Tạp chí Sông Hương -
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Thành phố Hồ Chí Minh
21:40 | 29/08/2014

Trong khuôn khổ chương trình Phát triển Không gian Văn hóa, vào lúc 8h 30 phút, ngày 29 tháng 8 năm 2014 tại Salon VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY, lầu 1, Trung Nguyên Coffee, 19 Phạm Ngọc Thạch, Q3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Sông Hương  đã tổ chức giới thiệu tập sách“Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo.”

Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đến dự buổi ra mắt tập sách có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn cùng những người yêu mến văn chương nói chung và quan tâm đặc biệt đến thơ Tân Hình thức nói riêng.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tại buổi ra mắt sách

Tại buổi giới thiệu sách, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã giới thiệu sơ lược với bạn đọc về cấu trúc cũng như giá trị của các tiểu luận trong tập sách. Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc thì công trình này là một sự nỗ lực hết mình của những nhà nghiên cứu, những người sáng tạo thơ theo thi pháp Tân hình thức với hi vọng quảng bá thơ Tân hình thức đến đông đảo bạn đọc của cả nước. Sau khi trình bày cấu cúc bề mặt cũng như cấu trúc chiều sâu của tập sách này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc khẳng định: “Đây là một cuốn sách có thể nói đã mang trong mình sự tâm huyết của những trái tim vì sự phát triển văn học nghệ thuật, sự ưu tư của nhiều sáng tạo, sự đa chiều thẳng thắn của các góc nhìn khoa học thấu triệt... Đây có lẽ là sự hội tụ đông đảo và nghiêm túc nhất cùng bàn luận về thơ Tân Hình thức từ trước đến nay.”

Nhà thơ Nhật Chiêu tại buổi ra mắt sách

Với kiến văn giàu có, nhà thơ Nhật Chiêu cũng đưa đến những kiến giải mới mẽ về thơ Tân hình thức theo cái nhìn riêng của mình với bạn đọc. Theo ông, bất cứ một trào lưu sáng tạo nào khi mới xuất hiện cũng đứng trước những ý kiến trái chiều từ phía bạn đọc. Đó có thể là sự phản bác, sự hưởng ứng nhưng cái mới bao giờ cũng mang tính chất khai mở và có xu hướng phủ định những trào lưu trước. Qua những kiến giải của Nhật Chiêu tại buổi ra mắt sách, người đọc có thêm được những kiến thức lý thú về thơ Tân hình thức, có sự đối chiếu giữa thơ Tân hình thức với những dòng thơ khác và hơn nữa, người đọc có thể nhận thấy lý do để thơ Tân hình thức tồn tại trong nền thi ca đương đại Việt Nam.

Vì lý do khách quan không thể có mặt được tại buổi giới thiệu sách nhưng nhà thơ Frederick Turner đã gửi tới buổi ra mắt sách một bức thư của ông. Trong thư, ông viết: 

"Thật là một bất ngờ lớn khi tên tôi và tác phẩm của tôi được biết đến tại Việt Nam, một khu vực mà tôi đã có một cuộc thăm viếng ngắn ngủi và yêu mến tức thì, bởi nó dường như một thế giới khác. Tuy nhiên, một số quan tâm của tôi cũng không khác với các bạn bao nhiêu. Chính kiến đã giữ các bạn trong nhiều năm trước khi tiếp xúc đầy đủ với thế giới hậu hiện đại; tình yêu của tôi đối với quá khứ và một tương lai chưa khởi sinh cũng giữ tôi như thế, do vậy, các bạn và tôi nhận ra được điều gì đó nơi chân trời của nền văn hóa phương Tây hiện tại, đó là, cả bước nhẩy vọt tới một tương lai mới lẫn sự tái khẳng định những lý tưởng lớn trong quá khứ.

Tôi tin rằng Việt Nam có thể là nguồn cội của đổi mới và sức sống cho một phương Tây thường kiệt sức, mất tập trung và thời thượng. Thực tế là, những nhà thơ Việt Nam đã đón nhận những nguyên tắc của Tân hình thức. Và một nhận thức mới về vai trò cơ bản của âm nhạc và thể luật trong việc làm thơ, đối với tôi, đó là sự gợi nhớ sâu sắc và nguyên do của niềm vui.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn tại buổi ra mắt sách

Tại buổi giới thiệu sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn đã nhắc tới những nỗ lực dường như không biết mệt mỏi của nhà thơ Khế Iêm trong việc quảng bá thơ Tân hình thức vào Việt Nam. Đây là một công lao không thể phủ nhận, qua những bài nghiên cứu, những bản dịch, những bài thơ của  Khế Iêm đã thực sự có một sự tác động lớn, làm dấy lên phong trào thực hành thơ Tân hình thức ở các nhà thơ Việt Nam hiện nay.

Đây là tập sách công phu, với gần 500 trang, bao gồm nhiều bài nghiên cứu về đặc trưng thi pháp của thơ Tân Hình thức nói chung và thực tiễn sáng thơ Tân Hình thức ở Việt Nam nói riêng. Hai mươi ba tiểu luận có trong cuốn sách này là hai mươi ba góc nhìn khác nhau về thơ Tân Hình thức. Mỗi cách tiếp cận sẽ gợi mở những chiều hướng khác nhau, những truy vấn khác nhau về vai trò củamơ thơ Tân Hình thức đối với diện mạo của thi ca thế giới và thi ca Việt Nam đương đại. Trong đó bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam như Khế Iêm, Bửu Ý, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Quyên, Inrasara... và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới như William B Noseworthy, Frederck Feirstein, Angela Saunders...

 

Nhà nghiên cứu Inrasara tại buổi ra mắt sách

Cũng tại buổi giới thiệu sách, nhà nghiên cứu Inrasara đã khẳng định rằng Tạp chí Sông Hương là một Tạp chí tiên phong vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông cho rằng những chuyên đề được tổ chức trên Sông Hương trong những năm gần đây đã có sự tác động lớn tới không khí đổi mới văn học trong cả nước. Chuyên đề về Hậu hiện đại, Tân hình thức, chuyên đề về Cái mới trong văn học đã được Tạp chí Sông Hương tổ chức sớm nhất và có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà văn, nhà thơ có uy tín hiện nay.

Phần sau của công trình này bao gồm những bài thơ Tân hình thức tiêu biểu, trong đó có 15 bài thơ của ba nhà thơ Tân hình thức Mỹ, và 57 bài thơ thuộc về năm thế hệ những nhà thơ Tđn hình thức Việt sinh từ những thập niên 1940 tới 1990 mà tiểu biểu là những nhà thơ như Nguyễn Đăng Thường, Chu Thụy Nguyên, Khế Iêm, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lý Đợi, Inrasara, Nguyên Quân, Phạm Thi Anh Nga, Trầm Phục Khắc...

Nhà thơ Nguyên Quân đến từ Huế

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyên Quân, một người làm thơ Tân Hình thức đến từ Huế đã cho bạn đọc biết được những trải nghiệm của anh trong quá trình anh đến với thơ Tân hình thức. Theo anh, trước khi đến với thơ Tân hình thức, anh cũng đã  có sự trải nghiệm với nhiều thể thơ khác, mỗi thể loại thơ sẽ cho người sáng tạo có được những sự thăm dò khác nhau về nội giới cũng như ngoại giới. Một lần nữa nhà thơ Nguyên Quân khẳng định rằng coi trọng về hình thức là điều thiết yếu của người làm thơ, bởi đơn giản hình thức luôn mang tính quan niệm, hình thức sẽ làm bệ phóng cho tư tưởng bay xa hơn.

Cũng trong tập tiểu luận này, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Có thể rồi đây, thơ hậu hiện đại Việt Nam sẽ chọn được cho mình một thể thơ khác phù hợp hơn và, do đó, thành công hơn. Nhưng với tư cách là một thể thơ mang tính hệ hình mở đầu cho trào lưu thơ Hậu hiện đại ở Việt Nam thì tân hình thức mãi mãi còn được nhắc đến và biết ơn.”

Qua giọng đọc của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, tại buổi ra mắt sách, bạn đọc được nghe lá thư của giáo sư Bửu Ý gửi tới bạn đọc Sài Gòn từ Huế, trong thư giáo sư viết rằng: “Cõi Thơ là một cõi không cần chiêu mộ hay trưng tập gì cả nhưng lại là một cõi thường trực một đạo quân mọi thời đều đông đảo.

Thơ là một lục địa đa quốc gia, khi thì trụ tại chỗ, khi thì phiêu dạt và đẩy lùi mọi biên giới quốc gia.

Mỗi lúc ta có thể đặt ra câu hỏi cho chính mình và cho người khác: “Tại sao lục địa Thơ lại đông dân đến như vậy?”

Tạm thời tôi sẽ trả lời như sau đây, trong khi chờ đợi nhiều câu trả lời khác từ mọi người: “Vì Thơ là tự do”. Không có gì tự do hơn Thơ. Không có cõi nào tự do mênh mông, tuyệt đối cho bằng cõi Thơ. Lục địa Thơ xưa nay và mãi mãi về sau có hấp lực vượt bậc đối với mọi lục địa khác.

Người làm thơ tha hồ nuôi trồng chữ nghĩa, đào hang hầm cho chữ nghĩa, sẵn sàng hôn phối những chữ vốn chẳng họ hàng gì với nhau.

Thơ Tân hình thức của ngày hôm nay, một lần nữa, là một chuyến trở dạ của Nàng Thơ. Chuyến trở dạ này cũng không phải xuôi chèo mát mái, nhưng cũng không phải hứng chịu những tiếng la ó xô bồ xua đuổi, bất quá chỉ gây một ít ngỡ ngàng ở hình thức những bài thơ mới này."

Có gần 100 người tới tham dự Buổi giới thiệu sách

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Cao Quảng Văn đã đọc gửi tặng những bài thơ Tân hình thức của mình tới đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó là những tâm sự của các bạn trẻ đối với những vấn đề khó hiểu của thi pháp dòng thơ còn mới này ở Việt Nam.

Cuối buổi ra mắt sách, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã gửi lời tri ân đến bạn đọc Sông Hương ở Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua và khẳng định rằng với sự nhiệt tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ và đông đảo bạn đọc, Tạp chí Sông Hương sẽ luôn hướng tới thực hiện những tiêu chí mà  Ban biên tập đã đề ra trong thời gian tới vì một nền văn học nghệ thuật dân chủ và nghiêm xác.

PV

 

Các bài mới
Các bài đã đăng