Tạp chí Sông Hương -
Bàn về chữ "Giá" trong một bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm
14:54 | 03/09/2014

Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 839 ra ngày 01-12-2013 có đăng  bài Kỷ niệm về một bài thơ & một câu hỏi chưa lời giải đáp của Nguyễn Cẩm Xuyên. Vấn đề nêu lên rất thú vị: đó là cách hiểu chữ giá trong bài thơ Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ này trong nguyên văn chữ Nôm không có tên gọi. Những người soạn giáo khoa đã căn cứ vào nội dung đặt tên cho bài thơ là Cảnh nhàn và đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trước đây.

Bàn về chữ "Giá" trong một bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ảnh: internet

Hiện nay bài thơ cũng được chọn vào chương trình Ngữ văn 10 của bậc THPT và lấy tên gọi là Nhàn. Bài thơ như sau:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến cội cây đa sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Bài thơ nôm na, dung dị, không dùng từ Hán - Việt và điển cố cầu kỳ. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí có nhận xét chung về thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau: Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành, không gọt dũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời. Bài thơ đã được trao đổi, phân tích, bình giảng của nhiều nhà giáo, giáo sư, cán bộ nghiên cứu, nhà thơ và cả những người yêu thích văn chương nữa. Phần lớn các ý kiến phân tích đều có sức thuyết phục và đã giúp cho các em học sinh hiểu được một cách sâu sắc hơn quan niệm sống của nhà thơ (chữ Nhàn) qua đó thấy được nhân cách và những nét đặc trưng trong phong cách thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (giọng điệu trữ tình kết hợp với chất triết lý). Thế nhưng cũng có một vị Phó GS đã gán ghép cho cụ Trạng và bài thơ hàng loạt điển cố xa lạ của Tàu[1]. Ông cho rằng người soạn sách giáo khoa giảng cho các em học sinh mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để bắt cá là sai, mà phải hiểu như ông là khi phá đề Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy ngay điển từ Nhạc phủ - bài Kích nhưỡng ca để mở đề: “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, nghĩa là đào giếng mà để uống, cày ruộng mà để ăn”. Ông còn trích dẫn tràng giang đại hải tư tưởng Mặc Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử. Về chữ cần câu tác giả bài viết này cũng buộc cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm không được dùng lưỡi câu bình thường và mồi câu thơm như ở quê nhà mà phải câu lưỡi thẳng như cụ Lã Vọng trong lịch sử cổ đại Trung Hoa. Ông gán cho Nguyễn Bỉnh Khiêm điển Trang Tử về cần câu và dẫn bài Trúc Can trong Kinh Thi để minh họa. Sự gán ghép trên đây quả là khiên cưỡng, bởi vì Lã Vọng ngồi câu với lưỡi câu thẳng là để chờ thời và cuối cùng cụ đã đạt được mục đích là giúp Vũ Vương diệt Trụ lập nên triều đại nhà Chu, còn cụ Trạng của chúng ta thì đã từ quan về ở ẩn ở chốn quê nhà, lấy chữ nhàn làm lạc thú nhìn xem phú quý tựa chiêm bao  thì việc gì cụ lại phải bắt chước Lã Vọng. Vị PGS này còn xúc phạm những người viết sách giáo khoa là vẹt hót khi họ phân tích: Bốn mùa xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào nào thiên nhiên cũng là môi trường sống thanh tao:

Thu ăn mang trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Hai câu là bộ tranh tứ quý, có cảnh, có người, có mùi vị, có hướng sắc.

Măng trúc và giálà hai loại thức ăn bình dân, quê kiểng bao đời nay, cần gì phải đi tìm gốc gác trong kho thư tịch cổ ngổn ngang của Tàu và trích dẫn lời Mã Viện (14TCN đến 49SCN)- một tên tướng đã từng xâm chiếm và cai trị nước ta - cho rằng, vị măng đông ngon hơn măng cuối xuân, hoặc dẫn chứng những câu chuyện có liên quan đến măng của các danh nhân cổ đại Trung Quốc chẳng dính líu đến câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cái kiểu bình luận văn chương theo lối nói lấy được để phô trương kiến thức biến con chuột thành con voi đã làm cho vị PGS đi quá đà đẩy câu thơ cụ thể của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên một phạm trù triết học trừu tượng, siêu hình, thú thật tôi cũng không hiểu ông ta định nói gì, xin ghi lại đây để độc giả tham khảo:

“Câu đầu, Nguyễn Bình Khiêm đưa ăn lên trên và đặt song trùng: ăn (măng)// ăn (giá). Đấy là hình nhi hạ. Câu sau, thi nhân vẫn dùng phương pháp sóng đôi: tắm (hồ)// tắm (ao). Đây mới là hình nhi thượng. Hai câu luận song song đối nhau. Nhưng ngay trong mỗi câu, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chặt đôi: hình nhi thượng trước (măng trúc)// hình nhi hạ sau (giá). Măng trúc do trời ban, thiên nhiên ban; còn giá bởi con người vất vả làm ra. Câu sau vẫn lối cấu trúc: Hình nhi thượng trên - hồ sen do ông xanh tạo hóa, ông ban cho được tắm hương trời; mà nếu, ông xanh không cho thì vui vẻ trở về tắm ao (cũng có thể tắm ao tù) - Hình nhị hạ dưới. Con người tự làm, chẳng phái đội Thiên tử (!).”

Trở lại chữ giá mà tác giả Nguyễn Cẩm Xuyên đề cập đến trong bài viết của mình chúng tôi xin có ý kiến như sau: Trong cấu trúc chữ Nôm có một loại đọc theo âm Hán - Việt nhưng không lấy nghĩa mà chỉ lấy âm. Chẳng hạn một số câu trong Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta (些)

Trải qua (戈) một cuộc bể dâu

Tà tà bóng ngả (我) về tây

Đi đâu (兜) chẳng biết con người Sở Khanh

Chữ ta (些) tiếng Hán có nghĩa là ít, một ít, chữ qua (戈) là một binh khí ngày xưa; ngã (我) là ta, tôi; đâu (兜) cái mũ ngày xưa lúc ra trận; nghĩa của những chữ Hán trên đây không liên quan gì đến nội dung câu thơ, mà chủ yếu là mượn âm đọc.

Chữ giá (蔗, 稼) mà ông đề cập đến trong bài viết cũng thuộc loại này, cho nên không thể hiểu câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Thu ăn măng trúc, đông ăn mía hay ăn mạch nha được, mà chỉ có một cách đọc và hiểu duy nhất là Thu ăn măng trúc, đông ăn giá (giá đỗ) và lại càng không thể hiểu là băng giá hay nước đá như ông đã phân tích.

Chữ Nôm của các cụ trước đây chưa được điển chế và qui chuẩn hóa, nên một âm có thể viết được nhiều cách tùy trình độ từng người, một chữ cũng có thể được đọc khác nhau, tùy theo từng văn cảnh cụ thể và cảm nhận của từng người, chẳng hạn như chữ nghỉ/nghĩ, nêm/nen, nét ngài/nét người... trong Truyện Kiều.

Một điều đng chú ý nữa là khi thưởng thức văn chương trung đại, ta không nên phân tích quá tỉ mẩn theo con mắt của nhà khoa học hiện đại, như có người đã cố đi tìm cho được hệ đo lường của Trung Quốc thời xưa để xác định chiều cao của Từ Hải trong Truyện Kiều. Măng trúcgiá trong câu thơ, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ muốn đề cập đến những món ăn dân dã, quê kiểng và cái thú tắm ao, tắm hồ ở nông thôn khi cụ về ở ẩn tìm thú an nhàn thế thôi, chứ cụ đu có suy nghĩ theo kiểu hàn lâm ăn măng/ăn giá là hình nhi hạ, tắm hồ/tắm ao là hình nhi thượng (!) hay đi câu với lưỡi câu thẳng như người ta đã gán cho cụ.


[1]Xin xem bài đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4/2009 của Nguyễn Đăng Na có nhan đề Về bài thơ số 79 của Nguyễn Bỉnh Khiêm


Nguồn: Thế Anh - VHNA






 

Các bài mới
Các bài đã đăng