Tạp chí Sông Hương -
Cửa Bắc (1)
09:43 | 12/08/2014

NGUYỄN ANH VŨ
              Truyện ngắn

Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc
Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh (2)

I

“... Tôi tự xét không quyền chế, quan to dám đâu lìa chức ra đi; răn mình theo đạo cổí nhân, lòng trung chỉ biết thờ vua một dạ...” (3)

. . .

Thành Phú Xuân mưa, bảy ngày không ngớt. Hồng Nhậm vận long bào, phục giữa sân điện Văn Minh, xá về Hà Thành bảy xá. Xong, người cho đòi sử quan, khảo vấn về việc đục bia chậm trễ. (4)
. . .


II

Đêm. Mưa đằng đẵng. Chiếc xe thi công liên hợp khập cái gầu xuống nền đất đã nhũn nát trong nước, tưởng sẽ thút lút xuống ngay và vộc lên một gầu đất nặng cả tấn. Nhưng không. Một tiếng “khậc”. Răng gầu bổ xuống lập tức nảy tưng lên, rung bần bật. Loáng thấy có tia lửa tóe lên như thép đụng thép. Xa xa, tiếng hát...

. . .

bao nhiêu là còn bao nhiêu là hết?
bao nhiêu thì chết bao nhiêu luân hồi?
bao nhiêu xa xôi cho thành gần gụi?
bao nhiêu tàn lụi mới nảy non xanh?

. . .

Mưa. Tầm tã, mưa tháng Bảy.

Chẳng hiểu “trên” nghĩ thế nào mà cho động thổ vào tháng Ngâu này. Công trình nào thì cũng nên hanh thông ngày giờ chứ. Vài bữa nữa là Xá tội vong nhân.

Đèn pha công suất lớn được dong đến chỗ đó. Mấy cái xe thi công khác cũng chụm lại rọi đèn. Giữa đêm đặc đen là quầng sáng quánh mưa. Gió mạnh, cuộn hằng hà những hạt sáng mê miết đó bổng lên, lan dạt, nuốt vào tối. Những li ti sáng ấy tiếp tục hành trình như nhiên, thăm thẳm. Lịm tắt, ngoi lên, chạm chập, bung tán... 

Thấy rằng sự lạ, đại úy Q. bấm di động gọi ngay cho thủ trưởng dù đã nửa đêm. Trách nhiệm thì rõ ràng, nhưng tình huống này, Q. thực sự không biết xử lý thế nào. Nhạc chờ đổ hành khúc. Mấy lượt “nở ngàn hoa chiến công” rồi mà chưa thấy thủ trưởng trả lời... Số lượng mũi khoan khảo sát khá dày, độ chính xác cao. Báo cáo địa chất rất chi tiết, thành phần chất đất từng lớp rõ ràng. Cát, sét dẻo tự nhiên, sét pha cát đen, đất mặt trên lẫn gạch đá vụn, cục bộ có một lớp nền gạch cũ. Không có gì đặc biệt... Vẫn “nở ngàn hoa...” Bác lính già lái máy thi công trợn mắt ú ớ gì đó. Đầu Q. bấn hết cả. Mưa thì vẫn mưa... Lệnh là phải tiếp tục, không nhưng nhị gì hết. Rõ. Q. rõ và quán triệt lâu rồi ấy chứ. Cái thế khó của “bên B” là vậy. “Bên A” là “trên”, “bên B” là quân của “trên”. Đặc thù của những công trình và địa điểm xây dựng thế này khá phức tạp. Ngoài chuyện kinh tế của đơn vị ra còn thời gian, tiến độ và nhiều chuyện khó nói khác. Q. lớn giọng át tiếng mưa: “Tiếp! Xe 1, xe 3 khơi rộng hố. Xe 5 lấy sâu”.

Cả dàn động cơ rùng rùng chuyển động. Mưa hình như dữ hơn. Cái mũ bảo hộ không ngăn được nước mưa rát rạt. Nước lần theo cổ áo mưa ngấm vào trong, theo gáy Q. chảy xuống, chạy dọc sống lưng, sũng cả lưng quần. Một cơn gió xoáy thốc, Q. thoáng gai người. Cặp mắt kính cận bám nước mưa nhóa nhòa.

Bề mặt hố móng đã được mở đúng kích thước. Xe 5 rừ rừ tiến lại cái hố đào dở. Nước dưới hố xâm xấp. Cái khối lúc nãy nhu nhú lên một phần. Lần này khéo léo, cái cần gầu từ từ hạ xuống, luồn chéo vào mé dưới của vật thể đó, chỗ đã bới ra một khe hở hẹp. Nhích... nhích... két... kẹt... Rõ ràng khối đó có kim loại và rất nặng. Khục. Cái gầu cắn kín răng. Tay gầu gồng lên, quặp chặt lấy khối vật thể đó, bánh xích bấu nghiến vào mặt đất. Gân thái dương thợ lái cuộn rần rật. Một... hai... ba... khự. Lắc đầu... Xe 1, xe 3 cũng tới gom thêm tay gầu. Cái bới, cái đẩy. Mưa cứ bời bời...

Q. thấy ngán quá. Tiến độ, quân lệnh, trách nhiệm nghề nghiệp... Thủ trưởng trực tiếp thì cứng lắm, chắc không suy xuyển được. Q. gọi điện cho thủ trưởng “trên”. Ông là một “lão tướng”, một bậc thầy về nghề. Hồi còn đi nghĩa vụ ngoài đảo, Q. đã được gặp ông. Một già một trẻ cùng ngắm bình minh ở nơi thấy mặt trời sớm nhất trên đất Việt. Chính ông đã cho Q. hiểu binh nghiệp, lại khơi cho Q. cái đam mê sáng tạo của ngành kiến trúc. Khàn ấm, nghe giọng thì biết ông đang thức, chắc vẫn đang làm việc. Q. thuật lại sự việc, mắt không rời hiện trường. Mấy cái máy vẫn gào rú bất lực.

... Dưới mỗi tấc đất nơi này, cứ lật lên thì chỗ nào mà chẳng có dấu tích của ngày xưa. Khu vực đó bên khảo cổ họ đã làm. Dấu tích cũng không là bao. Vả lại, đây là đất quân sự nên họ làm cũng nhanh. Hiện vật có bao nhiêu thì cũng đã nghiệm thu và đưa về bảo tàng hết... Thủ trưởng trên nói vậy và Q. cũng biết vậy. Nhưng trong đầu Q. như có trăm nghìn mảnh thủy tinh, vừa sáng vừa bén. Người ngai ngái sốt, có lẽ nhiễm cảm rồi. Mồ hôi túa ra trộn lẫn nước mưa. Nóng lạnh. Không biết vì đợt mưa vừa thốc hay vì những mảnh thủy tinh đó, Q. thấy rùng mình, ớn tận tủy sống. Thái dương rần rật. Có lẽ thời tiết thế này thì phải dừng thôi. Mai trời sáng, làm sẽ tốt hơn... Thời gian bồi từng lớp, phủ dầy dần lên... Mà thực ra thì nó phủ dần lên hay ta đang bóc đi từng lớp? Từng lớp mỏng tang... Những ngón tay run run mân mê mảnh gạch lúc trước nhặt ở chân hố móng. Thấy mờ mờ gờ hoa văn, đường nét như những lớp vảy, không rõ cá hay rồng. Ánh chớp chói lóa. Mắt Q. như quáng hẳn. Rồi một tiếng nổ lớn. Tai ùng ục. Đầu ong ong như có tiếng trống dện xa gần...
. . .


III

“...  Tôi trộm nghĩ Hà Thành là đất cuống họng của xứ Bắc, lại là nơi trọng yếu của nước ta, nếu như một mai thành này chẳng may sụp đổ như núi lở, thì các tỉnh lần lượt vỡ như ngói tan. Vì thế mà tôi lo sợ khẩn cấp tư giấy đi các tỉnh lân cận, một mặt dâng sớ về triều đình cầu viện...”
. . .

Giờ Dần. Mồng tám, tháng ba, Nhâm ngọ - Tự Đức năm thứ 35. Đức ông - Tổng đốc Hoàng Diệu lên vọng lâu Cửa Bắc, thấy dưới hào nước một búp bạch liên trái mùa.

Giờ Mão. Đạn đại bác từ sông Cái bắn vào liên tiếp. Đức ông biết cái giờ khắc đó đã tới. Nhưng sao lại sớm thế này? Tối hậu thư vừa từ tàu Phú-lãng tới. Án sát Tôn Thất Bá vừa xin đi thương lượng. Sao nhanh vậy? Viện binh từ Phú Xuân vẫn bặt tăm. Mà nào chắc đã có viện binh!? Hai niên, ba lần tấu sớ, Thánh thượng không những gạt đi lại còn quở nặng. Lần nào đắng miệng lần đó.

Thớt voi hống một tràng như kèn trận. Khói ngùn ngụt. Lửa bắt đầu loang. Dân phường buôn, phường nghề chạy tán loạn. Lính báo có mấy trăm đinh thợ xin sung ngũ để cùng quyết tử giữ thành. Gom cùng với lính thì trận này liệu có là trận uống máu không? Mạng người, xót lắm! Nghe chừng quân Phú Lãng cũng quyết chiếm thành bằng mọi giá rồi đây. Chim chóc chưa lót xong ổ mà sài thú đã dậy lòng tham. Biên ải thì nhà Thanh rập rình cắn trộm. Phú Lãng trước đã cho tàu mang mộc thập mượn cớ giao thương, truyền giáo gửi chân sói, sau là tàu chở súng pháo đại bác. Nước Nam này chắc không bao giờ hết hẳn binh đao, cứ dọn chiến trường vừa xong, an lành ít lâu, lơ là một chút là nguy biến đã hiện hình. Kêu mãi mà Hoàng Thượng nào có nghe. Kỵ húy thì rõ lắm. Lưỡi uốn như bện chão mà chẳng xong được một câu muốn tấu. Vậy bao nhiêu lời của trung thần tới được tai người? Người đang mải làm thơ, soạn tuồng, mải vui vầy bên mẫu hậu Từ Dũ. Hiếu đễ thái quá, họa thi mẫn cảm thái quá cũng làm nhược cái chí khí của bậc quân vương. Mà xưa nay, triều vua nào nhược thì nếu không bị ngoại xâm cũng gặp chính biến. Người lại ưa xây lăng, mê mẩn tô vẽ vẻ riêng cho sánh với các bậc tiền nhân. Nghe bọn Nội các ỏn hót thủ hòa, nhận về cái yên bình giả tạo. Hỡi ôi. Có phải bề tôi nào xây lăng cho chúa cũng vì chúa cả đâu. Cái lăng của chúa cũng là cái lăng cho niềm tin của bày tôi, rằng ta phò không lầm người. Ta có tin được người không, hỡi Hồng Nhậm?
. . .

“... Nhưng họ mạnh ta yếu, viện tuyệt, thế cùng, tướng võ sợ địch bỏ chạy tứ tung, quan văn thấy nguy đua nhau đào tẩu. Tấc lòng tôi đau như dao cắt, một tay mình khó nổi chống ngăn. Làm tướng muốn không phải tài, than thân sống thật vô ích...”
. . .

Ùng. Ùng. Oành.

Đạn đại bác giặc đã leo được vào thành. Đằng xa, đầu rồng kèo gỗ cháy lên hừng hực.

Nhìn quanh. Quân đâu? Tướng đâu? Bữa nao vừa cùng nhau cắt máu hòa rượu. Đức ông xiết chặt chuôi kiếm, thanh đoản kiếm mà Thánh thượng ban như bù cho việc đã xử lố với ông vụ Hoàng Tập. Lưỡi thép này đã liếc qua đầu những ngón tay, từ ông, rồi Tuần phủ Hoàng Hữu Xung, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực. Ngần ấy tâm can tỏ quyết tâm tử thủ. Máu thì đỏ như nhau, mà ai tài biết hết mùi riêng? Giờ mới là lúc thấy dạ nhau đây.

Tuyến thủ vẫn vững. Còn người, còn trí, còn tâm, còn trụ lại được. Lính báo, đã phá được ba tàu giặc, Phú Lãng dừng đổ quân vào bờ, hai mũi công cũng phải ngừng tiến.
. . .

“...  Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”
. . .

Thánh chỉ rằng: Bỏ Hà Thành, hàng phục Phú Lãng.

Ư hư!

Vậy là rõ rồi! Sẽ không có viện binh nữa đâu! Bao năm gánh gồng, củng cố, kinh lý, biên phòng mà triều đình không thuận cũng bằng không. Thôi thì gạn chút lực tàn! Chỉ thương đám binh, đám dân cùng ta tử thủ. Nhìn mắt họ, chẳng ai muốn hàng đâu. Kẻ non gan đã chạy hết. Ta tin người còn đây. Còn họ, còn thành.

Tin về.

Tôn Thất Bá hàng giặc, chỉ vẽ cách bố trận trong thành. Đại bác Phú Lãng rót vào, đâu trúng đó.

Bố Chánh Phan Văn Tuyển bỏ chạy. Quân tứ tán. Một nhóm chạy thoát vào thành, hợp với mấy nhóm khác tìm sang với quân Lê Trực.

Đề Đốc Lê Văn Trinh giả quyên sinh. Tuần Phủ Hoàng Hữu Xứng bị bắt.

Cửa Nam, Thủy Sư Đề Đốc Nguyễn Đình Kháng tử chiến. Tàn quân tháo rút hết vào trong thành.

Cửa Tây, quân cánh Lãnh binh Lê Trực không trụ lại được. Đạn súng, đạn pháo Phú Lãng dội ào ào. Xác lính bấy nát. Bên ngoài Đoan Môn, lớp Dương Mã thành biến ra con đê đỏ. Thịt lẫn đất.

Đâu trách được các người. Kẻ này cũng có lúc nghĩ hay là thuận ý triều đình, hàng giặc(?) Để rồi về treo ấn quy ẩn, về quê làm thơ chính trực than thời thế, vừa giữ được mạng mà vẫn được tiếng tiết nghĩa với dân gian. Nhưng vận nước đang xuống, nghĩa khí cũng xuôi theo. Vũ lực đã thua, gươm súng ta đâu đương lại được với quân Thanh, quân Phú Lãng. Tâm lực lại nhược, mỗi người một nhụt thì đời nào vực được? Nếu người không đốt lửa, ta không đốt lửa, không ai đốt lửa thì đêm dài bao giờ sáng. Không có ta thì còn bao người nằm góc tĩnh viên làm thơ yêu nước... Ở đây, trong cơn sự này còn một ta. Thôi thì, cũng không mong sáng danh, mạng bùn đâu kể.  

Trăm năm trong cõi người ta
Thương nhau thời khó nữa là hận nhau.

Hoàng thượng hỡi! Người cứ tự viết sử đi. Song song với chính sử, luôn tồn tại một lịch sử khác. Người không che chắn hết được đâu. Miệng dân gian bền và sáng lắm. Vậy nên bầy tôi này vẫn một lòng thờ triều đình nhưng có chết cũng một dạ thờ dân. Để sau, trẻ nó không cười, không oán...

So... on… ne… oe… oa… Son ne. Tiếng kèn sôna! Điệu tuồng! Ôi! Giọng kèn đó là giọng kèn tuồng Quảng. Ai lại chơi kèn vào lúc này? Oe… oa… hu… oa… Hà Thành rộng là thế, mà đâu cũng là một giọng kèn. Đấy! Nó đấy! Cái âm, cái hơi đẩy như vậy thì chỉ người Quảng mới có. Trăm năm trong cõi người ta. Thương nhau thời khó nữa là hận nhau. Ư hư… ưa… Đấy, nó đấy! Cái nét vút lên chói vói có thoáng khô khản giọng Chàm đó là tiếng của người quê ta. Hào sảng, bi hùng, ai oán, khắc khoải, trắc ẩn, không lắt léo. Nó đi thẳng, xuyên thẳng, đâm thẳng như ánh nhìn mắt người vào mắt người, vấn đáp. Lửa cháy, vẫn cháy. Ta có hận ai không?
. . .

“... Nào dám khoe khoang gì đâu, chẳng qua vì thế sự khiến vậy. Để cho đất nước mất về tay quân địch, luống thẹn với sĩ phu đất Bắc ở trần gian. Thôi thì lòng riêng nguyện với thành trì...”

Nhìn quanh, thành trì, cung điện bao đời giờ chẳng còn chi. Giặc phá đằng giặc, người ta phá đằng người ta. Triều sau phủ xóa triều trước. Xây lên rồi phá. Thăng Long xưa giờ là thế này đây. Thảm chưa kìa!... Ta hằng muốn phục dựng tháp Đại Thắng Tư Thiên. Nay đã thành món nợ với sĩ phu đất Bắc, không còn dịp để trả. Xin đắc tội! Các vị ở lại hằng nuôi tiếp mộng chung đó! Nước Nam này sẽ có ngày sạch bóng ngoại xâm. Tháp Đại Thắng Tư Thiên phải được cất lên, dâng lên tấu khúc khải hoàn, tạ ơn trời, tri ân trăm họ...

Tiếng nổ lộng trời. Kho thuốc súng tan tành. Kẻ nào đốt kho thuốc súng? Hay trong thành có giặc từ lâu nay?

Trận nát.

Quân vỡ.

Gạch ngói nát nhuyễn. Xác lính trộn xác dân. Máu lầy với đất, sệt quánh cả một vùng. Hào lũy hóa dòng sông đỏ quây nghẹt bốn mặt thành.

Hết rồi! Vậy là hết rồi ư?
. . .

“Đức ông! Quân Phú Lãng vào tới nơi rồi!”

Khuôn mặt tên lính trống kia sao mà giống trai thứ con ta. Độ này năm ngoái, trai thứ ra đây tìm cha, gặp lúc ta sang Sơn Tây bố phòng với ông Nguyễn Hữu Độ. Hắn tìm theo tận nơi. Hỏi, cớ gì ra đây? Thưa, mẹ và anh em con cả năm không gặp cha, lại tin ngoài này tiết khí thất thường, sức người đương ngần ấy công cán sao đặng… con vâng mẹ ra Bắc lo ở bên cha… chẳng biết được mấy chốc, con cũng chỉ muốn được gần người mong tròn chữ Hiếu… Đức ông cả giận. Mi! Thi đậu, được bổ nhiệm không lo bổn phận với triều đình là sao? Nghĩ bụng, đất này đầy bất trắc, lụy mình ta là đủ… Bữa cơm đó, cha con lặng im uống rượu, bát cơm gắp đầy cho nhau còn nguyên. Hôm sau, cha ở, con về nhậm nhiệm cho vừa ý cha. Nào đâu biết, đó là bữa cơm cuối cùng với thân nhân… Giờ, còn ngươi, tên lính trống này là thân cận nhất.

“Đức ông! Quân Phú Lãng vào tới nơi rồi!”

“Ngươi chạy đi. Còn muốn theo binh nghiệp thì tìm về phủ Hà Ninh hoặc lên Sơn Tây. Quân của ông Hoàng Kế Viêm trên đó còn vững. Hà thành không giữ được nữa rồi. Mà ý triều đình đã vậy thì ngày mất xứ Bắc này hẳn cũng không xa. Thôi, ngươi về quê thì hơn.”

“Lạy Đức ông! Xin Đức ông cho con ở lại bên người. Về quê, lính bọn con bơ vơ như những con ngựa chiến già quen hơi trận mạc, không còn chủ để mà tận tụy. Đau lắm!...”

Ừ, quân tướng gì thì cũng như mấy con ngựa chiến cả thôi. Đạn lửa ngoài sa trường thì oai phong lẫm liệt. Bình yên về quê, cày không biết, kéo cũng không, lơ ngơ sống vịn vào những chiến tích xưa. May ra còn mấy kẻ cùng tàu nhìn nhau an ủi, mấy ai đã được chủ ngó ngàng. Bại cũng thảm, thắng cũng có khi đau... Mà giờ, bại này là tội của ai? Của ta! Thất thủ mất rồi!... “Ngươi đi đi!”

“Còn Đức ông, con quyết không bỏ thành! Thôi, để con đánh trống trận, hầu Đức ông thưởng”... Đức ông ơi! Ơn  trời, cho con được ở gần người tới lúc tận tuyệt!...

“Ngươi có biết trống Tuồng không? Ta thích vỉa trống trong trò Khương Nghinh Tá biệt Đổng Kim Lân, cũng là trống trận”.

Tên lính trống cung kính dâng cặp dùi ngang chân mày, gập người xá Hoàng Diệu ba xá. Người gỡ dải lụa thiên thanh trên đầu ra, lộ mái tóc xám chì thuốc súng. Tặng ngươi! Ta ơn ngươi! Tên lính trống khuỵu xuống để người thắt dải thiên thanh đó lên mái đầu đang xanh nhưng nhức.

Cửa Bắc. Khói đen, tàn đỏ từ kho thuốc súng ngùn ngụt bốc lên. Những lưỡi khói dần liếm kín trời. Hơi lửa bốn bề hun nung làm biến ảnh, dị dạng vạn vật. Thành quách tơi bời. Những mảnh thân rồng gạch, rồng đá vỡ như loang nhòa, tan chảy. Tay lính trống hướng mặt ra ngoài thành, nghiến chặt mắt, vung những nhịp trống dạo đầu, rồi khỏa những nhịp thưa, dồn nhịp mau. Bàn tay, cánh tay, khuôn mặt căng tức máu, đỏ bầm. Mống mắt mọng như trăm năm lệ đọng. Y đánh trống, chơi trống hay múa trống? Không biết! Nhưng toàn thể phách thăng hoa tột độ. âm thanh rung lên bởi từng ngóc ngách ruột gan, xương thịt. Mái đầu vung xoáy. Dải lụa thiên thanh xoay cuồng xoắn lốc. Dùi quất muốn cháy mặt thưng.

Hoàng Diệu lặng hồi lâu trong tiếng trống. Rồi, người xá tạ tên lính trống ba xá. Tri ân! Đi.

Từ bao giờ, trên hốc mắt thấy đọng hai giọt lệ. Đỏ như hai giọt hồng lạp.

Liên miên những hồi đổ. âm trống hối buốt, sôi quặn, hừng hực. âm siết, tiếng thét. âm tốc, móng chiến mã guồng. âm tang, giáo gươm lâm chiến. âm táng, thần công nổ. âm phất, gió trận kỳ... Ngoài xa, hình như quân Phú Lãng đang dừng bước, đạn pháo cũng ngưng...
. . .

Hoàng Diệu tới cửa Võ Miếu. Cây đa cổ thụ bị đạn đại bác cháy đen gần hết. Chỉ còn lại một nhánh vẫn tươi. Những búp đa tháng ba, nõn rói đỏ như vạn ngòi bút lông ngậm đẫm mực son. Người thắp một nén nhang xong, quay mặt tượng Quan Công vào trong.

Ra sân, Đức ông quỳ xuống, vái vọng về phương Nam.
. . .

Phương ấy là thành Phú Xuân. Nơi có người mà ta không rõ phải gọi là gì. Một vua Tự Đức mà ta vẫn thờ một dạ. Một Hồng Nhậm tri âm trọng nhau tài thi phú. Một kẻ đứng đầu triều đình bạc nhược, cam lòng bội tín với tôi trung. Không biết giờ Hoàng thượng đã tự khắc bia sử xong chưa?

Phương ấy là làng Xuân Đài, nơi có hai nấm mồ cha, mẹ. Bao lâu rồi ta không về thắp lấy một nén nhang.

Phương ấy là vợ hiền, đếm ngày được ở bên chồng còn ít hơn những năm làm vợ, lấy việc thờ nghiệp binh lửa của chồng bù cho nghĩa Tào Khang. Là các con ta, vì không được gần cha, phải lấy Trung làm Hiếu.

Gan ruột này ai hiểu? Lòng đỏ thôi đành phơi dưới ánh nhật minh.
. . .

Giờ Ngọ. Mồng tám, tháng ba, Nhâm ngọ - Tự Đức năm thứ 35.

Mây càng lúc càng quánh lại. Chỉ thấy nhờ nhờ sáng đục chân trời màu da bát. Cơn giông mạnh dần lên. Cành đa quằn quại, khua những búp đỏ lên trời, vung những nét cuồng thảo.

Một đường kiếm. Một tia chớp lóe.

Đồng tử không giãn, trừng trừng dõi đất trời.

Giữa trưa mà tối đen như đêm tháng Chạp.

Tiếng trống vẫn dồn. Tên lính ấy vẫn còn đánh trống trên Cửa Bắc. Vẫn lắc múa cái đầu thắt dải thiên thanh đó. Có tiếng trống rung lên bởi gõ dùi. Có tiếng trống vang lên bởi nước mắt hắn rơi. Mười đầu ngón tay tức ứ đã bật vỡ từ bao giờ. Hai tay dùi và mặt thưng đỏ sũng. Mỗi lần dùi dện xuống lại bung lên một quầng sương máu. Trên mưa, dưới lửa.

Giữa hào nước bầm tía, búp bạch liên nở trái mùa.
. . .

Tối quá! Ánh sáng chỉ còn mờ.

Giọng kèn sôna lại bay tới, ngân căng bất tận. Tắt sáng đến nơi rồi... Và lúc giọng kèn vút đẫy đỉnh âm vực, thì một tiếng nổ lớn. Chỉ thấy một tia lửa điện phóng thẳng lên trời, phá thủng ra một khoảng lớn giữa vòm mây đen đặc.


Khắc đó, mưa ngừng rơi. Không! Giăng khắp không gian ngưng lặng là triệu triệu li ti nước.

Im phắc.

Giữa tàn mây thủng, màu thiên thanh mở ra một quầng thăm thẳm.

Ánh sáng.

Vạn vật bắt đầu chuyển động, rực lên qua màu lệ đỏ.

Những giọt mưa như được một hấp lực mãnh liệt nào đó hút lên. Một trời nước dâng ngược, lớp lớp tiếp lớp lớp.

Những giọt nước nhỏ trên mặt đất giật chụm, gom thành giọt lớn thút lên không trung, kéo theo những bùn tanh tro muội, lộ dần màu thịt da của đất tươi nguyên.

Từ mặt đất mịn, những dòng đỏ ứa lên roi rói.

Từ lòng hào, những dòng đỏ tách mình khỏi nước rãnh, túa ngược lại bờ.

Từ mặt tường thành vỡ, những dòng đỏ bật tung ra không trung.

Những dòng đỏ bay lướt, uốn lượn, hòa vào, tách ra như đi tìm phần thuộc về mình. Rồi bắt đầu gom tụ thành những hình hài. Những bàn chân đầu tiên chạm đất. Những bàn tay đầu tiên vuốt vào nắng gió. Những đôi mắt đầu tiên nhận ra anh em ruột rà. Hài đồng hoan ca. Những bàn chân tung tăng ùa đi khắp kinh thành. Chạy, nhảy, nhào lộn, bay, múa...

Ở mỗi dấu chân, vân tay in lại, bật mạnh lên những mầm biếc vùn vụt lớn. Rồi sắc hoa, hương trái.

Ở mỗi dấu chân, vân tay in lại, trồi dậy những đế cột, bệ đá, đài sen. Rồi nhú lên những cột gỗ lớn. Cột cái cột quân mọc vun vút, nảy cành bật nhánh kèo cổn rui mè, sum suê vấn vít hoa văn chạm lộng. Tầng tầng lớp lớp ngút ngàn. Tàu đao rướn căng lên trời, dằng dặc tòa ngang dãy dọc. Mái ngói Lưu Ly gần xa trùng trùng điệp điệp như sóng Đông Hải. Và rồng muôn đời Đinh Lê Lý Trần Hồ Mạc về đủ, bay lượn khoe vân vi bờm móng trên mái đao kèo cột, trên thềm bệ vách ngưỡng, trên lư đỉnh chuông khánh. Đoài Đông Nam Bắc lồng lộng vàng son. Mồn một Tam trùng thành quách thênh thang. Đền đài cung điện ăm ắp. Và bên chùa Báo ân, lừng lững bảo tháp Đại Thánh Tư Thiên vươn lên chót vót mây rọi tỏa linh quang...

Ánh sáng rạng rỡ... Chói lói... Căng mãn.
. . .

Giờ Ngọ. Mồng tám, tháng ba, Nhâm ngọ - Tự Đức năm thứ 35. Đường kiếm như một tia chớp lóe. Hoàng Diệu lôi hết ruột mình ra, thắt nhanh thành thòng lọng, vắt lên cành đa...


IV

Thành Phú Xuân mưa, bảy ngày không ngớt. Tự Đức không ô lọng, chân trần ra giữa sân điện Văn Minh. Quần thần hoảng hồn chạy theo che mưa chắn gió nhưng Tự Đức gạt hết, cứ vậy phủ phục giữa trời mưa, xá về Hà Thành bảy xá: “Vận nước không theo lòng người, ta có tội!”.

. . .

Chuyện không còn thuộc về hiện tại thì chắc đã là quá khứ. Chuyện thuộc về hiện tại thì khi đọc cũng đã là quá khứ rồi. Chuyện thuộc về tương lai thì đã có sẵn đây. Ngày mai, tỉnh dậy, chuyện tiếp.
. . .

Tự Đức đúng hay không đúng?
. . .

Đại úy Q. hiểu hay không hiểu?
. . .

Đằng kia, cái gàu máy xúc bổ xuống, “khậc” lên một tiếng và từ từ bứng lên một khối kim loại gỉ ròng ròng đỏ(5). Lúc đó gần 12 giờ trưa.

5. Theo cụ Tô, một nhà nghiên cứu lịch sử và am tường dã sử nói rằng nhiều khả năng đó là trấn yểm của Phương Bắc nhằm cắt long mạch nước Nam, có thể từ thời Cao Biền, cũng có thể cách nay không quá xa. Một giả thuyết khác rằng đây là trò yểm trấn của những kẻ xưa bất thuận với triều đình, hoặc triều đại sau yểm trấn triều đại trước (giả thuyết này cũng có phần hợp lý). Về việc tại sao tới giờ người ta mới phát hiện ra được (vì thường thì nghi thức yểm trấn này rất huyền bí và long huyệt thường nằm rất sâu), cụ Tô nói: “Có lẽ vì linh khí của đất này rất mạnh, còn trường vượng nên những thứ xú uế nằm trong đất, lâu rồi cũng bị đùn ra hết. Và những gì đẹp đẽ cũng vậy, dù ở ngầm đâu đó cũng có ngày phát lộ, rói tươi dưới ánh mặt trời”.

N.A.V
Nguồn: Văn nghệ Quân đội

------------------------
1. Cửa Bắc (theo tài liệu của Hội Sử học Việt Nam) tại thành Hà Nội thời Nguyễn chính là Bắc Môn của thành Thăng Long xưa. Vị trí Bắc Môn được duy trì từ thời Lý tới nay. Thành cổ hiện thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, với tổng diện tích 49.135m2. Gồm 4 khu: Bắc Môn (1.112,6m2), Hậu Lâu (2.475,1m2), Điện Kính Thiên (41.865,8m2), Sở CH -  BQP (...) và Đoan Môn (3.661,5m2). Những điều này, trước đây đại úy Q. không biết và cũng không mấy quan tâm, ngay cả khi đã tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc lẫn lúc còn đi nghĩa vụ ở Trường Sa. Còn nhỏ, nhà ngay gần Cửa Bắc, Q. vẫn thường cùng đám bạn ra chơi, Q. đã thuộc đến từng viên gạch. Lớn lên một chút mới biết: vọng lâu trên cổng có chỗ thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Có lần đi với bà ngoại qua đây, bà nói gì đó hay hay, giờ chỉ còn láng máng. Hình như rằng “bể Đông, giậu Bắc rào chắn cẩn thận chẳng bao giờ thừa”. Lúc đó, Q. nhìn vào lỗ hoắm đại bác trên tường thành, chưa hiểu gì.

2. Lời trong bài Thơ điếu Hoàng Diệu của Nguyễn Trọng Tỉnh, ghi lại trong cuốn Lịch sử vua quan nhà Nguyễn - tác giả Phạm Khắc Hòe. Vài năm sau cái đêm mưa tháng Bảy đó, đại úy - kiến trúc sư Q. đọc được bài thơ điếu. Mắt rưng rưng nhìn trời xanh.

3. Di biểu của Hoàng Diệu, do ông cắn ngón tay lấy máu viết ra (những câu trong ngoặc kép, chữ nghiêng ở trên). Ít lâu, Q. tìm thấy tài liệu về di biểu này và nghĩ tới đề tài xây dựng lại Võ Miếu, bụng nhủ thầm: nếu xây lại được thì có lẽ không bày tượng Quan Công, mà thờ Đức ông Hoàng Diệu hoặc Đức Thánh Trần. Tìm địa điểm xưa của Võ Miếu thì chưa xác định được chính xác. Hỏi về cây đa cổ thì biết trước có một cây mấy trăm năm tuổi nằm trong khuôn viên đại sứ quán láng giềng.

4. Một năm sau ngày Hoàng Diệu tuẫn tiết, vua Tự Đức cũng băng hà. Ngay sau đó không lâu, người Pháp cho vẽ lại bản đồ, khẳng định thuộc địa. Hình dáng núi, sông, biển, đảo Việt Nam vẽ ra rõ từng khúc.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng