Tạp chí Sông Hương -
Khơi lửa âm nhạc dân tộc
15:34 | 07/08/2014

Lỡ bằng tay, rớt bằng bể, ông bằng bình, vôi bình vôi/ Chủ bằng gia, bắt bằng được, đọa bằng đày, xứ bằng xa/ Xứ xa là xứ của người/ Biểu tui hớn hở vui cười nỗi chi... Giữa những ánh mắt say mê chăm chú, bài dân ca Nam bộ Lý bình vôi với những âm điệu khi khoan nhặt, lúc trầm bổng réo rắt vang lên trong căn phòng ấm cúng ngày cuối tuần. Gần 3 tháng qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn trẻ yêu mến âm nhạc dân tộc.

Khơi lửa âm nhạc dân tộc
NSƯT Hồng Vân hướng dẫn các thành viên CLB bài dân ca Nam bộ Lý bình vôi. Ảnh: LÊ MINH

Sân chơi cho các bạn trẻ

Lần đầu tiên, các thành viên của CLB Âm nhạc dân tộc Hương sắc ba miền (thuộc Trung tâm Văn hóa TPHCM) được tìm hiểu về kỹ thuật thanh nhạc và các làn điệu dân ca ba miền do các giảng viên là những NSƯT, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của TP giảng dạy vì vậy không khí rất háo hức. “Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa phi vật thể về loại hình âm nhạc dân tộc của các vùng miền trong cả nước, đồng thời tập hợp, gắn kết để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc tham gia truyền dạy, biểu diễn, giao lưu trao đổi và học tập kinh nghiệm với các bạn trẻ là mục đích mà trung tâm hướng tới khi thành lập CLB Âm nhạc dân tộc”, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM cho biết. Ra đời từ năm 2013, CLB Âm nhạc dân tộc Hương sắc ba miền chia thành 3 tổ sinh hoạt: tổ dân ca (dân ca Bắc, Trung, Nam), tổ dân vũ (các thể loại múa dân gian, dân tộc), tổ dân nhạc (các loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam).

Dẫn dắt các học viên từ dân ca Nam bộ (bài Lý bình vôi) sang dân ca Huế với Lý con sáo rồi đến quan họ, dân ca Bắc bộ qua bài 36 thứ chim, NSƯT Hồng Vân với cách giảng lôi cuốn và khá tinh tế khi vừa diễn vừa phân tích những trạng thái tâm lý, tình cảm đặc trưng của từng bài, từng miền. Có hơn 45 năm gắn bó với nghệ thuật dân ca nhưng với NSƯT Hồng Vân, dân ca luôn là một kho tàng nghệ thuật sâu thẳm, vô cùng. “Dân ca tinh tế từ âm điệu, xúc cảm tâm hồn đến phong cách nhả chữ. Làm sao thể hiện được cái óng ả như lụa, sự mịn màng như tơ thì mới thấy hết cái hay cái đẹp của dân ca. Tôi rất vui khi thấy nhiều bạn trẻ ngày nay yêu thích dân ca”, NSƯT Hồng Vân tâm tình. Tâm huyết vậy nên dù thời gian mỗi ngày đã chật kín, bà vẫn cố gắng thu xếp dành ngày cuối tuần để đến lớp với các học trò. Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhắm đã say, chỉ một câu dân ca cũng có thể khiến người ta nao lòng, một câu dân ca cũng khiến người ta hiểu nhau và yêu mến nhau hơn. Bà cất giọng ngâm rồi chia sẻ.

TS Nguyễn Nhã, Chủ nhiệm CLB Hương sắc ba miền chia sẻ: “Ở các nước phát triển người ta đều đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong trường học. Ai nấy đều rất vui khi Trung tâm Văn hóa TPHCM thực hiện chương trình này. Tôi nghĩ, đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt cho các hoạt động âm nhạc về sau vì từ một sẽ lan tỏa thành mười, từ mười sẽ thành trăm, từ trăm sẽ thành ngàn”.

Tiếp lửa âm nhạc dân tộc

Tiếp lửa tình yêu âm nhạc cho các bạn trẻ và đầy nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, NSƯT Quốc Trụ, Phó chủ nhiệm CLB Hương sắc ba miền ân cần vừa đệm đàn vừa xướng âm để các học viên của mình làm quen với những nốt nhạc đầu tiên. Thời gian giảng dạy của ông hầu như không còn nhưng khi biết được chương trình ý nghĩa mà Trung tâm Văn hóa TPHCM khởi xướng, ông nhận lời ngay. Ông chia sẻ: “Những ngày đầu, các học viên của tôi một nốt nhạc cũng không biết nhưng giờ thì đã rành phần căn bản rồi. Tôi luôn cố gắng truyền đạt làm sao để các bạn dễ hiểu, dễ học và dễ nhớ nhất. Mục tiêu hướng đến của CLB Hương sắc ba miền và Trung tâm Văn hóa TPHCM là làm sao để đưa dân ca vào trường học. Tôi rất tin tưởng và hy vọng vào những nhân tố từ các CLB như thế này”.

Tham gia sinh hoạt CLB từ những ngày đầu, chị Vũ Thị Ánh Nguyệt cho biết: “So với các loại hình âm nhạc khác, dân ca có sự giao thoa văn hóa rất hay. Tôi thích dân ca từ lâu lắm rồi nhưng mãi hôm nay mới được học, được tìm hiểu sâu về dân ca. Qua sự hướng dẫn của cô Hồng Vân, tôi cảm giác như mình được thả hồn vào bài dân ca, bao nhiêu lo toan, bao nhiêu buồn phiền chợt tan biến hết và tâm hồn rất thư thái”. Chị Ánh Nguyệt khẳng định, giới trẻ ngày nay không quay lưng với âm nhạc dân tộc như nhiều người vẫn nghĩ: “Minh chứng là ngày học đầu tiên, lớp chỉ có khoảng 10 người tham gia, giờ thì con số đã gần 25 người”.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM cho biết thêm, CLB Hương sắc ba miền hình thành vừa đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhất là các bạn trẻ, tập hợp một lực lượng cộng tác viên, những hạt nhân nòng cốt để khơi lửa tình yêu âm nhạc dân tộc. Từ kinh nghiệm tích lũy của CLB này, Trung tâm Văn hóa TPHCM sẽ có biện pháp nhân rộng mô hình trong hệ thống các đơn vị trung tâm văn hóa cơ sở, quận huyện trong tương lai.

Theo Minh An - SGGP

 


 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng