Tạp chí Sông Hương -
Tiết lộ hậu trường chính trị triều đình Huế trong 'cơn hấp hối'
08:33 | 29/08/2014

Ngày 15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh cũng là lúc ở Việt Nam, các thế lực bước vào một cuộc chạy đua nước rút để nắm quyền định đoạt tương lai nước này sau 80 năm là thuộc địa Pháp.

Tiết lộ hậu trường chính trị triều đình Huế trong 'cơn hấp hối'
Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam
 
LTS: Những ngày này của năm 1945, ở Việt Nam đang diễn ra cuộc cách mạng long trời lở đất đưa lại nền độc lập cho nước Việt Nam sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Mặc dù triều đình Huế lúc này đang ở trong “cơn hấp hối” vì không còn những quan thầy Pháp, Nhật chỉ đạo và chống lưng nhưng trong hậu trường của nó, người ta vẫn cố gắng thực hiện các mưu đồ chính trị. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về hậu trường chính trị tại triều đình Huế trong những ngày tháng 8/1945.

Từ trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh rất lâu, Việt Minh đã dự kiến các tình huống tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách đó hàng ngàn Km, chính phủ De Gaulle cũng bắt đầu tính đường đi nước bước để trở lại thống trị Đông Dương.

Nỗ lực cứu vãn của người Pháp

Ngày 9/5/1945, với sự kiện phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh, Thế chiến II đã đi đến hồi kết. Ở Châu Á, quân Nhật bắt đầu bị quân Đồng Minh đánh tan từng mảng lớn.

Vừa về nước Pháp, chính phủ De Gaulle đã đặt Đông Dương thành mối quan tâm hàng đầu. Mặc dù vừa ra khỏi chiến tranh, kinh tế và mọi tiềm lực của đất nước đều kiệt quệ song người Pháp vẫn muốn trở lại thống trị xứ sở Đông Dương, một nơi cách họ đến 12000 km.

Có nhiều nguyên nhân đưa chính phủ Pháp đi đến quyết định quay lại đó, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất nằm ở ý trí của De Gaulle, người hùng của nước Pháp kháng chiến.

Trong sách “Sự mù quáng của tướng De Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương”, cựu đại tá Pierre Quatrepoint viết về suy nghĩ của De Gaulle: “vì ông ta muốn mang lại cho nước Pháp cái đế chế nguyên vẹn khi mới vào cuộc chiến tranh năm 1939. Cái tính bảo thủ của nhà chức sắc dòng Đền (Templier), đã chứng kiến bao sự đảo điên của thế giới do chiến tranh gây nên, đã lần lượt làm nảy sinh ở ông những phản ứng có khi là những cảm hứng, những cảm xúc mơ hồ, có khi lại là những nhận thức trái ngược và rồi đi đến những thảm hoạ”.

Thật vậy, trong hồi ký của mình, De Gaulle viết: “Từ 15/6, tôi đã quyết định sự hình thành đoàn quân viễn chinh. Tướng Leclerc sẽ là người chỉ huy… Con đường ngắn nhất để trở lại Đông Dương hình như là đã được vạch sẵn: đó là đường qua Ấn Độ Dương và qua Mountbatten”.

Cùng với binh đoàn quân viễn chinh vừa gấp rút thành lập, De Gaulle bổ nhiệm phó đô đốc D’ Argenlieu làm cao ủy Pháp ở Đông Dương để toàn quyền tiến hành việc trở lại xâm lược xứ này.

Ngày 26/8/1945, De Gaulle công bố chính thức với giới truyền thông về ý định quay trở lại Đông Dương tại New York, sau khi hội kiến với tổng thống Mỹ Truman. De Gaulle nói: “Thái độ của nước Pháp ở Đông Dương rất giản đơn. Nước Pháp có ý định khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương”. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính phủ Pháp quyết khôi phục lại quyền thống trị Đông Dương như trước Thế chiến II.

Tiết lộ hậu trường chính trị triều đình Huế trong 'cơn hấp hối' - Ảnh 2

Vua Bảo Đại và một đoàn hộ giá.

Cùng thời điểm này, ở Đông Dương, đặc biệt là An Nam (tên gọi Việt Nam trước ngày 2/9/1945) cuộc cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đã lan ra cả nước với thắng lợi chỉ còn trong nay mai.

Người Pháp cảm thấy nếu không hành động nhanh, họ sẽ chậm chân hơn Việt Minh. Ngay lập tức, một đơn vị biệt kích Pháp, mang mật danh Lambda được máy bay Anh đưa từ Calcutta đến nhảy dù xuống miền rừng núi phía tây Thừa Thiên cách thành phố Huế 28 km vào ngày 22/8/1945. Người cầm đầu toán biệt kích này là đại uý Castelnat, người bạn cũ, nguyên sĩ quan hầu cận của Bảo Đại.

Nhiệm vụ của nhóm biệt kích này là bằng mọi giá phải bắt liên lạc với Bảo Đạivà yêu cầu ông đừng vội thoái vị để chờ người Pháp trở lại. Tuy vậy, toán biệt kích đã không đến được thành phố Huế. Vừa xuống đất họ đã bị Việt Minh chặn đánh và bắt làm tù binh, cùng với vũ khí, điện đài và đầy đủ tài liệu.

Vua Bảo Đại giữa những dòng nước

Là một ông vua bù nhìn do chính phủ bảo hộ Pháp dựng lên, vai trò của Bảo Đại trong suốt những năm cai trị không hơn gì một quân bài chính trị của thực dân Pháp. Chính Bảo Đại cũng quen với vai trò đó của mình. Cuộc sống của ông chỉ biết đến đi săn, đi du lịch. Ngay cả khi Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại vẫn đang đi săn ở núi rừng Đà Lạt và chỉ biết đến sự kiện động trời này sau đó 2 ngày.

Tuy nhiên, ngày 15/8, sự kiện Nhật đầu hàng Đồng Minh đã khiến vị hoàng đế này trở nên hoạt động hơn. Ngày 17/8, Bảo Đại bất ngờ gửi cho De Gaulle một bức điện để kêu gọi nước Pháp tôn trọng độc lập của An Nam. Bức điện được trích trong cuốn “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam” của Daniel Grandclément có đoạn viết: "… Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây, thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân Việt Nam đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được.

Tiết lộ hậu trường chính trị triều đình Huế trong 'cơn hấp hối' - Ảnh 3

Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.

Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này.

Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này. Chúng ta có thể dễ dàng thoả thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi".

Dường như là một kịch bản chính trị rất bài bản, sau bức điện cho De Gaulle yêu cầu nước Pháp tôn trọng độc lập của Việt Nam, Bảo Đại gửi thông điệp mời các thủ lĩnh Việt Minh vào Huế để lập nội các mới. Rõ ràng vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn vẫn còn chưa dễ gì rời bỏ ngai vàng với những đặc quyền của hoàng tộc.

Daniel Grandclément bình luận: “Ngày 22/8, được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước. Nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới. Ông ban chiếu mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các. Ông không biết trước đó tại Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc bí mật giữa Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại và cả Thủ tướng Trần Trọng Kim với đại biểu Việt Minh, trong đó Việt Minh đã khước từ lời mời hợp tác mà kiên quyết đòi chính phủ họ Trần từ chức, giao toàn bộ chính quyền cho Việt Minh”.

Theo nguoiduatin.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng