Tạp chí Sông Hương -
Dấu ấn Lê Huy Miến qua 2 bức tranh 100 năm tuổi
14:33 | 01/08/2014

Cho đến tận bây giờ, những tác phẩm của Lê Huy Miến - vị họa sĩ Tây học đầu tiên, người được coi là mở đầu cho nền mỹ thuật VN hiện đại, vẫn còn chứa đựng những điều bí ẩn với các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam.

Dấu ấn Lê Huy Miến qua 2 bức tranh 100 năm tuổi
2 bức tranh vẽ ông bà Nguyễn Khoa Luận được lưu giữ tại chùa Ba La Mật (Huế) - Ảnh do họa sĩ Lê Huy Tiếp cung cấp

Hai bức tranh 100 năm tuổi

Những ngày tháng sáu vừa qua, một nhóm chuyên gia của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật VN đã tìm đến chùa Ba La Mật (Huế) để khảo cứu hai bức chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận của họa sĩ Lê Huy Miến đang được lưu giữ tại đây. Trước đó, nhiều người từng được nghe tới hai bức tranh này, nhưng không phải ai cũng đã nhìn thấy tận mắt.

Hai bức chân dung có kích thước nhỏ (chỉ khoảng 40 x 60 cm) nhưng từng nét vẽ vô cùng tinh xảo. Người ta thậm chí còn đọc được chữ viết trên cuốn sách mà cụ ông cầm, hay từng chiếc lông quạt trên tay cụ bà. Điểm nhấn của hai bức chân dung là cách họa sĩ thể hiện thần thái của ông bà Nguyễn Khoa Luận qua ánh mắt sáng rỡ và sinh động. Hai bức tranh cho thấy rõ khuynh hướng hội họa ảnh hưởng châu Âu cổ điển đối với Lê Huy Miến.

Nhiều tài liệu ghi họa sĩ đã sử dụng chất liệu phấn màu, nhưng thực ra ông đã dùng màu nước. Ngay cả niên đại của hai bức tranh được cho là năm 1895 cũng phải xem xét lại. Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp (người cháu gọi Lê Huy Miến là ông trẻ), thời gian Lê Huy Miến vẽ hai bức tranh vào khoảng từ năm 1913 -1924. Suy luận này được dựa theo thời gian họa sĩ Lê Huy Miến làm rể họ Nguyễn Khoa (ông kết hôn với cả hai người con gái của dòng họ Nguyễn Khoa). 

 

Dấu ấn Lê Huy Miến qua 2 bức tranh 100 năm tuổi 2 
Chữ viết trên cuốn sách mà cụ ông cầm

Tranh quý tại TP.HCM ?

Chính việc tìm lại hai bức chân dung của ông bà Nguyễn Khoa Luận đã tình cờ đưa đoàn khảo cứu đến cuộc hành trình khác. Một thành viên trong đoàn ngờ ngợ liên tưởng phong cách vẽ trong hai bức chân dung trên đến những bức tranh mà chị có lần phục chế. Ngay lập tức đoàn khảo cứu quyết định đến TP.HCM, tìm tới ngôi nhà nhỏ bên sông Sài Gòn, nơi lưu giữ những bức tranh này. Nhiều chi tiết cho thấy sự trùng hợp: đây cũng là hai bức chân dung được vẽ bằng màu nước, sự tỉ mỉ, sắc nét và thần thái trong tranh không khác với hai bức chân dung của ông bà Nguyễn Khoa Luận tại Huế là mấy.

“Người lưu giữ không nhớ chính xác tên họa sĩ. Ông này chỉ nhớ được mẹ kể lại là hai bức tranh do một họa sĩ đi học ở Tây về vẽ. Họa sĩ vẽ theo trí nhớ của mình, chỉ đến nhà uống rượu vài ba buổi mà đã vẽ được”, họa sĩ Lê Huy Tiếp kể. Thêm một chi tiết trùng hợp khác, người được vẽ trong tranh sống cùng làng với người chị ruột của cụ Lê Huy Miến. Rất có thể cụ Miến trong lần đến nhà chị chơi đã vẽ hai bức chân dung này tặng cho người hàng xóm. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là những phỏng đoán. Để khẳng định chắc chắn có phải là hai bức tranh do họa sĩ Lê Huy Miến vẽ không thì cần phải có thêm thời gian phân tích kỹ càng.

Số lượng các tác phẩm của họa sĩ Lê Huy Miến nhiều, nhưng rất khó tìm thấy dấu tích. Những bức tranh của ông được tìm thấy trong nước cho đến nay có thể kể tới bức Bình văn và Chân dung cụ Tú Mền đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, bên cạnh đó là bức chân dung cụ Lê Hy, ông bà Nguyễn Khoa Luận tại Nghệ An và Huế. Nhiều bức tranh của ông đã bị thất lạc, đến giờ không rõ ở đâu, còn hay mất. Trong số đó có thể kể tới bức tranh vua Thành Thái được Lê Huy Miến vẽ khi ông giữ chức Hành tẩu Bộ Công tại Huế. 

 

Họa sĩ Lê Huy Miến (1874 - 1943) (nhiều tài liệu và mộ phần của ông ghi tên Lê Văn Miến) sinh ra trong gia đình khoa bảng tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long), H.Nghi Lộc, Nghệ An. Cha ông là Lê Năng Nghiêm, người giữ nhiều chức quan dưới triều Nguyễn, trong đó có chức Án sát Hải Dương. Bản thân Lê Huy Miến là người học rộng tài cao, có tư tưởng chống Pháp nên e ngại chốn quan trường. Năm 1892, Lê Huy Miến tới Paris học tại Trường Thuộc địa (École Coloniale) theo diện tuyển chọn con cái quan lại triều đình. Sau khi tốt nghiệp, có lẽ vì không muốn về làm quan, bên cạnh đó là lòng đam mê nghệ thuật sẵn có, Lê Huy Miến ở lại tiếp tục theo học tại Trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux - Arts de Paris) và trở thành học trò xuất sắc của Jean Léon Gérôme. Lê Huy Miến là họa sĩ Tây học đầu tiên ở VN với kỹ thuật vẽ sơn dầu. Sau khi trở về nước, cuộc đời ông gắn bó nhiều với công việc dạy học. Ông đã dạy tại Trường Quốc học Huế, Trường École des Mandarins. Năm 1923, ông giữ chức Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám. Trong thời gian dạy học ông đã truyền tinh thần yêu nước cho rất nhiều học trò, trong đó có Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Lê Thước...

Nguồn: Minh Ngọc - TNO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng