Giải quyết nhu cầu đi lại thuận lợi trong khu vực Kinh thành Huế trên cơ sở các cây cầu hiện có là vấn đề khó khăn. Mâu thuẫn ở đây là hệ thống cầu cổ cần phải được nghiên cứu bảo tồn để phát huy giá trị vốn có của nó trong khi yêu cầu về mật độ tham gia giao thông ngày càng đông.
Kinh thành là trung tâm Quần thể di tích Cố đô Huế, một khu vực về diện tích không lớn (520 ha) nhưng giao thông lại là vấn đề mà nhiều cuộc họp, hội thảo đã thảo luận và được UBND tỉnh hết sức quan tâm.
Kinh thành Huế là một trong những thành lũy cận đại còn ở Đông Dương và cũng là thành lũy còn lại nguyên vẹn nhất ở Việt Nam. Hiện tại, khu vực Kinh thành Huế được chia thành 4 phường (Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành và Tây Lộc) với dân số khoảng 63.000 người.
Kinh thành Huế có 10 cửa chính và 1 cửa phụ gắn với các cửa là các cầu để liên hệ giữa kinh thành với các khu vực bên ngoài. Những cửa chính như: Cửa Chính Bắc (còn gọi cửa Hậu), Cửa Chính Tây, Cửa Chính Nam, Cửa Quảng Đức, Cửa Chính Đông (tức cửa Đông Ba, tên khu vực dân cư ở đây), Cửa Đông – Bắc (còn có tên cửa Kẻ Trài). Hiện tại, có 5 cầu cổ bắc qua sông Ngự Hà gồm cầu Vĩnh Lợi, cầu Kho, cầu Khánh Ninh, cầu Tây Thành Thủy Quan, cầu Đông Thành Thủy Quan (hay còn gọi là cầu Lương Y). Những cây cầu này có tuổi đời gần 200 năm, được làm từ chất liệu chính là đá và gạch rất chắc chắn.
ùng với dân cư đang sinh sống, hàng ngày khu vực Hoàng thành còn đón nhận bình quân hơn 6.000 du khách mỗi ngày. Như vậy giao thông đi lại sẽ qua 10 cây cầu cổ nhưng tập trung vào 5 cây cầu mà hướng chủ đạo nối giữa trung tâm thành phố với khu Hoàng thành trong đó cầu Kho, cầu Vĩnh Lợi là các cây cầu cổ chịu nhiều áp lực nhất.
Giải pháp phân luồng
Do nhu cầu giao thông của khu vực Kinh thành Huế ngày càng trở nên phức tạp ở một số cây cầu cổ như cầu Vĩnh Lợi, cầu Kho nên ngày 22/2/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo việc nghiên cứu kỹ các giải pháp nhằm đảm bảo giao thông đối với hai cầu Vĩnh Lợi và Ngự Hà. Văn bản này định hướng ba phương án nghiên cứu, bao gồm:
1. Giữ nguyên trạng và tổ chức phân luồng giao thông;
2. Giữ nguyên trạng và xây dựng mới các cầu tại các vị trí khác kết hợp tổ chức phân luồng giao thông;
3. Cải tạo mở rộng cầu cũ kết hợp với tổ chức phân luồng giao thông.
Trong điều kiện để dần đi tới giải pháp khả dĩ nhất, bắt đầu từ tháng 11-2012, UBND tỉnh đã ra văn bản phân luồng giao thông qua các cây cầu cổ. Cho phép ô tô lưu thông một chiều qua cầu Vĩnh Lợi, cầu Kho theo hướng phía bắc qua phía nam; qua cầu Khánh Ninh theo hướng ngược lại là từ phía nam qua phía bắc. Các phương tiện thô sơ, xe máy, mô tô và người đi bộ vẫn lưu thông 2 chiều bình thường. Ngoài ra, sẽ cấm xe ô tô tải có tổng trọng tải xe và hàng trên 5 tấn, xe trên 30 chỗ ngồi vào lưu thông trong khu vực Kinh thành Huế. UBND tỉnh cũng quy định các xe ô tô có tổng trọng tải xe và hàng hóa dưới 5 tấn, ô tô chở khách từ 12 đến 30 chỗ ngồi chỉ được lưu thông vào ra khu vực kinh thành ngoài giờ cao điểm. Đối với các phương tiện cơ giới vận chuyển vật liệu xây dựng rời, chỉ được phép lưu thông trong khu vực Kinh thành Huế trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 05 giờ sáng hôm sau và phải che đậy cẩn thận, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời, chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh trước 7 giờ sáng hôm sau, nếu để rơi vãi trên các tuyến đường.
Giải pháp phân luồng trên bước đầu đã có hiệu quả. Tuy nhiên về lâu dài nếu như chưa giải quyết được giảm mật độ dân số trong khu vực Kinh thành trong khi lượng khách du lịch lại ngày càng tăng hơn thì bài toán giao thông ở khu vực này vẫn là vấn đề cần được quan tâm để có giải pháp phù hợp.
Giải quyết ách tắc gắn với các cây cầu cổ
Có ý kiến cho rằng: Kinh thành Huế các hạng mục là một thể thống nhất, theo một tỉ lệ hài hòa. Nếu đã mở rộng cầu thì phải mở rộng đường, mở rộng các cổng thành; và lúc đó di tích sẽ biến dạng hoàn toàn. Lại có những ý kiến đề cập, do Kinh thành Huế là di tích đặc biệt quốc gia và di sản thế giới thì việc chống ùn tắc giao thông trong Kinh thành Huế phải bằng biện pháp giảm mật độ dân cư và hạn chế những phương tiện giao thông không thật cần thiết. Không nên chọn giảm ùn tắc giao thông bằng cách phá hỏng di tích.
Để lựa chọn một giải pháp lâu dài cho bài toán giao thông đối với khu vực Kinh thành Huế, các cây cầu cổ nên được tôn tạo, các cây cầu mới lựa chọn vị trí phù hợp nhưng hình thức phải hài hòa với kiến trúc cầu cổ đã có. Đây là bài toán khó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa những kỹ sư cầu đường với các nhà kiến trúc cảnh quan, các nhà sử học và văn hóa nghiên cứu về kinh thành Huế.
Bên cạnh giữ gìn các cây cầu cổ, trong khu vực dân cư ở 4 phường ở khu vực Kinh thành Huế cần phải xây dựng các tuyến đường ngăn nắp trật tự, mỗi con đường là một nét đặc trưng có cảnh quan đẹp và điều này sẽ tạo thêm sức hút cho khách du lịch. Muốn vậy cũng lại cần sự tham gia tích cực của người dân. Không mở rộng các tuyến đường trong khu vực kinh thành bởi vì như vậy mất đi tính nguyên mẫu cổ kính của cố đô Huế. Đồng thời kết hợp với tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực kinh thành.
Sử dụng các kênh trong kinh thành phục vụ tham quan du lịch
Hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế là một mạng lưới gồm 3 lớp. Lớp ngoài là 4 con sông bao bọc 4 mặt đông, tây, nam, bắc của Kinh thành, gồm: sông Hương, sông Kẻ Vạn, sông An Hòa, sông Đông Ba, được sử sách gọi chung là Hộ Thành Hà của Kinh thành. Lớp giữa là hệ thống hào nước chảy ziczac quanh các mặt Kinh thành cùng với lớp tường thành tạo thành một hệ thống phòng thủ, bảo vệ Kinh thành. Lớp trong với dòng Ngự Hà làm chủ đạo, chảy ngang giữa lòng Kinh thành và liên kết với hơn 40 hồ lớn nhỏ, phân bố hầu khắp mặt bằng Kinh thành, tạo thành một hệ thống thủy đạo liên hoàn, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái và tiêu thoát nước thải từ nội thành ra ngoại thành.
Ngoài ra, còn có một hệ thống cống (lộ thiên và ngầm) giữ vai trò liên kết các lớp ngoài, giữa và trong, tạo thành một hệ thống thủy đạo liên hoàn phủ khắp Kinh thành Huế. Hiện nay, tỉnh đã và đang cho nạo vét sông Ngự Hà và các dòng kênh cũng như hồ ao trong kinh thành Huế. Như vậy, hệ thống thủy đạo ngoài chức năng tiêu thoát nước còn có chức năng giao thông thủy phục vụ du lịch. Đây cũng sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm kinh thành Huế.
Tuyên truyền ý thức tham gia giao thông
Quy định phân luồng và hạn chế ô tô và các phương tiện cơ giới đã được quy định nhưng qua ý kiến đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, thực tế vẫn không thực hiện nghiêm túc. Ban ngày, các xe trên 5 tấn, xe trên 30 chỗ ngồi, xe vận chuyển vật liệu vẫn hoạt động đi qua các cây cầu. Trên các cây cầu Vĩnh Lợi, Kho, Khánh Ninh… ô tô vẫn tránh nhau thường ngày, gây ách tắc giao thông. Để đảm bảo lưu thông trên các cây cầu cổ trong kinh thành Huế, trước tiên cần tăng cường tuần tra kiểm soát, những phương tiện vào nội thành trái quy định. Bên cạnh đó cần làm cho mỗi người dân phải vào cuộc và nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với bảo tồn kinh thành Huế từ nếp văn hóa giao thông hàng ngày. Các cơ quan chức năng cần giám sát để điều chỉnh kịp thời các vướng mắc giao thông phát sinh trong thực tế thì tính hiệu lực của quyết định mới được phát huy.
Theo PGS.TS Vũ Thị Vinh (Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam