Tạp chí Sông Hương -
“Vốn văn hóa" giúp bảo tồn nghề truyền thống
15:51 | 06/08/2014

Ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) có khoảng 70% số dân là người dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi. Tại đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào đang ngày càng có hướng phát triển. Đây là một dấu hiệu đáng mừng vì trước đây, "vốn văn hóa" quý giá này đã từng bị coi nhẹ, bị xem như là một "phương thức sản xuất lạc hậu", không được chú ý bảo tồn.

Đặc trưng văn hóa Cơ Tu, Tà Ôi

Hiện nay, ở A Lưới, ngoài những khung dệt nhỏ bé phục vụ cho nhu cầu gia đình, đã xuất hiện nhiều cơ sở dệt thổ cẩm quy mô khá lớn, tập trung ở thị trấn A Lưới, các xã A Roàng, A So, Hương Lâm... nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về loại hàng thủ công truyền thống độc đáo này. Đến tham quan các sản phẩm thổ cẩm do người Cơ Tu, Tà Ôi làm ra, khách du lịch có cảm nhận rằng, chất lượng vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng đại ngàn Trường Sơn này, cả về độ bền, màu sắc, độ mịn của vải và nghệ thuật trang trí hoa văn đều không thua kém bất cứ dân tộc nào.

Để làm ra những tấm thổ cẩm đầy tính nghệ thuật đó, cần cả một công đoạn "kỳ khu" với rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe và công phu. Về chất liệu thổ cẩm, trước kia, người Cơ Tu, Tà Ôi thường trồng bông để kéo sợi, nhưng ngày nay, nhờ sự giao lưu thuận tiện giữa các vùng, đồng bào thường mua sợi bông vải đã xe sẵn ở dưới xuôi. Những sợi bông được chọn lọc kỹ, xếp thành từng lọn, được cho vào nồi đồng, hoặc nồi đất loại to, nấu trong nhiều giờ liền. Khi sợi bông săn chắc lại thì vớt ra, cạo thật nhẵn, tách thành sợi nhỏ, phơi lên giàn tre cho khô ráo. Chế biến thuốc nhuộm là khâu quan trọng nhất, quyết định độ bền và giá trị màu sắc hoa văn của tấm thổ cẩm.

Theo lời chị Hồ Thị Bên, chủ một hộ chuyên nghề dệt thổ cẩm ở thị trấn A Lưới, để bảo đảm tiêu chuẩn về độ bền của màu, cũng như để đạt được màu sắc đặc trưng của các tấm thổ cẩm, nhất thiết không được sử dụng các loại phẩm màu hiện đại, mà phải sử dụng các chất liệu truyền thống được tinh chế từ các loại vỏ và rễ cây rừng.

Các mảng màu mà đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ở A Lưới ưa chuộng thường là một số màu đặc trưng như đỏ, trắng, xanh lá cây, xanh lục, vàng... Những họa tiết thể hiện hình quả trám, hoa lá, thú vật, chim muông trong truyền thuyết, tất cả đều được cách điệu, sắp xếp, thêu, dệt theo hình kỷ hà tam giác với nhiều màu sắc được phối hài hòa, sống động.

Có thể nói, mỗi tấm thổ cẩm là một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn chỉnh với những hoa văn trang nhã, phong phú và tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những sản phẩm độc đáo này biến thành những chiếc váy, áo, khăn choàng... truyền thống mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu, Tà Ôi...

Văn hóa truyền thống sinh ra… tiền

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển không ngừng của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ở A Lưới tồn tại cho đến ngày nay đã góp phần đưa các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống nâng lên một bước cùng với xu hướng phát triển chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có thể thấy rất rõ điều này vì trước đây, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở A Lưới chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhưng đến nay, do nhu cầu của thị trường nên sản phẩm truyền thống này đã trở thành hàng hóa tuân theo quy luật cung cầu.

Chị Kăn Phương, chủ một cơ sở kinh doanh mặt hàng thổ cẩm ở thị trấn A Lưới, cho biết, khách du lịch, nhất là người nước ngoài, khi đến A Lưới rất chuộng sản phẩm thổ cẩm của người Cơ Tu, Tà Ôi, mặc dù giá của một tấm tương đối cao, từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu đồng/tấm. Sở dĩ giá đắt như vậy, một phần do thổ cẩm được dệt nên bởi những chất liệu mang tính truyền thống, phần khác do tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa vùng cao.

Theo chị Phương, có một thời gian, nghề dệt thổ cẩm ở A Lưới tưởng chừng như bị mai một do thiếu nguyên vật liệu và gặp khó trong khâu tiêu thụ. Nhưng đây là nghề do ông cha truyền lại nên các hộ dân ở đây đã cố gắng gìn giữ. Đặc biệt, những năm gần đây, với sự hỗ trợ đắc lực của các ban, ngành chức năng địa phương, các hộ gia đình đang nắm giữ "vốn văn hóa" thổ cẩm ở A Lưới đã trực tiếp tham gia làm du lịch trên cơ sở "biến" nghề dệt thổ cẩm của mình thành sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. "Đây cũng là cách để người Cơ Tu, Tà Ôi mình bảo tồn nghề dệt truyền thống của địa phương một cách bền vững..." - Chị Kăn Phương nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu, được biết, ở A Lưới hiện có khá nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được thành lập với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ. Cùng với sản phẩm do các cơ sở dệt quy mô hộ gia đình, sản phẩm từ các hợp tác xã này được bán cho các cơ sở kinh doanh du lịch ở A Lưới và TP Huế, đồng thời được xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. Với mức thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng cộng với những sản phẩm từ kinh tế nông nghiệp đem lại, cuộc sống của các hộ gia đình đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

"Chúng tôi hi vọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở A Lưới sẽ ngày càng phát triển song hành cùng sự lớn mạnh của ngành du lịch địa phương. Sắp tới, nếu các chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc được đẩy mạnh hơn nữa, chúng tôi tin rằng "vốn văn hóa" từ các sản phẩm thổ cẩm sẽ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn tiến tới làm giàu..." - Ông Trương Văn Tuấn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Huế thường xuyên tổ chức các tua, tuyến lên A Lưới khẳng định.


Nguồn Báo Biên Phòng

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa Thu tế (05/08/2014)