Tạp chí Sông Hương -
Những giấc mơ và hội họa
15:45 | 07/08/2014

Đánh đồng tranh của tôi với chủ nghĩa tượng trưng, ý thức hay vô thức… tức là không thật sự lưu ý đến bản chất đích thực của nó…

Những giấc mơ và hội họa
René Magritte , Trở về (The Return) - 1940

Người ta hoàn toàn sẵn sàng sử dụng các vật thể mà chẳng cần tìm kiếm chủ ý tượng trưng nào hàm chứa trong chúng, nhưng khi nhìn vào các bức tranh, họ lại không tìm thấy sự hữu dụng nào có thể gán cho chúng. Vì thế, họ săn tìm một ý nghĩa nào đó để thoát khỏi tình thế khó xử ấy và cũng bởi vì họ không hiểu phải nghĩ gì khi đối diện bức tranh… Họ muốn có cái gì đó để dựa vào, để cho họ cảm thấy dễ chịu hơn. Họ muốn một cái gì đó đảm bảo để mình bám lấy, vì như thế, họ có thể bảo vệ mình trước sự trống rỗng. Những người tìm kiếm ý nghĩa tượng trưng không thể nắm bắt được tính thơ nội tại và sự bí ẩn của hình ảnh. Họ chắc cũng cảm thấy sự bí ẩn này nhưng họ muốn rũ bỏ nó. Họ sợ. Bằng việc đặt câu hỏi: “Cái này có ý nghĩa gì?”, họ thể hiện một mong muốn rằng mọi thứ đều có thể hiểu được. Nhưng nếu họ không khước từ sự bí ẩn, họ đã có thể có một phản ứng khác. Người ta sẽ hỏi những câu hỏi khác.

Hình ảnh phải được nhìn như chính bản thân chúng (The images must be seen such as they are). Hơn nữa, tranh của tôi không hàm ẩn một uy quyền dành cho cái vô hình trong tương quan với cái hữu hình. (Bức thư sau lớp phong bì không phải là thứ vô hình; cũng như mặt trời không phải là vô hình khi nó bị che khuất sau một rặng cây). Trí tuệ của ta yêu thích cái chưa được biết. Nó yêu những hình ảnh mà ý nghĩa của chúng chưa được biết vì ý nghĩa của bản thân trí tuệ vốn đã là cái chưa được biết. Trí tuệ không hiểu được chính lý do tồn tại của nó.

Từ “giấc mơ” (dream) thường bị dùng sai khi nói về hội họa của tôi. Chắc chắn chúng ta muốn vương quốc của những giấc mơ được tôn trọng – nhưng tác phẩm của chúng ta không thuộc về giấc mơ. Nếu “giấc mơ” được dùng trong ngữ cảnh này, chúng rất khác với những gì chúng ta trải nghiệm trong giấc ngủ. Đúng hơn, ở đây ta phải nói đến những “giấc mơ” bám riết ta một cách bướng bỉnh (self-willed), ở đó, không có gì mơ hồ hơn cảm giác của ta khi thoát khỏi những giấc mơ ấy… “Những giấc mơ” không ru ta vào giấc ngủ; chúng đánh thức ta dậy.

Nếu là một người theo thuyết định mệnh, hẳn người ta luôn tin rằng một nguyên nhân sẽ tạo hệ quả tương tự. Tôi không phải là người theo thuyết định mệnh, song tôi cũng không tin vào sự ngẫu nhiên. Nó cũng đóng vai trò như một sự “kiến giải” khác nữa về thế giới. Vấn đề phức tạp chính là ở chỗ này, khi ta khước từ bất kỳ sự lý giải nào về thế giới, dù thông qua sự ngẫu nhiên hay chủ nghĩa định mệnh. Tôi không tin rằng con người quyết định được bất cứ điều gì, dù là tương lai hay hiện tại của nhân tính. Tôi nghĩ chúng ta phải chịu trách nhiệm về vũ trụ này song điều này không có nghĩa chúng ta có thể quyết định được điều gì.

Một ngày nọ, có người đã hỏi tôi rằng giữa cuộc đời của tôi và nghệ thuật của tôi có mối liên hệ nào không? Thực tình tôi không nghĩ chúng có mối liên hệ gì, ngoại trừ việc cuộc sống này thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó. Và thế là tôi vẽ. Nhưng tôi không bận tâm về thơ ca “thuần túy” hay hội họa “thuần túy”. Đúng hơn, sẽ rất vô ích nếu ta đặt hy vọng của mình vào một nhãn quan giáo điều, vì chỉ có quyền năng của nỗi hoan nhiên là đáng kể mà thôi. 

 

René Magritte (1898-1976)

Giống như nhiều đồng nghiệp người Pháp trong phong trào Siêu thực, René Magritte chịu ảnh hưởng mạnh từ tác phẩm của Giorgio de Chirico đầu những năm 1920. Ông là một nhân vật quan trọng của trào lưu Siêu thực Bỉ, phát triển trong khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến và ông cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động được André Breton khởi xướng ở Paris. Hội họa của Magritte, với sự nhấn mạnh vào tính chất phi tương ứng giữa quá trình tư duy và quá trình nhìn, được xem là một trong những minh họa rõ nét nhất cho triết lý của chủ nghĩa siêu thực.

Có thể nói Magritte đã dùng ngôn ngữ thị giác để diễn tả những mệnh đề của chủ nghĩa Siêu thực: chủ nghĩa Siêu thực, nhờ đó, trực quan, nhẹ nhõm và đặc biệt hài hước. Hội họa của Magritte cho thấy cái siêu thực có logic của nó chứ không phải một sự hỗn mang tùy tiện.
 


René Magritte
(1959)
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, ed.by Dore Ashton, NY:Pantheon Books, 1985, trang 47-8.


Theo Tia Sáng

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng