Tạp chí Sông Hương -
Khốn khổ vì nước thải công nghiệp
14:38 | 08/08/2014

Sau trận mưa buổi chiều, sáng ra, người dân thôn 2, xã Thủy Phù không phải ra sông Phù Bài hóng mát mà ra để tìm cách vớt số cá chết trôi đầy trên sông trong màu nước đem ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Khốn khổ vì nước thải công nghiệp
Nguồn nước đầu nguồn thải của KCN ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiếm trầm trọng

Câu chuyện người dân Thủy Phù phải “chịu trận” ô nhiễm do dòng sông bị đầu độc bởi chất thải từ KCN đã diễn ra mấy năm nay nhưng vẫn chưa có cách giải quyết tích cực. Theo ghi nhận của chúng tôi, cả một đoạn sông từ đập Cam Thu trở lên phía đầu nguồn xả thải của KCN Phú Bài dài chừng 4km, đặc quánh một màu đen, bốc mùi kinh khủng, trong khi bên kia con đập, nước vẫn màu bình thường.

Trên khúc sông ô nhiễm, cá ngắc ngư, sủi bọt tăm, chết nổi lềnh bềnh. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là tại thôn 2 và thôn 7, nhiều nhà dân cửa đóng im ỉm vì không thể chịu được mùi hôi hành hạ!

Bà Ngô Thị Sáu (thôn 2) cho biết: “Trước đây con sông này là nơi lấy nước sinh hoạt, tắm giặt cho bà con. Từ khi KCN đi vào hoạt động, mỗi khi trời mưa, họ lợi dụng để xả thải, nước sông đen ngòm, chỉ trong một buổi cá chết tràn lan. Nước này mà bơm lên ruộng thì lúa cũng đứng đọt, trâu bò, vịt uống vô cũng chết”.

Theo bà Sáu, hiện bà con rất lo lắng bởi mùi hôi thối từ dòng sông gây nhức đầu, xâm thực vào nguồn nước giếng làm cho bà con không sử dụng nguồn nước này sinh hoạt được.

Ông Ngô Phước Toàn, Trưởng thôn 2 cho biết: “Từ khi KCN bước vào hoạt động đến nay, việc xả thải làm môi trường ô nhiễm đã làm số người mắc bệnh ung thư trên địa bàn tăng cao, trong đó nhiều người chết rất trẻ. Việc xả thải cũng làm giảm số trâu bò, hồ cá trên địa bàn xã. Cứ bình quân 10 con trâu đẻ thì có 7 con sinh non do uống phải nguồn nước ô nhiễm từ dòng sông”...

Dân kêu, chính quyền cũng kêu

Ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết: “Việc xả thải của KCN Phú Bài ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của khoảng 500 hộ dân sống ven sông cũng như khu vực lân cận. Sản xuất nông nghiệp cũng trở nên khó khăn do ảnh hưởng nguồn nước, làm diện tích nuôi trồng thủy sản hầu hết bị bỏ hoang”...
“Các đoàn liên ngành về làm việc cũng nhận thấy nhiều đơn vị xả thải chưa qua khu xử lý nước thải của KCN, nhưng cấp trên đã làm việc như thế nào thì mình không rõ, còn ở góc độ địa phương chỉ biết kiến nghị thôi”- ông Anh bất lực cho biết.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng KCN- đơn vị quản lý xử lý nước thải tại KCN Phú Bài thừa nhận: “Tình trạng ô nhiễm là do nước thải của một số cơ sở sản xuất chưa đi vào hệ thống thu gom nước thải của KCN mà chảy thẳng ra môi trường. Để biết đơn vị nào cụ thể thì mình phải đi lấy mẫu nước, xét nghiệm, quan trắc theo con nước để biết chất lượng nước của nhà máy này ra sao, mới khẳng định được”.

Ông Quý cho biết thêm, công việc này thuộc về các đơn vị như cảnh sát môi trường tỉnh, chứ phía công ty chỉ là đơn vị quản lý, “bộ lọc” xử lý nước thải tại KCN mà thôi.

Theo ông Quý, trong KCN Phú Bài hiện có khoảng 30 nhà máy, đơn vị sản xuất. Các nhà máy này đều phải đấu nối với hệ thống thu gom xử lý nước thải của công ty. Tuy nhiên, phía trong nội bộ nhà máy có tách riêng hệ thống đó hay không đó là công việc và trách nhiệm của đơn vị đó.

 Nguồn nongnghiep.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng