộ xã hội. Chính bởi vì thế chúng ta chưa tạo ra một đời sống đầy trung thực và dâng hiến trong thế giới của các văn nghệ sĩ. Chúng ta đang tàn phá thiên nhiên, huỷ hoại môi trường, chúng ta đang sống ích kỷ, mưu mô và vô cảm. Chủ nghĩa ích kỷ chưa bao giờ lại thống trị con người như bây giờ. Chỉ nói về tội phạm, chưa bao giờ sự man rợ trong hành vi phạm tội lại kinh khủng như bây giờ. Cũng là loại tội phạm giết người, buôn lậu, ăn cắp, nhưng sao bây giờ lại có thể man rợ thế? Sự man rợ đã đi đến vạch giới hạn cuối cùng của nó. Sự băng hoại của con người đã leo lên mức cao nhất.
 
Ngay cả trong làng văn cũng vậy, có không ít các nhà văn, nhà thơ ngày ngày xuất hiện các mạng xã hội để thóa mạ và bôi nhọ đồng nghiệp. Chúng ta khó nhìn thấy những cuộc trao đổi mang tính học thuật thực sự. Còn trên các tờ báo thường là những bài viết chung chung, với những lời nhận xét chung chung, nhàn nhạt, một chút khen, một chút chê. Chính đời sống không trung thực đó, một đời sống thiếu sự sáng tạo, thiếu cảm hứng đó sẽ vô cùng khó khăn để sinh ra những tác phẩm lớn. Không thể nào trên một mảnh đất hoang hoá, khô cằn lại có thể sinh ra những mùa màng trù phú.
 
Trong lúc đói kém, dân tộc bị đe doạ, bị áp bức, lúc đó người Việt nhìn thấy kẻ thù một cách rõ ràng nhất. Đó cũng là lúc họ thấy tự trọng của mình bị chà đạp, là lúc họ thấm thía nỗi đau của một dân tộc bị áp bức. Những ngay đó, con người sống với con người trong một tinh thần hoàn toàn khác. Lúc đó văn hoá Việt là một nền tảng quan trọng tạo nên thái độ sống của họ.
 
Còn ngày nay, chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù rất khó lường: thân xác của chúng ta. Tôi đã viết một bài tiểu luận có tên: Chúng ta là những kẻ đồng tính của chính mình.
 
Chưa bao giờ chúng ta chiều chuộng những ham muốn, những vuốt ve, những đòi hỏi của chính ta như bây giờ. Nhiều năm trước chúng ta nói nhiều đến chủ nghĩa thực dụng phương Tây và coi nó như một con quỷ. Nhưng đến bây giờ, chúng ta đón nó vào, chung sống với nó, ái ân với nó trên chính cái giường đời sống của chúng ta.
 
Nó đã đè bẹp khát vọng sống, ý tưởng, sự run rẩy trong sáng và những giấc mơ đẹp đẽ...trong mỗi con người. Khi những điều đó mất đi trong con người nhà văn thì không bao giờ họ có thể nói được điều gì tương tự trong tác phẩm của họ.
 
Theo Tô Lan Hương - Vietnamnet
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh tẩy (29/07/2014)